Nóng trong tuần: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa rõ ngày vận hành, tuyên án vụ thuốc ung thư giả

Lệ Chi - 06/10/2019 11:51 (GMT+7)

(VNF) - Bộ Giao thông vận tải chưa biết khi nào đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành; Sóc Trăng hủy quyết định lắp camera tại nhà cán bộ; cựu Giám đốc Petroland bị bắt; cựu Tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng lĩnh án 17 năm tù vì buôn thuốc giả... là những sự kiện đáng chú ý trong tuần qua.

VNF
Vẫn chưa biết khi nào đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành

Vẫn chưa biết khi nào đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ được tổ chức hôm 2/10, báo giới đã đặt câu hỏi về thời điểm có thể khai thác được dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết dự án cơ bản đã xong phần xây lắp thiết bị chạy đơn lẻ từng hệ thống như tàu chạy, thông tin, bán vé tự động...

Tuy vậy theo ông Đông, tồn tại lớn nhất của dự án này là quá trình cung cấp hồ sơ để đánh giá an toàn hệ thống do phía tổng thầu chưa cung cấp được đầy đủ hồ sơ.

"Đặc biệt là hồ sơ liên quan đến chứng chỉ, quá trình thí nghiệm các trang thiết bị liên quan đến đoàn tàu, đến an toàn hệ thống của đoàn tàu để đưa vào khai thác", ông Đông nói.

Cũng theo vị Thứ trưởng này, dự án phải đánh giá xong hệ thống thì mới đưa đoàn tàu vào chạy thử, tích hợp hệ thống bán vé tự động, kiểm soát tự động, hệ thống thông tin tín hiệu, hệ thống điều độ đoàn tàu chạy liên tục 3-4 phút/chuyến.

"Quá trình thử nghiệm sẽ diễn ra trong vòng 20 ngày trước khi đi vào vận hành chính thức, đồng thời tổ chức nghiệm thu trên cơ sở hoàn thành và có các chứng chỉ nêu trên", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông thông tin.

"Chúng tôi sẽ đưa vào khai thác trên cơ sở khi có đánh giá độc lập được nghiệm thu", ông Đông không nói thời điểm cụ thể. (Xem thêm)

Buôn thuốc ung thư giả, cựu Tổng giám đốc VN Pharma lãnh 17 năm tù

Chiều 1/10, sau 6 ngày xét xử và nghị án, tòa án nhân dân TP. HCM đã đưa ra phán quyết đối với vụ án “Buôn bán thực phẩm giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma.

Hội đồng xét xử tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng, cựu Tổng giám đốc VN Pharma 17 năm tù (thấp hơn mức đề nghị 18-19 năm tù của Viện kiểm sát nhân dân). Võ Mạnh Cường (cựu giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C) bị tuyên 20 năm tù cùng về tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” theo khoản 4 Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 1999.

8 bị cáo còn lại nhận mức án từ 3-12 năm tù, riêng bị cáo Hoàng Trúc Vy nhận 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. (Xem thêm)

Cựu Giám đốc Petroland Bùi Minh Chính bị bắt

Ngày 2/10, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Bùi Minh Chính, nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland) để điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Kết quả điều tra xác định, từ năm 2012 - 2018, ông Bùi Minh Chính với vai trò giám đốc Petroland đã ký hàng chục hợp đồng chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất của tòa nhà Petroland Tower tại địa chỉ số 12 Tân Trào, phường Tân Phú, quận 7, TP. HCM với ưu đãi về phí dịch vụ, trong đó một số hợp đồng được miễn phí luôn tiền điện, chỗ đậu xe... dẫn đến Petroland thua lỗ gần 100 tỷ đồng.

Ngoài ra, qua rà soát cơ quan điều tra còn phát hiện nhiều hợp đồng kinh tế gây thiệt hại cho Petroland liên quan đến ông Chính. (Xem thêm)

Hủy chi tiền tỷ lắp camera ở Sóc Trăng

Chiều 30/9, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã phát đi thông cáo báo chí về việc hủy lắp đặt camera an ninh tại nhà riêng của các cán bộ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng thu hồi số tiền hơn 882 triệu đồng đã chi lắp đặt tại nhà của 12 cán bộ Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

“Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến hành họp kiểm điểm trách nhiệm của tập thể Ban Thường vụ và các cá nhân liên quan đã để xảy ra sai sót này, báo cáo đầy đủ sự việc và xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương”, thông cáo báo chí nêu rõ. (Xem thêm)

Tập đoàn FLC thắng kiện Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

Ngày 30/9, Toà án nhân dân quận Cầu Giấy, Hà Nội tuyên Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC thắng kiện Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Toà án nhân dân quận Cầu Giấy cho rằng bài viết "Doanh nghiệp FLC chây ì, nợ hàng trăm tỷ đồng" là không đúng với giấy phép hoạt động của báo.

Ngoài ra, báo điện tử Giáo dục Việt Nam khi đăng bài chưa xác minh tính hiện thực khách quan của vụ việc giữa 2 công ty, tìm ra nguyên nhân nợ đọng mà báo đã đăng tải. Theo toà, hành vi này vi phạm Luật báo chí.

HĐXX tuyên chấp nhận toàn bộ yêu khởi kiện của Tập đoàn FLC, buộc báo điện tử Giáo dục Việt Nam phải gỡ ngay bài viết không chính xác, không đúng tôn chỉ mục đích hoạt động của báo.

Đồng thời báo điện tử Giáo dục Việt Nam phải công khai xin lỗi Tập đoàn FLC trên phương tiện thông tin đại chúng, phải bồi thường cho FLC số tiền 14,9 triệu đồng. (Xem thêm)

Cùng chuyên mục
Tin khác