Nhựa Bình Minh: Cổ phiếu lập đỉnh, vốn hoá vượt 10.000 tỷ đồng
(VNF) - Cổ phiếi BMP đã thiết lập mức đỉnh lịch sử mới, qua đó đưa vốn hoá của Nhựa Bình Minh vượt mốc 10.000 tỷ đồng.
Vốn hoá vượt 10.000 tỷ đồng
Kết phiên 20/9, cổ phiếu BMP của Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP) đóng cửa ở mức giá 122.600 đồng/cổ phiếu (tăng 0,82%), thiết lập mức đỉnh cao nhất kể từ khi niêm yết từ năm 2006. Chỉ trong vòng 1 tháng, BMP đã bứt tốc vời màn tăng giá 20% từ mức 101.700 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa phiên 19/8) nhờ ghi nhận 2 chuỗi tăng giá, mỗi chuỗi dài 6 ngày liên tiếp.
Kể từ đầu năm đến nay, BMP đã ghi nhận một số nhịp tăng mạnh, tuy nhiên sau đó luôn kèm theo những pha điều chỉnh đáng kể. Nhìn chung, xu hướng giá của BMP kể từ đầu năm vẫn đi lên, thị giá tăng 18,5%, từ mức 103.420 đồng/cổ phiếu (giá điều chỉnh phiên đầu năm), dù vẫn kém hơn màn tăng tốc vừa ghi nhận trong 30 ngày qua.
Việc đưa cổ phiếu lên mức đỉnh lịch sử cũng giúp Nhựa Bình Minh lập kỷ lục về vốn hoá, vượt mốc 10.000 tỷ đồng. Đây cũng là doanh nghiệp nhựa có mức vốn hoá lớn nhất thị trường, vượt xa các đối thủ trong ngành như Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP, vốn hoá hơn 8.600 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Nhựa Hà Nội (HoSE: NHH, vốn hoá hơn 1.000 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Nhựa An Phát Xanh (HoSE: AAA, vốn hoá hơn 3.700 tỷ đồng),…
Trên thị trường chứng khoán, BMP hiện thuộc nhóm cổ phiếu đắt đỏ, thị giá cổ phiếu đã duy trì ở mức trên 100.000 đồng/cổ phiếu kể từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, mức thanh khoản của BMP lại không quá dồi dào. Theo số liệu từ Công ty Chứng khoán SSI, khối lượng giao dịch trung bình của BMP trong 3 tháng gần đây đạt 204.759 cổ phiếu, trong 10 phiên gần nhất đạt 341.660 cổ phiếu. Trong khi đó, số lượng cổ phiếu BMP là hơn 81,8 triệu đơn vị.
Được biết, hơn 66% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của Nhựa Bình Minh đang do 2 cổ đông lớn nắm giữ là The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co.Ltd (54,99%) và KWE Beteiligungen AG (11,02%) nắm giữ. Hơn 27,5 triệu cổ phiếu còn lại được nắm giữ bới một số quỹ đầu tư và các nhà đầu tư cá nhân khác.
BMP là một trong những cổ phiếu duy trì được lợi suất cổ tức ở mức cao. Theo dự báo của Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC), lợi suất cổ tức của BMP sẽ duy trì ở mức 12% trong 12 tháng tới và 10% trong năm tiếp theo.
Rủi ro mất thị phần
Điều mà nhiều nhà đầu tư tỏ ra khá bất ngờ với cổ phiếu BMP là các diễn biến tích cực trên thị trường chứng khoán diễn ra trong vùng trống thông tin của Nhựa Bình Minh. Theo đó, những tin tức mới nhất của doanh nghiệp được công bố vào đầu tháng 8, tại buổi gặp gỡ với chuyên viên phân tích, chia sẻ về tình hình kinh doanh trong quý II cũng như dự báo nửa cuối năm 2024.
Nhìn chung, ban lãnh đạo Nhựa Bình Minh thể hiện tâm lý lạc quan về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong nửa cuối năm 2024 nhờ việc thay đổi của các bộ luật mới nhằm hỗ trợ cho sự tăng trưởng dài hạn của thị trường bất động sản. Điều này cũng phần nào hỗ trợ cho sự tăng trưởng về nhu cầu vật liệu xây dựng nói chung và sản phẩm ống nhựa nói riêng.
Trái ngược với sự lạc quan của ban lãnh đạo cũng như diễn biến tích cực của cổ phiếu BMP, giới phân tích lại lưu ý các nhà đầu tư về rủi ro mất thị phần của Nhựa Bình Minh. Theo Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), sản lượng tiêu thụ của Nhựa Bình Minh trong nửa đầu năm đã giảm nhanh hơn so với dự báo của các chuyên gia do mất thị phần.
Cụ thể, sản lượng tiêu thụ nửa đầu năm đạt 35.400 tấn, giảm 26% so với cùng kỳ. Trong khi sản lượng của NTP (đối thủ cùng ngành của BMP) ước tăng tăng 4 – 6%. BSC lưu ý việc chính sách duy trì giá bán cao đã khiến cho Nhựa Bình Mnih mất thị phần trong nửa đầu năm 2024 và dự báo sản lượng tiêu thụ sẽ tiếp tục giảm 10% trong năm 2025.
Bên cạnh đó, BSC cho biết Nhựa Bình Minh đang tăng chiết khẩu đại lý mạnh hơn so với dự báo của công ty chứng khoán này, kéo theo tỷ suất lợi nhuận sụt giảm. Theo đó, chi phí bán hàng/doanh thu có xu hướng tăng kể từ quý I/2023 sau khi Nhựa Bình Minh duy trì chính sách giá bán cao. BMP đã có tín hiệu mất thị phần trong nửa cuối năm 2023 và nửa đầu năm 2024. Do vậy, rủi ro tỷ suất lợi nhuận sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm trong thời gian tới do tăng chiết khấu đại lý.
Nhìn chung, BSC kỳ vọng sản lượng tiêu thụ của Nhựa Bình Minh sẽ tăng 5% trong nửa cuối năm 2024 (đạt 37.150 tấn) so với nửa đầu năm nhờ thị trường bất động sản nội địa phục hồi. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn so với toàn ngành 10 - 15% do ban lãnh đạo dự kiến tiếp tục theo chiến lược ưu tiên chất lượng, không tập trung cạnh tranh vào giá để lấy thị phần trong thời gian tới.
Cho cả năm 2024, BSC dự báo sản lượng tiêu thụ của Nhựa Bình Minh đạt 72.500 tấn, giảm 18% so với mức thực hiện năm 2023.
Biên lợi nhuận 6 tháng cuối năm kỳ vọng ở mức 43,2%, tăng 0,6 điểm % so với nửa đầu năm nhờ giá đầu vào PVC giảm. Kể từ tháng 6, giá PVC đã trong xu hướng giảm và tại tháng 8, đang ở mức 715 USD/tấn (giảm 17% so với đỉnh tháng 6). Nguyên nhân đến từ việc thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn gặp khó, kéo theo nhu cầu tiêu thụ giảm, trong khi đó nhu cầu Ấn Độ sụt giảm do bước vào mùa mưa (yếu tố mùa vụ).
BSC kỳ vọng mức nền giá PVC thấp sẽ duy trì trong quý III do mùa thấp điểm. Trong nửa cuối năm, giá đầu vào PVC của Nhựa Bình Minh dự báo đạt 760 USD/tấn (giảm 2,5% so với nửa đầu năm).
Về kết quả kinh doanh, BSC dự báo Nhựa Bình Minh sẽ ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.400 – 4.500 tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt 460 – 470 tỷ đồng, đi ngang so với nửa đầu năm.
Nhựa Bình Minh: Lãi cao nhất 4 quý, nắm giữ 1.700 tỷ tiền mặt
'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.