Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Năm 2017, Lê Tuấn Bình, nhân viên một công ty lớn tại Hà Nội, đã quyết định cùng nhóm bạn của mình dốc vốn thuê một căn nhà trên phố Chân Cầm, quận Hoàn Kiếm.
Sau khi đổ vào gần 800 triệu đồng, căn nhà cũ đã được sửa sang thành 4 phòng ngủ (vệ sinh riêng mỗi phòng), 1 phòng khách, 1 bếp nấu, còn sân thượng được hoán cải thành một quán café nhỏ và BBQ.
Bình đăng ký cho thuê căn nhà trên lên nền tảng Airbnb và bắt đầu đón những vị khách đầu tiên.
“Trung bình tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 70 – 80%, chủ yếu đón khách nước ngoài. Tháng bình thường doanh thu khoảng 80 triệu đồng, tháng cao điểm có thể đạt được 100 triệu đồng. Trừ chi phí khoảng 25 – 30 triệu đồng, mỗi tháng cũng có thể lãi được từ 50 – 60 triệu đồng”, Bình nói.
Tương tự như Bình, Đinh Hương Linh (33 tuổi – trưởng phòng một doanh nghiệp lớn tại Hà Nội) cũng quyết định cho thuê căn hộ của mình tại Times City qua Airbnb. Khách thuê tương đối đều đặn, mỗi tháng Linh “đút túi” hơn 20 triệu đồng.
Kinh doanh cho thuê nhà trên nền tảng Airbnb hiện đang là một trào lưu đầu tư khá thịnh hành tại Hà Nội và cả TP. HCM. Theo dữ liệu từ AirDNA (website theo dõi hiệu quả hoạt động của Airbnb) tính tới tháng 8/2018, Hà Nội và TP. HCM ghi nhận 21.994 đăng ký cho thuê nhà/phòng trên Airbnb. Con số này lớn hơn 26% tổng số phòng khách sạn 4 – 5 sao trên cùng địa bàn.
Với giá cho thuê thấp hơn nhiều lần so với khách sạn 4 – 5 sao (36 USD với 106 USD tại Hà Nội, 44 USD với 108 USD tại TP. HCM) Airbnb dễ dàng thu hút được một lượng lớn khách thuê. Công suất cho thuê, vì vậy, cũng khá ổn định, trung bình đạt 53% tại Hà Nội và TP. HCM.
Theo chia sẻ của các chủ thuê, để tối ưu hóa diện tích và thu hút khách thuê qua Airbnb, chủ nhà phải cải tạo căn hộ theo nhiều phong cách để đáp ứng thị hiếu đa dạng của khách hàng. Việc đăng ký kinh doanh và làm tạm trú onine cho khách thuê cũng là yêu cầu bắt buộc.
Các chi phí kinh doanh mà nhà đầu tư phải chịu bao gồm: chi phí thuê nhà (với trường hợp thuê rồi cho thuê lại), chi phí quản lý (dọn dẹp, thay vật dụng mới sau khi khách trả phòng), chi phí logistics (đi lại đón khách/phục vụ yêu cầu đột xuất), chi phí cho Airbnb (2 – 4% doanh thu của khách thuê)… Tuy nhiên, thông thường tổng chi phí chỉ khoảng 30% doanh thu, do vậy việc cho thuê nhà vẫn có lãi rất khá.
Dù có lợi thế vượt trội về giá thuê so với khách sạn 4 – 5 sao nhưng Airbnb tại Việt Nam hầu như không cạnh tranh với phân khúc này. Đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Airbnb là phân khúc khách sạn 2 - 3 sao.
So với phân khúc thị trường này về giá, giá thuê phòng Airbnb trung bình rẻ hơn khoảng 30%. Airbnb cũng có lợi thế hơn khách sạn về mức độ tiện lợi trong sinh hoạt kiểu nhóm, gia đình. Cụ thể, khách thuê Airbnb có thể ở ghép với số lượng người trên 1 phòng/căn hộ nhiều hơn tỷ lệ trung bình cho phép so với phòng khách sạn; khách thuê có thể tự nấu ăn, giặt giũ… để tiết giảm chi phí. Do vậy, phân khúc khách hàng đi theo nhóm (hoặc gia đình) với nhu cầu chi tiêu trung bình, có thể ở dài ngày, không cần quá nhiều các dịch vụ như trong khách sạn, thường lựa chọn Airbnb.
Tuy nhiên, những lợi thế trên của Airbnb cũng đồng thời là điểm yếu của loại hình này, đó là dịch vụ đi kèm bị giản lược đến tối đa, trong khi đây lại là thế mạnh của khách sạn.
Với khách sạn, khách thuê phòng sẽ được hưởng nhiều quyền lợi hơn như: được phục vụ bữa sáng hàng ngày (đã bao gồm trong giá phòng), dịch vụ buồng phòng (dọn dẹp/thay mới các vật dụng hàng ngày như chăn, ga trải giường, dọn vệ sinh trong phòng, bổ sung nước uống, khăn tắm, dầu tắm, dưỡng da…), an ninh được đảm bảo 24/7.
Cũng chỉ khách sạn mới cung cấp được không gian làm việc như phòng họp với hệ thống máy chiếu, âm thanh chuyên nghiệp; nơi tiếp khách như quầy bar, café, sảnh lobby; các dịch vụ văn phòng như sử dụng máy tính, in ấn, photo tài liệu; các dịch vụ hỗ trợ khách hàng như đặt xe, xác nhận vé máy bay, vận chuyển hành lý… Do vậy, những khách thuê có nhu cầu sử dụng nhiều dịch vụ sẽ lựa chọn khách sạn thay vì Airbnb.
“Chính sự khác nhau trong phân khúc khách hàng theo nhu cầu đã khiến Airbnb chỉ có thể tác động phần nào đến tình hình hoạt động của các khách sạn 2- 3 sao chứ không thể nào lấn át được phân khúc này”, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Tổng giám đốc khách sạn The Ann Hanoi, nhận định.
Theo ông Hoàn, trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam đang tăng trưởng tốt, lượng khách du lịch đến Hà Nội dồi dào và tăng đều đặn qua các năm, việc kinh doanh của Airbnb và khách sạn đều tốt lên. Do đó, mức độ cạnh tranh giữa hai loại hình này cũng không thực sự quá gay gắt.
Vị Tổng giám đốc The Ann Hanoi Hotel cũng nhấn mạnh rằng khi tất cả các mô hình trên đều quyết liệt tham gia kinh doanh du lịch thì họ phải luôn cải thiện, nâng cao chất lượng của sản phẩm cũng như dịch vụ. Sự cạnh tranh lành mạnh này chắc chắn mang lại nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng và góp phần cho dịch vụ du lịch của Việt Nam đa dạng hơn, chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn.
Về triển vọng thị trường, ông Hoàn cho rằng tương lai của Airbnb tại Hà Nội và TP. HCM vẫn khá sáng sủa nhờ sự tiếp diễn của tăng trưởng du lịch.
Tuy nhiên, ông Hoàn lưu ý nhà chức trách cần cân nhắc các biện pháp quản lý loại hình cho thuê nhà này bởi đối tượng khách thuê Airbnb khá đa dạng và các nhà đầu tư cần phải tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh du lịch cũng như luôn phòng tránh các rủi ro về an ninh.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.