Nữ giáo sư đoạt giải Nobel Kinh tế: Giải mã bí mật gây chênh lệch thu nhập nam - nữ

Bảo Anh - 11/10/2023 13:51 (GMT+7)

(VNF) - Dành cả đời để nghiên cứu về tầm ảnh hưởng của phụ nữ đối với thị trường lao động, những nỗ lực của giáo sư 77 tuổi người Mỹ Claudia Goldin đã được công nhận bằng giải thưởng Nobel về kinh tế học.

VNF
Chân dung nhà kinh tế học Claudia Goldin

Tìm ra “mấu chốt” gây chênh lệch thu nhập

Bà Claudia Goldin là người phụ nữ thứ 3 trên thế giới giành được giải thưởng Nobel về Kinh tế, nhưng lại là người đầu tiên đạt được giải thưởng danh giá này này mà không cần sự hỗ trợ của bất kỳ người nào khác. Cả cuộc đời bà gần như gắn liền với những nghiên cứu lý giải tại sao lại có chênh lệch giới tính trên thị trường lao động.

Thành tích của vị giáo sư này đến từ bản báo cáo toàn diện đầu tiên về thu nhập của phụ nữ và vai trò của họ trong thị trường lao động nhiều thế kỷ qua. Giải thưởng này chính là sự công nhận về bình đẳng giới, đồng thời cũng là chìa khoá mở ra câu trả lời cho vấn đề “làm thế nào để các nền kinh tế có thể phát triển hơn nữa?”

Ngày 9/10 vừa rồi, bà Goldin đã xuất sắc nhận giải Nobel Kinh tế cho những công trình của mình. Nhờ những nghiên cứu bà đang tiến hành, vị giáo sư này đã cung cấp báo cáo toàn diện đầu tiên về người lao động nữ, cụ thể là thu nhập và kết quả làm việc của họ qua nhiều thế kỷ.

Với bà Goldin, việc nghiên cứu công việc của phụ nữ không hề dễ dàng vì nó không xuất hiện trong bất cứ ghi chép lịch sử nào. Một trong những phát hiện quan trọng nhất của bà là nghiên cứu đã chỉ ra sự khác biệt về tiền lương, thời gian lao động của nữ giới không đến từ mặt sinh học như sức khoẻ thể chất, mà là do sự phân chia công việc nhà trong gia đình, những công việc bà tạm gọi là “không lương” nhưng lại tiêu tốn rất nhiều thời gian.

“Chúng ta không bao giờ đạt được sự bình đẳng giới nếu chúng ta không có được sự bình đẳng giữa các cặp đôi”, bà Goldin nhận định.

Kinh tế học như một phần của cuộc sống

Giáo sư  Claudia Goldin sinh năm 1946 tại New York, Mỹ. Là một người rất có hứng thú với Kinh tế học, bà Goldin đã dành quãng thời gian sinh viên của mình tại Đại học Cornell, sau đó thành công nhận bằng cử nhân kinh tế vào năm 1967.

Để theo đuổi đam mê nghiên cứu kinh tế của mình, bà tiếp tục học Thạc sĩ tại Đại học Chicago vào năm 1969, và cũng chính tại ngôi trường này, bà Goldin đã được công nhận là Tiến sĩ Kinh tế vào năm 1972.

Song song với quá trình học tập, bà Goldin từng tham gia giảng dạy tại rất nhiều trường đại học như Đại học Wisconsin, Đại học Princeton, Đại học Harvard và Đại học Pennsylvania. Riêng tại Harvard, bà Goldin là người phụ nữ đầu tiên được mời làm việc tại Khoa Kinh tế của ngôi trường danh tiếng này vào năm 1990.

Ngoài ra, bà Goldin từng là giám đốc Chương trình Phát triển Kinh tế Mỹ của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER), đồng thời là chủ tịch Hiệp hội Lịch sử Kinh tế; chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Hoa Kỳ và đồng giám đốc của nhóm làm việc về Giới trong Kinh tế của NBER.

Bên cạnh những nghiên cứu về kinh tế, bà Goldin cũng là tác giả của nhiều cuốn sách và bài báo có ảnh hưởng lớn. Một số tác phẩm đáng lưu ý có thể nhắc tới cuốn sách “Hiểu khoảng cách giới tính: Lịch sử kinh tế của phụ nữ Mỹ” (xuất bản năm 1990); “Chế độ nô lệ đô thị ở miền Nam nước Mỹ, 1820 đến 1860: Lịch sử định lượng” (xuất bản năm 1976); “Sự nghiệp và Gia đình: Hành trình dài thế kỷ của phụ nữ hướng tới sự công bằng” (xuất bản năm 2021) và “Lực lượng phát triển: Lịch sử phụ nữ trong nền kinh tế” (2023).

Trước khi nhận được giải thưởng Nobel, bà Goldin đã sở hữu nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ khác bao gồm: ba giải Richard A. Lester (được trao vào các năm 1990, 2008 và 2022) cho các ấn phẩm xuất sắc về lịch sử kinh tế; giải thưởng giảng dạy của Đại học Pennsylvania (1989) và Đại học Harvard (1995) và giải thưởng Mincer do Hiệp hội các nhà kinh tế lao động trao tặng cho thành tích nghề nghiệp trong lĩnh vực kinh tế lao động (2009).

Xem thêm >> Nữ giáo sư Mỹ thắng giải Nobel Kinh tế 2023 nhờ công trình nghiên cứu về lao động nữ

Theo CNBC, Encyclopædia Britannica, The Washington Post
Cùng chuyên mục
Tin khác