Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.
Năm 2023 đã bắt đầu với một loạt rủi ro vừa hoàn toàn mới lạ vừa quen thuộc một cách kỳ lạ. Chúng ta đã chứng kiến sự quay trở lại của những rủi ro “cũ” như lạm phát, khủng hoảng chi phí sinh hoạt, chiến tranh thương mại, dòng vốn chảy ra khỏi các thị trường mới nổi, bất ổn xã hội lan rộng, đối đầu địa chính trị và bóng ma chiến tranh hạt nhân. Đây là những điều mà rất ít nhà lãnh đạo doanh nghiệp của thế hệ hiện tại và các nhà hoạch định chính sách công từng trải qua.
Những yếu tố bất lợi này còn được khuếch đại hơn nữa bởi những diễn biến tương đối mới trong bối cảnh rủi ro toàn cầu, bao gồm mức nợ không bền vững, kỷ nguyên tăng trưởng thấp mới, đầu tư toàn cầu thấp và phi toàn cầu hóa, sự suy giảm phát triển con người sau nhiều thập kỷ tiến bộ, sự phát triển nhanh chóng và không bị hạn chế của các công nghệ lưỡng dụng (dân sự và quân sự), đi kèm với áp lực ngày càng tăng từ mục tiêu chống biến đổi khí hậu.
Theo phân tích mới nhất của Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB), tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại đáng kể, với sản lượng kinh tế toàn cầu dự kiến chỉ đạt 1,7% vào năm 2023. Các nhà kinh tế WB cũng cảnh báo rằng suy thoái sẽ lan rộng và bất kỳ diễn biến bất lợi nào cũng có nguy cơ đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái. Tăng trưởng chậm lại ảnh hưởng đến 95% các nền kinh tế tiên tiến và gần 70% các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, với khả năng làm tăng tỷ lệ nghèo đói ở một số khu vực.
Trong bản cập nhật kinh tế mới nhất được công bố hôm 31/1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,9% trong năm nay, điều chỉnh tăng 0,2% so với dự báo trước đó hồi tháng 10/2022. Tuy nhiên, mức tăng trưởng 2,9% vẫn giảm so với mức tăng trưởng 3,4% vào năm 2022.
Kinh tế trưởng của IMF, ông Pierre-Olivier Gourinchas cho biết rủi ro suy thoái đã giảm bớt và các ngân hàng trung ương đang đạt được tiến bộ trong việc kiểm soát lạm phát, nhưng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để kiềm chế giá cả và những gián đoạn mới có thể đến từ sự leo thang hơn nữa của cuộc chiến tại Ukraine và nỗ lực phục hồi kinh tế hậu Covid-19 của Trung Quốc.
IMF cũng đã cảnh báo về một số yếu tố khiến triển vọng kinh tế thế giới tệ hơn trong những tháng tới. Các yếu tố này bao gồm thực tế là việc mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19 của Trung Quốc có thể bị đình trệ; lạm phát có thể vẫn ở mức cao; chiến sự Ukraine kéo dài có thể làm tăng chi phí năng lượng và lương thực; và việc thị trường có thể trở nên tồi tệ hơn.
Sau khi dành cả năm 2022 để tăng lãi suất với tốc độ chưa từng có kể từ những năm 1980, các nhà hoạch định chính sách của Fed đang thực hiện một cách tiếp cận khác vào năm 2023: Tăng lãi suất với tốc độ chậm hơn và thận trọng hơn. Trong lần tăng lãi suất gần đây nhất vào ngày 1/2, ngân hàng trung ương Mỹ đã hạ mức tăng xuống 0,25%, thay vì 0,75% như 4 lần tăng liên tiếp trước đó. Hiện tại, lãi suất đang ở phạm vi mục tiêu là 4,5 - 4,75%.
Nhưng con đường chậm rãi hơn của Fed không báo hiệu về điểm đến cuối cùng của cơ quan này. Lãi suất hiện đang ở mức cao nhất kể từ năm 2007 và Fed dự kiến sẽ tiếp tục các đợt tăng lãi suất cho tới cuối năm 2023. Theo dự báo của các quan chức Fed vào cuối năm ngoái, các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ tăng lãi suất lên ngưỡng 5 - 5,25% trước khi dừng lại chương trình thắt chặt tiền tệ, tương đương với việc cơ quan này có thể nâng lãi suất thêm ít nhất 2 lần trong năm nay.
Là nền kinh tế lớn nhất thế giới, mọi động thái kinh tế mà Mỹ thực hiện đều có tác động ngay lập tức đến thị trường toàn cầu. Ở cấp độ cơ bản, việc tăng lãi suất đi đôi với việc tăng giá đồng tiền. Ở các nước phát triển, đồng USD mạnh được nhìn nhận theo hướng tích cực. Nhưng hoàn cảnh lại khác ở các nền kinh tế mới nổi, bởi việc USD tăng sẽ làm tăng áp lực cán cân thanh toán và làm tăng rủi ro nợ tại các quốc gia này. Các điều kiện tài chính đã thắt chặt mạnh mẽ trong bối cảnh nợ công và tư nhân ở mức cao, đẩy chi phí trả nợ, hạn chế không gian tài khóa và làm tăng rủi ro tín dụng quốc gia.
Lãi suất tăng và sức mua giảm sút đã làm suy yếu niềm tin của người tiêu dùng và tâm lý nhà đầu tư, đồng thời làm mờ đi triển vọng tăng trưởng ngắn hạn của nền kinh tế thế giới.
Trong một bài viết được đăng tải trên trang China Daily vào ngày 30/1, các tác giả cho rằng Trung Quốc sẽ chứng kiến sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ vào năm 2023, dựa trên ba quan điểm: Thứ nhất, hầu hết các biện pháp ngăn chặn Covid-19 phần lớn đã được dỡ bỏ; thứ hai, hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương vào tháng 12/2022 đã nêu rõ rằng giữ tăng trưởng kinh tế ổn định sẽ là ưu tiên hàng đầu trong năm nay; và thứ ba là niềm tin rằng các quốc gia có thể sẽ điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ để đạt được sự cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế phù hợp.
Cân nhắc các tình huống, nhóm tác giả đặt ra 2 kịch bản tăng trưởng của Bắc Kinh. Kịch bản đầu tiên là tăng trưởng sẽ phục hồi trở lại trong quý đầu tiên. Ở kịch bản thứ hai, tăng trưởng sẽ phục hồi bắt đầu từ đầu quý II.
Trong kịch bản đầu tiên, vào đầu quý I, mức tăng trưởng có thể đạt 2,5% và tăng tốc lên 10% trong quý II. Tốc độ tăng trưởng trong quý III và quý IV sẽ lần lượt vào khoảng 6,8% và 7,8%, giúp đưa tăng trưởng GDP năm 2023 lên vào khoảng 7,0%.
Trong kịch bản thứ hai, GDP sẽ giảm 1% trong quý đầu tiên. Nền kinh tế sau đó sẽ nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng lần lượt là 6,8%, 6,7% và 7,9% trong các quý sau. Với giả định này, mức tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc sẽ là 5,4%.
Khác với kỳ vọng lạc quan mà các nhà kinh tế Trung Quốc đưa ra, bản cập nhật tình hình kinh tế thế giới của Liên Hợp Quốc đánh giá tăng trưởng ở Trung Quốc sẽ cải thiện vừa phải vào năm 2023, tăng tốc lên 4,8%. Tuy nhiên, quá trình mở cửa lại nền kinh tế dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn và tốc độ tăng trưởng có thể sẽ vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch là 6 - 6,5%.
Tương tự, IMF đã điều chỉnh triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc lên 5,25% cho năm 2023, đồng thời lưu ý thêm rằng tăng trưởng của Trung Quốc sẽ “giảm xuống 4,5% vào năm 2024 trước khi ổn định ở mức dưới 4% trong bối cảnh hoạt động kinh doanh suy giảm và tiến độ cải cách cơ cấu chậm lại”.
Theo IMF, nền kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng sẽ đóng góp 1/4 tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, do đó, việc quốc gia này không đạt được tốc độ phục hồi như kỳ vọng có thể khiến kịch bản tăng trưởng của rất nhiều quốc gia, hay thậm chí của cả thế giới, bị đổ bể.
Mặc dù đã phủ bóng lên nền kinh tế toàn cầu trong phần lớn thời gian của năm 2022, cuộc chiến quân sự giữa Moscow và Kiev vẫn chưa có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc. Chừng nào hai bên chưa đạt được một thoả thuận ngừng bắn, mối đe doạ leo thang sẽ vẫn tồn tại, không loại trừ trường hợp sẽ có vũ khí hạt nhân được áp dụng. Và tất cả những điều không chắc chắn này cũng đang đẩy triển vọng kinh tế toàn cầu vào vùng vô định.
Trong ấn phẩm “Những rủi ro toàn cầu 2023” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tổ chức này đánh giá sự tiếp diễn của cuộc chiến ở Ukraine, tác động trễ của việc giá phân bón tăng đột biến vào năm ngoái và tác động của điều kiện thời tiết khắc nghiệt đối với sản xuất lương thực ở các khu vực trọng điểm có khả năng gây ra cuộc khủng hoảng nguồn cung lương thực toàn cầu. Các ước tính cho thấy hơn 800.000 ha đất nông nghiệp đã bị lũ lụt xóa sổ ở Pakistan, làm tăng giá hàng hóa đáng kể ở một quốc gia vốn đang phải vật lộn với mức lạm phát kỷ lục 27%. Hạn hán và thiếu nước được dự đoán có thể gây ra sự sụt giảm trong thu hoạch và gia súc chết trên khắp Đông Phi, Bắc Phi và Nam Phi, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực.
Theo WEF, cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay ảnh hưởng đến cả các nước phát triển và đang phát triển, với nhiều nước phải đối mặt với nguy cơ suy thoái vào năm 2023.
Tại Mỹ, GDP dự kiến chỉ tăng 0,4% vào năm 2023 sau khi ước tính tăng trưởng 1,8% vào năm 2022. Người tiêu dùng dự kiến sẽ cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh lãi suất cao hơn, thu nhập thực tế thấp hơn và giá trị tài sản ròng của hộ gia đình giảm đáng kể. Tỷ lệ thế chấp tăng và chi phí xây dựng tăng cao có thể sẽ tiếp tục đè nặng lên thị trường nhà ở, với khoản đầu tư cố định cho nhà ở dự kiến sẽ giảm hơn nữa.
Triển vọng kinh tế ngắn hạn đối với châu Âu cũng xấu đi nghiêm trọng do cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục kéo dài. Nhiều quốc gia châu Âu được dự đoán sẽ trải qua một cuộc suy thoái nhẹ, với chi phí năng lượng tăng cao, lạm phát cao và điều kiện tài chính thắt chặt hơn làm giảm tiêu dùng và đầu tư của các hộ gia đình. Liên minh châu Âu được dự báo sẽ tăng trưởng ước tính khoảng 0,1% vào năm 2023, giảm từ mức 3,2% vào năm 2022. Trong đó, triển vọng của nền kinh tế Vương quốc Anh đặc biệt ảm đạm do chi tiêu hộ gia đình giảm mạnh, áp lực tài chính, và những thách thức từ phía cung, một phần do Brexit. Sau khi bước vào suy thoái vào nửa cuối năm 2022, GDP được dự đoán sẽ giảm 0,8% vào năm 2023.
Mặc dù tăng trưởng với tốc độ vừa phải, nhưng nền kinh tế Nhật Bản được dự đoán sẽ nằm trong số các nền kinh tế phát triển hoạt động tốt hơn vào năm 2023. Tuy nhiên, tình trạng thiếu chip kéo dài, chi phí nhập khẩu tăng (do đồng yên Nhật suy yếu) và nhu cầu bên ngoài chậm lại đang đè nặng lên sản lượng công nghiệp. Tổng sản phẩm trong nước dự báo tăng 1,5% vào năm 2023, thấp hơn một chút so với mức tăng trưởng ước tính 1,6% năm 2023.
Sự phục hồi kinh tế ở Đông Á vẫn còn mong manh, mặc dù tốc độ tăng trưởng trung bình cao hơn so với các khu vực khác. Năm 2023, tăng trưởng GDP ở Đông Á được dự báo đạt 4,4%, so với mức 3,2% năm 2022, chủ yếu phản ánh sự phục hồi tăng trưởng khiêm tốn ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều nền kinh tế trong khu vực, trừ Trung Quốc, đang mất đà trong bối cảnh nhu cầu giảm dần, chi phí sinh hoạt tăng và nhu cầu hàng xuất khẩu yếu từ Mỹ và châu Âu. Mặc dù sự phục hồi dự kiến của nền kinh tế Trung Quốc sẽ hỗ trợ tăng trưởng trên toàn khu vực, nhưng sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 có thể tạm thời tạo ra tác động lan tỏa tiêu cực.
Ở Nam Á, triển vọng kinh tế đã xấu đi đáng kể do giá lương thực và năng lượng cao. Tăng trưởng GDP trung bình được dự báo sẽ ở mức vừa phải từ 5,6% năm 2022 xuống 4,8% năm 2023. Tăng trưởng ở Ấn Độ dự kiến sẽ vẫn mạnh ở mức 5,8%, mặc dù thấp hơn một chút so với mức ước tính 6,4% vào năm 2022 do lãi suất cao hơn và suy thoái toàn cầu ảnh hưởng đến đầu tư và xuất khẩu. Triển vọng sẽ khó khăn hơn đối với các nền kinh tế khác trong khu vực, với Bangladesh, Pakistan và Sri Lanka đang tìm kiếm hỗ trợ tài chính từ IMF vào năm 2022.
Ở Tây Á, các quốc gia sản xuất dầu đã thoát khỏi suy thoái kinh tế, được hưởng lợi từ giá cao và sản lượng dầu tăng cũng như sự phục hồi của ngành du lịch. Ngược lại, sự phục hồi ở các nước không sản xuất dầu vẫn còn yếu trong bối cảnh thắt chặt tiếp cận tài chính quốc tế và những hạn chế tài khóa nghiêm trọng. Tăng trưởng trung bình được dự báo sẽ chậm lại từ mức ước tính 6,6% năm 2022 xuống còn 3,5% năm 2023 trong bối cảnh các điều kiện bên ngoài xấu đi.
Ở châu Phi, tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ vẫn yếu ớt với môi trường toàn cầu đầy biến động và không chắc chắn cùng với những thách thức trong khu vực. Châu lục này đã bị ảnh hưởng bởi nhiều cú sốc, bao gồm nhu cầu yếu hơn từ các đối tác thương mại quan trọng, đặc biệt là châu Âu và Trung Quốc, giá năng lượng và lương thực tăng mạnh, chi phí vay tăng nhanh và các hiện tượng thời tiết bất lợi. Tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ chậm lại từ mức ước tính 4,1% năm 2022 xuống còn 3,8% năm 2023.
Triển vọng ở Mỹ Latinh và Caribe vẫn còn nhiều thách thức, trong bối cảnh các điều kiện bên ngoài không thuận lợi, không gian chính sách kinh tế vĩ mô hạn chế và lạm phát cao dai dẳng. Tăng trưởng khu vực được dự đoán sẽ chậm lại chỉ còn 1,4% vào năm 2023, sau khi ước tính tăng trưởng 3,8% vào năm 2022. Triển vọng thị trường lao động đang gặp nhiều thách thức và việc giảm nghèo trên toàn khu vực khó có thể xảy ra trong thời gian tới. Các nền kinh tế lớn nhất của khu vực, bao gồm Argentina, Brazil và Mexico, dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ rất thấp do các điều kiện tài chính thắt chặt, xuất khẩu suy yếu và các lỗ hổng kinh tế trong nước.
Các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới đang phải đối mặt với những đánh đổi khó khăn trong việc lèo lái nền kinh tế vượt qua các cuộc khủng hoảng hiện tại và hỗ trợ quá trình phục hồi toàn diện và bền vững.
Theo WEF, các chính sách kinh tế vĩ mô cần được điều chỉnh cẩn trọng để đạt được sự cân bằng giữa kích thích sản lượng và kiểm soát lạm phát, với sự phối hợp hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và tài khóa nhằm giảm thiểu rủi ro của suy thoái kinh tế nghiêm trọng và kéo dài. Rủi ro do sai lầm chính sách là rất lớn, đặc biệt là khi các phản ứng của chính sách kinh tế vĩ mô hạn chế khả năng giải quyết các cú sốc phi kinh tế. Những sai lầm về chính sách có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái kinh tế và gây thêm tác hại về kinh tế xã hội, đặc biệt là đối với các nhóm nước dễ bị tổn thương.
Ông Ayhan Kose, Giám đốc Nhóm Triển vọng của Ngân hàng Thế giới, cho biết cần phải thực hiện những chính sách ở cấp độ toàn cầu cũng như cấp quốc gia để có thể vượt qua những thách thức kinh tế.
Ở cấp quốc gia, các nhà hoạch định chính sách cần chăm sóc cho chính “ngôi nhà” của họ. Theo đó, chuyên gia WB cho biết các quốc gia cần những khuôn khổ chính sách mạnh mẽ và linh hoạt, điều chỉnh chính sách tài khoá theo tình hình thực tế để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Còn ở mức độ toàn cầu, “hợp tác” là từ khoá chính.
“Tất nhiên, điều đó bắt đầu với hòa bình ở châu Âu. Về cơ bản, chúng ta cần tìm cách làm việc tích cực hơn nữa để giải quyết thách thức biến đổi khí hậu, giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực ở nhiều quốc gia và chúng ta cần có các khuôn khổ mạnh mẽ để có các giải pháp nhanh chóng và lâu dài trong bối cảnh chúng ta phải đối mặt với những thách thức liên quan đến nợ nần”, ông Ayhan Kose nhận định.
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.