Tiêu điểm

Những diễn biến mới sau một năm ông Trần Duy Tùng rời Cảng Quy Nhơn

(VNF) - Việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn sẽ được xem xét lại như thế nào là một câu hỏi đang được công chúng đặc biệt quan tâm, giữa lúc những thông tin về ông Trần Duy Tùng, con trai ông Trần Bắc Hà ngày càng mờ mịt, sau tròn một năm rời khỏi công ty này.

Những diễn biến mới sau một năm ông Trần Duy Tùng rời Cảng Quy Nhơn

Tính tới thời điểm này, ông Trần Duy Tùng, con trai ông Trần Bắc Hà - cựu Chủ tịch Ngân hàng BIDV đã rời ghế thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP Cảng Quy Nhơn tròn một năm.

Tháng 11/2017, ông Trần Duy Tùng đã có đơn gửi tới trụ sở chính của công ty để xin từ chức vụ thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty này. Căn cứ đơn từ chức của ông Trần Duy Tùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Quy Nhơn - ông Lê Hồng Thái - đã công văn công bố thông tin tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc ông Tùng không còn tư cách thành viên HĐQT công ty này kể từ ngày 1/10 vừa qua.

Thay vào chức vụ của ông Tùng là bà Nguyễn Thị Nghiệp, thành viên HĐQT kiêm cố vấn HĐQT công ty này. Hiện HĐQT Cảng Quy Nhơn gồm có 4 người, do ông Lê Hồng Thái làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.

Hiện vẫn chưa rõ ông Trần Duy Tùng đang làm gì, ở đâu, tuy nhiên vụ bê bối cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn vẫn đang có những diễn biến rất đáng chú ý.

Khi chủ trì hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ngày 21/11 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lấy ví dụ về cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn để nói về bất cập trong công tác điều hành, tái cơ cấu, cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thời qua.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói: "Vừa rồi có một số đơn vị sau khi CPH phải thu hồi lại như Hãng phim truyện Việt Nam, Cảng Quy Nhơn… Những cái này làm sai quá trời. Cảng Quy Nhơn rất lớn mà bán rẻ như cho không, gây thất thoát tài sản nhà nước. Cái này phải xử lý nghiêm để lập lại kỷ cương, lập lại trật tự, không để thất thoát tài sản nhà nước thông qua cổ phần hóa”.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra toàn diện việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định.

Cảng Quy Nhơn được hình thành năm 1976, đến năm 1993 thì Bộ Giao thông vận tải quyết định thành lập doanh nghiệp nhà nước Cảng Quy Nhơn và năm 2009 cảng trực thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), đổi tên là Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn. Vào tháng 7/2013, Vinalines phê duyệt phương án cổ phần hoá, chuyển Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn thành Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn (QNP).

Ngoài hạ tầng cơ sở và diện tích đất lớn, Cảng Quy Nhơn còn có 6 cầu tàu với tổng chiều dài 824 m, trong đó lớn nhất là cầu tàu số 6 có thể tiếp nhận tàu tải trọng 50.000 tấn giảm tải ra vào làm hàng. Cảng Quy Nhơn cũng sở hữu 165 phương tiện, thiết bị chuyên dùng trị giá hàng trăm tỷ đồng, trong đó, riêng cần cẩu bờ di động sức nâng 100 tấn có giá trên thị trường khoảng 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi cổ phần hóa, Cảng Quy Nhơn chỉ được định giá hơn 404 tỷ đồng mặc dù thời điểm đó cảng có lượng tiền mặt gần 53 tỷ đồng và chỉ nợ ngắn hạn hơn 100 tỷ đồng.

Phát biểu mới đây của Thủ tướng cũng như những số liệu về tài sản hiện có của Cảng Quy Nhơn đưa đến câu hỏi rằng liệu kết quả bán cổ phần trước đây có bị hủy và vai trò của các cá nhân liên quan sẽ thế nào?

Ông Trần Duy Tùng, sinh năm 1985, là con trai ông Trần Bắc Hà - cựu Chủ tịch Ngân hàng BIDV. Trước đó, tháng 7/2017, ông Trần Duy Tùng được bầu làm thành viên HĐQT thay cho ông Trần Tuấn Nghĩa có đơn từ nhiệm.

Tuy nhiên, đến ngày 22/9, sau khi xuất hiện tin đồn thất thiệt ông Trần Bắc Hà bị bắt, ông Tùng bất ngờ gửi đơn xin từ chức thành viên HĐQT Cảng Quy Nhơn. Bên cạnh vai trò điều hành tại Cảng Quy Nhơn, ông Trần Duy Tùng còn là người đại diện pháp luật của Tập đoàn An Phú - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, khai khoáng, năng lượng.

Tin mới lên