Những ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất nâng lô cổ phiếu sàn HoSE lên 1.000

Thanh Long (T/H) - 04/03/2021 14:01 (GMT+7)

(VNF) - Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất nâng lô cổ phiếu lên 1.000 đơn vị của lãnh đạo sàn HoSE đã đưa đưa ra, đa phần là không đồng tình với giải pháp này.

VNF
Những ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất nâng lô cổ phiếu sàn HoSE lên 1.000

Trao đổi với báo giới gần đây, Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) Lê Hải Trà có nêu đề xuất nâng lô giao dịch cổ phiếu trên sàn HoSE từ 100 cổ phiếu lên 1.000 cổ phiếu nhằm giải quyết tạm thời tình trạng nghẽn lệnh.

Theo ông Trà, việc tăng lô lên 1.000 có thể giúp giảm 40-50% tổng số lượng lệnh giao dịch, qua đó mở đường cho những tầm cao mới của thanh khoản thị trường.

Đề xuất này đã gây ra phản ứng gay gắt trong cộng đồng đầu tư. Qua tìm hiểu, đa phần các nhà đầu tư nhỏ lẻ phản đối đề xuất này bởi họ là người chịu thiệt nhiều nhất khi vừa bị hạn chế khả năng tiếp cận thị trường, vừa chịu bất lợi trong việc xử lý lô lẻ dưới 1.000 cổ phiếu. Với không ít nhà đầu tư, giá trị mỗi lô lẻ lên đến hàng trăm triệu đồng, là tài sản lớn với họ.

Ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư của Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho rằng giải pháp nâng lô giao dịch sẽ chủ yếu tác động tiêu cực tới nhóm nhà đầu tư có số vốn đầu tư ít và nhà đầu tư mới. Tác động tiêu cực về mặt giao dịch cũng có thể xảy ra đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khi lượng cầu có thể sẽ sụt giảm đi trong điều kiện giá trị giao dịch không thay đổi.

Nhiều ý kiến trái chiều khác đã được đưa ra xung quanh đề xuất nâng lô cổ phiếu sàn HoSE lên 1.000.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI, là người ủng hộ đề xuất này.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Duy Hưng, giải pháp xử lý sự cố tắc nghẽn hệ thống vì quá tải sẽ có mặt trái, nhưng nếu không có giải pháp thì hệ thống sụp đổ, thị trường sẽ dừng hoạt động.

“Trong hai cái dở phải chọn cái ít dở hơn thôi! Giải pháp tăng lô lên 1.000 là lựa chọn khả dĩ nhất lúc này để duy trì hệ thông, khi hệ thống mới được đưa vào sử dụng thì sẽ giảm trở lại lô 10”, Chủ tịch SSI nhận định.

"Đây là hệ quả của việc thị trường đã tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với khả năng phát triển cùa hệ thống trong nhiều năm qua, cho nên để giải quyết triệt để không thể chỉ là những giải pháp một sớm một chiều", ông Nguyễn Duy Hưng nêu quan điểm.

Trên trang Facebook cá nhân, chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp kiến nghị rằng thay vì nâng lô giao dịch lên 1.000 đơn vị đối với toàn bộ cổ phiếu, HoSE có thể nâng lô theo thị giá. Ông Điệp đề xuất nếu thị giá cổ phiếu dưới 10.000 đồng thì nâng lô lên 1.000, dưới 50.000 đồng thì nâng lô lên 500, dưới 100.000 đồng thì nâng lô lên 200, còn trên 100.000 đồng thì giữ nguyên lô 100.

Nếu về mặt kỹ thuật, phương án trên không thực hiện được, ông Điệp khuyến nghị HoSE nên đồng loạt nâng lô lên 200 hoặc 300 cổ phiếu.

Một số giải pháp khác được vị chuyên gia này đề xuất có thể kể đến: nâng bước giá đồng loạt lên 100 đồng, mời gấp chuyên gia Thái Lan gia tăng dung lượng xử lý cho hệ thống HoSE, nhanh chóng tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển giao dịch cổ phiếu sang hệ thống HNX, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có phương án hỗ trợ các công ty chứng khoán mua lại cổ phiếu lẻ với giá tham chiếu trong một ngày nhất định của tháng...

Gay gắt hơn, Tiến sĩ Trần Xuân Nam, Chủ tịch Công ty Tư vấn Saonam, cho rằng quan điểm của lãnh đạo HoSE đang đi ngược với định hướng kiến tạo thị trường chứng khoán thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.

"Ngành chứng khoán hô hào mục tiêu tăng số lượng nhà đầu tư trên thị trường từ 3% lên 5% dân số vào năm 2025, nhưng tiếp tục nâng lô thì chẳng những người mới không vào mà còn khiến người cũ bỏ đi", ông Nam cho hay.

Thậm chí vị này còn cho rằng việc nâng lô lên 1.000 có thể còn bất cập hơn việc để thị trường giao dịch như hiện tại, chấp nhận nghẽn khi thanh khoản lên 15.000 - 18.000 tỷ đồng. Bởi một trong những hệ lụy nguy hiểm nhất là đánh mất lòng tin của nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán.

Lòng tin với thị trường cũng là vấn đề mà ông Lê Vũ Kim Tinh, Giám đốc chi nhánh Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), nhấn mạnh. "Thị trường đang hấp dẫn, nhưng nâng lô lên 1.000 thì dòng tiền sẽ chững lại ngay. Khi họ xác định rút ra để vào bất động sản, vàng... thì kéo trở lại khó vô cùng", ông Tinh lo ngại.

TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol (Anh), thì gọi đề xuất của lãnh đạo HoSE là "gây thất vọng".

"Điều này đi trái lại xu thế chung của thế giới khi mà ứng dụng giao dịch tần suất cao (high frequency trading), áp lực từ các ứng dụng fintech như Robinhood và sự phát triển của các trung gian thanh toán “tối” (dark pools) trở thành thời thượng, buộc các sở giao dịch lớn phải không ngừng giảm lô giao dịch xuống", TS. Hồ Quốc Tuấn nhận định.

Vị chuyên gia này lấy ví dụ cách đây nửa thập kỷ, vào năm 2015, Singapore đã giảm lô giao dịch từ 1.000 cổ phiếu xuống 100 cổ phiếu. Lô giao dịch ở Nhật hiện tại cũng giảm từ 1.000 xuống 100 cổ phiếu (thị trường Tokyo áp dụng từ tháng 9/2018). Ở Đài Loan đã cho phép được giao dịch lô lẻ từ 1-999 cổ phiếu, áp dụng từ năm 2020.

Ở thị trường LSE của Anh, những cổ phiếu giao dịch qua hệ thống IOB (International Order Book), nơi mà nhiều cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất của thị trường Anh được xử lý thanh toán, có lô tối thiểu là 1 đơn vị kể từ tháng 9/2010, tức là hơn một thập kỷ trước đây. Trước đó, một lô giao dịch tối thiểu là 50 cổ phiếu.

Ở Anh gần đây có nhiều áp lực là con số 1 đơn vị cổ phiếu tối thiểu này cũng đã lỗi thời và cần bỏ đi, vì nhiều nền tảng giao dịch cho nhà đầu tư nhỏ cho phép giao dịch chỉ 1/10 cổ phiếu hoặc ít hơn.

TS. Hồ Quốc Tuấn cho rằng giải pháp nâng lô mà HoSE đề xuất có thể góp phần "đuổi khéo" nhà đầu tư ra khỏi thị trường.

TS. Võ Đình Trí, giảng viên trường đại học Kinh tế TP. HCM, IPAG Business School Paris và AVSE Global, cũng cho rằng HoSE không nên thực hiện nâng lô lên 1.000 cổ phiếu dù chỉ là tạm thời vì vẫn còn những giải pháp thay thế khác, như chuyển một số công ty qua giao dịch trên sàn HNX và quan trọng hơn là rà soát, ngăn chặn các lệnh mua bán ảo. 

"Việt Nam cũng đang cố gắng để thoát khỏi nhóm thị trường cận biên, chuyển sang thị trường mới nổi do đó không thể không quan tâm đến các nhà đầu tư cá nhân. Bởi lẽ, nhà đầu tư dù trong nước hay quỹ đầu tư nước ngoài, họ sẽ cân nhắc các quy định pháp lý bảo vệ nhà đầu tư, sự minh bạch của thị trường trước khi tham gia", TS. Võ Đình Trí cho hay.

Cùng chuyên mục
Tin khác