Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.
Nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng tăng vượt 6%
Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ 2% hồi đầu năm lên 3,56% đến cuối tháng 7/2023. Với tỷ lệ này, số dư nợ xấu của toàn hệ thống đến cuối tháng 7 là hơn 440.000 tỷ đồng. Nếu loại trừ 5 ngân hàng đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các nhà băng hiện ở mức 1,92%.
Nếu tính nợ xấu nội bảng cộng thêm các khoản nợ xấu bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống tổ chức tín dụng (gồm các khoản được giữ nguyên nhóm, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn thành nợ xấu, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...), tỷ lệ nợ xấu toàn ngành là 6,16% (tương đương 768.000 tỷ đồng).
>> Xem thêm: Nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng tăng vượt 6%
NHNN yêu cầu kiểm soát rủi ro cho vay
NHNN vừa có công văn gửi các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về một số vấn đề liên quan đến hoạt động cấp tín dụng, công tác kiểm soát/kiểm toán nội bộ và hoạt động đại lý bảo hiểm.
Theo đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động cấp tín dụng, chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao (trong đó lưu ý hoạt động cho vay tiêu dùng, cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, đặc biệt cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh bất động sản), đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết; lưu ý mức độ tập trung tín dụng vào khách hàng/khách hàng lớn và người có liên quan, nhóm khách hàng có liên quan, cổ đông và người có liên quan...
>> Xem thêm: NHNN yêu cầu kiểm soát rủi ro cho vay: Tiêu dùng, BĐS, trái phiếu doanh nghiệp...
Người từng có chức vụ tại NHNN không điều hành, thành lập doanh nghiệp
Người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức tín dụng thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý của NHNN sau khi thôi giữ chức vụ trong thời hạn nhất định. Đó là nội dung đáng chú ý trong dự thảo Thông tư mà NHNN đang lấy ý kiến góp ý.
Dự thảo đề xuất, 6 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức tín dụng thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ.
>> Xem thêm: Người từng có chức vụ tại NHNN không điều hành, thành lập doanh nghiệp
Thi hành án tín dụng ngân hàng giảm cả vụ việc và tiền thu hồi
Thông tin tại báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 134/2020/QH14 của Quốc hội khóa XIV từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến Kỳ họp thứ 4 thuộc lĩnh vực tư pháp, vừa được gửi tới Quốc hội cho thấy, kết quả thi hành các vụ việc tín dụng ngân hàng đạt thấp so với cùng kỳ (giảm 2,35% về việc; giảm 2,61 % về tiền), trong khi các việc loại này chiếm đến 41,45% về tiền so với tổng số tiền phải thi hành của toàn quốc.
Trong một báo cáo riêng về công tác thi hành án được phát hành đầu tháng 9 năm nay, về kết quả thi hành án đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, Chính phủ cho biết, số việc phải thi hành là 39.523 việc với hơn 154.452 tỷ đồng.
Kết quả đã thi hành xong 3.568 việc, thi hành xong về tiền trên 15.637 tỷ. Số việc chưa có điều kiện chuyển số theo dõi riêng là 7.963 việc và hơn 24.053 tỷ đồng.
>> Xem thêm: Nợ xấu khó đòi: Thi hành án tín dụng ngân hàng giảm cả vụ việc và tiền thu hồi
Hé lộ 5 ứng viên vào HĐQT của PG Bank
Trước thềm Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2023. PG Bank đã bổ sung một số tài liệu mới gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Trong đó, PG Bank bổ sung 2 nội dung quan trọng là dự thảo tờ trình thông qua nhân sự thành viên HĐQT và thành viên ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020 – 2025 và dự thảo tờ trình thông qua phương án tăng vốn điều lệ.
ĐHĐCĐ sẽ tiến hành miễn nhiệm 5 thành viên HĐQT là ông Nguyễn Mạnh Hải, ông Oliver Schwarzhaup, ông Nilesh Banglorewala, ông Nguyễn Tiến Dũng và ông Nguyễn Phi Hùng. Đồng thời, ngân hàng này cũng sẽ miễn nhiệm 2 thành viên Ban Kiểm soát là bà Dương Ánh Tuyến, ông Nguyễn Tuấn Vinh.
Để kiện toàn lại bộ máy lãnh đạo, PG Bank sẽ xem xét bầu bổ sung 5 thành viên HĐQT. Đó là ông Đào Phong Trúc Đại, ông Phạm Mạnh Thắng (đang là Tổng Giám đốc PG Bank), bà Đinh Thị Huyền Thanh, ông Vương Phúc Chính, ông Nguyễn Thành Lâm.
>> Xem thêm: Hé lộ 5 ứng viên vào HĐQT của PG Bank
NHNN sắp xử lý tình trạng vàng “một mình một chợ"
Một trong những chính sách tác động lớn tới thị trường vàng Việt Nam là việc Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ năm 2012. Theo đó, NHNN độc quyền nhập khẩu vàng miếng. Sau khi nghị định này có hiệu lực, NHNN gần như không nhập khẩu vàng. Khan hiếm nguồn cung là một trong những nguyên nhân khiến thị trường vàng trong nước “một mình một chợ'.
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định 24, thị trường vàng trong nước tồn tại nhiều bất cập, chênh cao so với thế giới.
Thời gian qua, NHNN đã tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra trên cả nước để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vàng, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền (nếu có), yêu cầu khắc phục tồn tại phát hiện sau kiểm tra, thanh tra.
NHNN cho biết sẽ đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 24 trình Chính phủ và đề xuất các chính sách quản lý vàng phù hợp.
>> Xem thêm: Bất ổn giá vàng, chờ quyết định điều chỉnh từ NHNN
Lãi suất liên ngân hàng giảm nhanh, NHNN tăng hút tiền về
Trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh, cơ quan điều hành có xu hướng tăng hút tiền về. Trong phiên 12/10, NHNN tăng quy mô tín phiếu phát hành lên 20.000 tỷ đồng, gấp đôi phiên trước.
Lũy kế 16 phiên vừa qua, NHNN đã hút khỏi hệ thống ngân hàng tổng cộng gần 185.700 tỷ đồng qua kênh tín phiếu.
Đến ngày 11/10, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) giảm về còn 0,37% từ mức 0,66% trong phiên 10/10 và 0,95% trong phiên 9/10. So với mức cao điểm ghi nhận vào phiên 5/10 (1,32%), lãi suất qua đêm đã giảm tới gần 1 điểm %.
>> Xem thêm: Lãi suất liên ngân hàng giảm nhanh, NHNN tăng hút tiền về
Tín dụng kinh doanh BĐS tăng gấp đôi năm ngoái
Khác hẳn với những gì mà giới kinh doanh bất động sản (BĐS) đang kêu ca về thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng, con số mới được cung cấp từ NHNN cho thấy giới kinh doanh BĐS vay vốn nhiều, gần gấp đôi năm ngoái.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, tín dụng BĐS chỉ tăng 4,99%. Trong đó, dư nợ kinh doanh BĐS trong 7 tháng đầu năm 2023 đã tăng trưởng 18,95%, vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 là 10,73%.
>> Xem thêm: Công bố con số bất ngờ: Tín dụng kinh doanh BĐS tăng gấp đôi năm ngoái
Ngân hàng Nhà nước nói 'không' với kiến nghị hạ chuẩn cho vay
Trong kiến nghị gửi tới Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị Thống đốc NHNN có các giải pháp chỉ đạo, điều hành, một mặt hạ chuẩn cho vay, đồng thời gắn trách nhiệm với các ngân hàng địa phương vì ngân hàng là bên cho vay nhưng một số ngân hàng có tâm lý sợ sai nên việc triển khai còn nhiều vướng mắc, không đạt yêu cầu về tiến độ.
NHNN cho biết, theo quy định tại Điều 7, Luật Các TCTD: TCTD chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình. Không tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kinh doanh của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền từ chối yêu cầu cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ khác nếu thấy không đủ điều kiện, không có hiệu quả, không phù hợp với quy định của pháp luật.
>> Xem thêm: Ngân hàng Nhà nước nói 'không' với kiến nghị hạ chuẩn cho vay
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.