Những chính sách đáng chú ý liên quan tới ô tô từ 1/10/2023

Minh Anh - 24/09/2023 14:54 (GMT+7)

(VNF) - Mức lệ phí đăng ký và cấp biển số xe bán tải tăng từ 500.000 đồng lên 20 triệu đồng, thêm 4 thủ tục hành chính trong đăng kiểm và quy định về các trường hợp triệu hồi ô tô nhập khẩu bị lỗi kỹ thuật là ba chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2023.

VNF
Những chính sách đáng chú ý liên quan tới ô tô từ 1/10/2023

Phí đăng ký lầu xe bán tải tăng từ 500.000 đồng lên 20 triệu đồng

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 60/2023 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Một trong những điểm mới đáng chú ý đó là việc điều chỉnh mức thu lệ phí cấp lần đầu chứng nhận đăng ký kèm theo biển số đối với dòng xe bán tải.

Cụ thể, từ ngày 22/10/2023, mức thu lệ phí lần đầu của xe bán tải tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực I sẽ tăng từ 500.000 đồng lên 20 triệu đồng. Như vậy, mức thu lệ phí cấp lần đầu chứng nhận đăng ký kèm theo biển số đối với dòng xe bán tải tăng tới 40 lần, mức này tương đương các dòng xe chở người từ 9 chỗ trở xuống.

Trong khi đó, phí cấp mới giấy chứng nhận đăng ký xe bán tải tại các địa phương thuộc khu vực II là 1 triệu đồng và khu vực III là 200.000 đồng.

Trước đó, tại Nghị định 20/2019 sửa đổi, bổ sung quy định về tính lệ phí trước bạ vừa được Chính phủ ban hành, áp dụng từ tháng 4/2019 quy định thuế lệ phí trước bạ đối với xe bán tải bằng 60% mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống.

Thêm 4 thủ tục hành chính trong đăng kiểm

Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Quyết định 1137/QĐ-BGTVT công bố thủ tục hành chính được ban hành mới trong lĩnh vực đăng kiểm thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giao thông Vận tải.

Theo đó, các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng kiểm được công bố theo Quyết định 1137, bao gồm: cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu; cấp thông báo miễn kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường linh kiện nhập khẩu; cấp lại giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu; cấp lại thông báo miễn kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường linh kiện nhập khẩu.

Các trường hợp triệu hồi ô tô nhập khẩu bị lỗi kỹ thuật

Ngày 16/8, Chính phủ ban hành Nghị định 60/2023/NĐ-CP quy định về việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu và linh kiện nhập khẩu theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Theo nghị định mới này, những trường hợp ô tô bị lỗi kỹ thuật thuộc diện phải triệu hồi, gồm: ô tô triệu hồi theo công bố của nhà sản xuất và ô tô triệu hồi theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra.

Việc yêu cầu triệu hồi của cơ quan kiểm tra được thực hiện trên cơ sở bằng chứng cụ thể, kết quả xác minh các thông tin phản ánh về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu.

Đối với trách nhiệm của người nhập khẩu về triệu hồi ô tô bị lỗi kỹ thuật, khoản 2 điều 8 Nghị định 60 quy định trường hợp các ô tô đã đưa ra thị trường có lỗi kỹ thuật phải triệu hồi, người nhập khẩu phải thực hiện các công việc sau.

Trong thời gian không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo triệu hồi từ nhà sản xuất hoặc từ cơ quan kiểm tra, người nhập khẩu phải thông báo bằng văn bản tới các đại lý bán hàng yêu cầu không bán ra thị trường các ô tô thuộc diện triệu hồi mà chưa được khắc phục.

Trong thời gian không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo triệu hồi từ nhà sản xuất hoặc từ cơ quan kiểm tra, người nhập khẩu phải gửi tới cơ quan kiểm tra báo cáo bằng văn bản các nội dung sau: nguyên nhân xảy ra lỗi kỹ thuật; biện pháp khắc phục; số lượng ô tô phải triệu hồi; kế hoạch triệu hồi phù hợp.

Ngoài ra, phải chủ động thực hiện và tuân thủ theo đúng kế hoạch triệu hồi, đồng thời người nhập khẩu phải công bố thông tin về kế hoạch triệu hồi và danh sách ô tô phải triệu hồi trên trang thông tin điện tử của người nhập khẩu, các đại lý bán hàng một cách kịp thời, đầy đủ.

Trong quá trình thực hiện triệu hồi, cơ quan kiểm tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người nhập khẩu về việc tiếp nhận kế hoạch triệu hồi và các yêu cầu bổ sung đối với chương trình triệu hồi (nếu có); yêu cầu người nhập khẩu phải thực hiện việc triệu hồi; thông tin về ô tô bị triệu hồi trên trang thông tin điện tử của cơ quan kiểm tra; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện triệu hồi của người nhập khẩu theo kế hoạch; tạm dừng các thủ tục chứng nhận chất lượng đối với người nhập khẩu ô tô không thực hiện trách nhiệm theo quy định của Nghị định 60.

Tiếp đó, cơ quan kiểm tra sẽ xem xét dừng thủ tục kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các ô tô của cùng nhà sản xuất nếu người nhập khẩu cung cấp được bằng chứng nhà sản xuất đó không phối hợp để thực hiện kế hoạch triệu hồi.

Đối với ô tô thuộc diện triệu hồi mà chưa được cơ quan kiểm tra cấp giấy chứng nhận, cơ quan kiểm tra thông báo tới cơ quan hải quan nơi mở tờ khai hàng hóa nhập khẩu cho phép người nhập khẩu tạm giải phóng hàng để người nhập khẩu thực hiện việc khắc phục các xe thuộc diện triệu hồi. Sau khi người nhập khẩu cung cấp danh sách các ô tô đã được khắc phục lỗi theo quy định của nhà sản xuất, cơ quan kiểm tra tiếp tục thực hiện thủ tục kiểm tra, chứng nhận theo quy định.

Nghị định 60/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/10/2023, áp dụng đối với linh kiện kể từ ngày 1/10/2023 và đối với ô tô kể từ ngày 1/8/2025.

Xem thêm: Thêm 36 biển số ô tô 'siêu' đẹp sẽ đấu giá trong ngày 21 và 22/9

Cùng chuyên mục
Tin khác