Những nước cờ mới trong ngành bán lẻ hàng tiêu dùng thiết yếu

Thanh Long - 19/11/2020 17:22 (GMT+7)

(VNF) - Doanh thu 20.000 tỷ trong ngành bán lẻ hàng tiêu dùng thiết yếu được một lãnh đạo doanh nghiệp ví như "muối bỏ bể".

VNF
(Ảnh minh họa)

Ngành bán lẻ hàng tiêu dùng thiết yếu tại Việt Nam đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ qua từng ngày, với 2 đầu tàu là chuỗi VinMart, VinMart+ và chuỗi Bách hóa Xanh.

Theo chia sẻ của đại diện Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) - đơn vị sở hữu chuỗi Bách hóa Xanh, chuỗi này coi rằng việc gia tăng doanh số cửa hàng là tiêu chí quan trọng giúp Bách hóa Xanh tiến dần đến điểm hòa vốn và sự ra đời của mô hình cửa hàng Bách hóa Xanh diện tích lớn trên 500m2 (còn gọi là cửa hàng "5 tỷ") sẽ là động lực giúp chuỗi này cải thiện chất lượng doanh thu trong thời gian tới.

Thống kê cho thấy đến hết tháng 10/2020, số lượng cửa hàng "5 tỷ" chỉ đạt con số 72, chiếm chưa đầy 5% tổng số cửa hàng Bách hóa Xanh nhưng đóng góp doanh thu tới 11%.

Ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc MWG cho biết mô hình cửa hàng "5 tỷ" không có hiệu ứng chia sẻ hay tước đoạt doanh thu của các cửa hàng cận kề. Việc nâng cấp lên mô hình cửa hàng diện tích lớn dù có những khó khăn nhất định, chẳng hạn về mặt bằng, nhưng những khó khăn này đều đã có lời giải.

Vị này cho biết thêm, tại các khu vực thành thị lớn như TP. HCM hay các trung tâm tỉnh như TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), (TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)..., chuỗi sẽ tập trung phát triển các mô hình cửa hàng diện tích lớn. Còn các vùng có dung lượng thị trường nhỏ hơn sẽ phát triển mô hình cửa hàng tiêu chuẩn.

Không chỉ tập trung cho ra đời các cửa hàng "5 tỷ", một nước cờ quan trọng khác của Bách hóa Xanh là dồn lực phát triển Bách hóa Xanh online.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG tiết lộ rằng để phát triển Bách hóa Xanh online, doanh nghiệp này sẽ tổ chức theo 2 hướng. Thứ nhất là chấp nhận mở trung tâm phân phối hàng online (DC online) ngay lập tức nếu như tin tưởng rằng sau 1 năm sẽ hòa vốn.

Ông Tài đánh giá đây là một sự thay đổi rất quan trọng. Trước đây, Bách hóa Xanh chỉ mở DC online nếu như khu vực đó có lượng khách hàng online hiện hữu đủ lớn (chẳng hạn như TP. HCM). Tuy nhiên, nếu như vậy thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, thậm chí có thể bị người tiêu dùng quay lưng nếu đặt hàng online nhưng Bách hóa Xanh không cung cấp được hàng, nên chuỗi này chấp nhận lỗ thời gian đầu nếu như thị trường đủ tiềm năng.

Hướng thứ hai là đối với các khu vực tệp khách hàng không đủ lớn, Bách hóa Xanh sẽ sử dụng các cửa hàng "5 tỷ" tại khu vực đó như là một trung tâm phân phối phục vụ khách hàng online.

Bên cạnh đó, theo chia sẻ từ Tổng giám đốc MWG Trần Kinh Doanh, Bách hóa Xanh đang tính đến việc sử dụng kênh offline là phương tiện truyền thông để khách hàng biết rằng họ có thể mua online, bởi mỗi tháng hệ thống cửa hàng offline đón tới gần 25 triệu khách hàng và sẽ tiếp tục tăng đều đặn.

Mặc dù chuỗi Bách hóa Xanh vẫn chưa thể hòa vốn (khoảng 80% cửa hàng đã có lãi trước khấu hao) nhưng ban lãnh đạo MWG khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chuỗi thay vì chậm lại để nhanh chóng hòa vốn. Năm 2021, dự kiến sẽ có thêm khoảng 500-700 cửa hàng được mở mới, từ mức khoảng 1.750 cửa hàng cuối năm 2020.

"Doanh thu năm nay của chuỗi vào khoảng hơn 20.000 tỷ, chỉ như muối bỏ bể trong ngành này nên Bách hóa Xanh sẽ nỗ lực để gia tăng thị phần. Tuy nhiên, song song với việc gia tăng thị phần bằng việc mở thêm điểm bán, mở rộng vùng lãnh thổ, chúng tôi cũng cố gắng kiểm soát các tiêu chí khác như lãi gộp, doanh thu trung bình mỗi cửa hàng... theo hướng tốt lên chứ không đánh đổi để tăng doanh thu", ông Trần Kinh Doanh nói.

Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài thậm chí còn cho rằng doanh thu 100.000 tỷ chưa phải là điều gì to tát trong ngành này. "Khi quy mô doanh thu của MWG vào cỡ 80.000 - 100.000 tỷ thì lợi nhuận "khủng" sẽ xuất hiện, lúc đó mới thực sự là ngày bưng máy in tiền ra. MWG không quan tâm đến cuộc chơi ngắn hạn", người đứng đầu MWG khẳng định.

Quá trình "lột xác" cũng đang diễn ra ở chuỗi VinMart, VinMart+, đặc biệt là chuỗi VinMart+. Theo thông tin từ Tập đoàn Masan - chủ sở hữu chuỗi VinMart, VinMart+, riêng trong quý III/2020, đã có tới 276 cửa hàng VinMart+ bị đóng cửa, gần nửa trong số đó là tại TP. HCM.

Lãnh đạo chuỗi VinMart+ cho biết nếu có mô hình đúng, việc mở rộng ko phải là vấn đề, mà ngược lại, sẽ diễn ra rất nhanh chóng.

Lũy kế 9 tháng, đã có tới 421 cửa hàng VinMart+ bị đóng cửa, trong đó, hơn 80% là tại TP. HCM và các thành phố cấp 2 có tỷ lệ doanh thu/m2 thấp hơn khoảng 50% so với mức yêu cầu để đạt điểm hòa vốn tại cửa hàng.

Song song với việc đóng các cửa hàng hoạt động không hiệu quả, chuỗi VinMart+ cũng đang thử nghiệm mô hình cửa hàng mới theo hướng cung cấp nhiều sản phẩm tươi sống hơn, nâng cao trải nghiệm khách hàng. Trong đó, hợp tác với nhà cung cấp địa phương là chìa khóa để cung cấp lượng mặt hàng phong phú và tươi ngon hơn.

Lãnh đạo chuỗi này cho biết nếu có mô hình đúng, việc mở rộng ko phải là vấn đề, mà ngược lại, sẽ diễn ra rất nhanh chóng.

Ban lãnh đạo Masan kỳ vọng giai đoạn 2021 - 2025, sẽ sở hữu hơn 300 siêu thị VinMart, khoảng 10.000 cửa hàng VinMart+ và khoảng 20.000 cửa hàng VinMart+ theo dạng nhượng quyền.

Tính đến hết tháng 9/2020, Masan đang có 122 siêu thị VinMart và 2.524 cửa hàng VinMart+. Doanh thu năm 2020 dự kiến cán mốc 31.000 tỷ đồng, tăng 25% so với năm ngoái.

Cùng chuyên mục
Tin khác