Nvidia: Từ cái tên ít người đọc đúng đến 'ngôi vương' của ngành AI

Quốc Anh - 04/08/2024 15:30 (GMT+7)

(VNF) - Từng là một doanh nghiệp xa lạ đối với công chúng, Nvidia giờ đây sở hữu mức vốn hoá thị trường sánh ngang với các “ông lớn” công nghệ hàng đầu như Apple, Microsoft hay Google.

Được thành lập từ năm 1993, Nvidia ban đầu chỉ là một công ty phần cứng bán và nghiên cứu chip. Sau đó, việc lấn sân và lĩnh vực sản xuất chip AI đã giúp cổ phiếu của tập đoàn này liên tục tăng vọt trong thời gian vừa qua. Mặc dù những ngày gần đây, Nvidia đã mất “phong độ” so với tuần trước đó, song vốn hoá thị trường của tập đoàn vẫn gây ấn tượng khi đạt gần 3.000 tỷ USD.

Vậy, đâu là chìa khóa giúp doanh nghiệp này vươn đến đỉnh cao?

Vốn hoá thị trường của Nvidia ghi nhận đạt trên 3.100 tỷ USD

Tầm nhìn vượt thời gian

Nvidia xuất phát điểm là một đơn vị thậm chí không mấy người có thể đọc đúng tên. Nguồn gốc của cái tên này đến từ một cụm trong tiếng Latin: “invidia”, mang ý nghĩa “sự ghen tị”.

Năm 1993, sau một khoảng thời gian làm việc trong ngành kỹ thuật, ông Jensen Huang, CEO hiện tại của tập đoàn, đã cùng 2 người bạn của mình, Chris Malocowsky và Curtis Priem, lập kế hoạch thành lập một công ty đồ hoạ. Kế hoạch được đưa ra tại chính nơi ông từng làm thêm, quán ăn ven đường Denny’s.

Ban đầu, Nvidia được hình thành với mục đích tăng cường khả năng xử lý của máy tính, đặc biệt phát triển chuyên sâu về xử lý đồ hoạ (GPU). Trí tuệ nhân tạo khi đó không hề xuất hiện trong tâm trí của những người sáng lập.

Không phải là đơn vị phát minh ra GPU, nhưng GPU của Nvidia đã cách mạng hóa ngành công nghiệp trò chơi, giúp đưa ra thị trường những tựa game mới có hình ảnh đẹp như trong phim. Sau đó, công ty tiếp tục phát triển thêm một bậc nữa khi tạo ra một ngôn ngữ lập trình riêng cho phép các nhà phát triển tạo ra các ứng dụng chạy trên phần cứng của chính mình.

Đến năm 2012, Nvidia phát hiện chip của công ty có nhiều quyền năng hơn là chỉ sử dụng để phát triển các trò chơi điện tử, đứng đầu trong số đó là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Cụ thể, loại chip máy tính phổ biến nhất trong những năm 1950, CPU, được đánh giá là rất phù hợp để thực hiện các phép tính phức tạp và có thể thực hiện hầu hết các tác vụ thông thường một cách trơn tru.

Thế nhưng, để đáp ứng thêm các nhu cầu nâng cao của những nhà khoa học dữ liệu khi nghiên cứu sâu hơn vào AI trong những năm 2010, thì GPU nhà Nvidia mới là sự lựa chọn hàng đầu. Yếu tố giúp Nvidia bắt kịp với sự phát triển của AI hiện tại là nhờ những lần đặt cược đầy liều lĩnh của CEO Jensen Huang nhiều năm trước đó.

Tỷ phú Jensen Huang được đánh giá yếu tố then chốt đưa Nvidia đến đỉnh cao

Một trong những động thái được đánh giá là mang tính tiên đoán tương lai của ban lãnh đạo Nvidia có thể kể đến việc tạo ra CUDA, một công cụ lập trình cấp cao được công ty tạo ra vào năm 2007, giúp khai thác triệt để toàn bộ khả năng của GPU một cách dễ dàng.

Nhà nghiên cứu cấp cao của Công ty bán dẫn Baird, ông Tristan Gerra nhận định: “Jensen, nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Nvidia, là người có tầm nhìn xa và đã sớm nhận thấy xu hướng áp dụng GPU trong các trung tâm dữ liệu. Chính vì vậy, Jensen đã điều chỉnh chiến lược của công ty theo tầm nhìn đó”.

“Nvidia cung cấp giải pháp siêu máy tính hoàn chỉnh, bao gồm bộ phần cứng (chip) và phần mềm hiệu suất cao nhất”, ông Gerra chia sẻ thêm.

CUDA hiện đang được sử dụng rất rộng rãi, đồng thời là một trong những công nghệ khó thay thế đối với ChatGPT. Nhà phân tích John Abbott đánh giá: “Các mô hình lớn có thể mất nhiều tháng để đào tạo và cần phải có các công cụ để rút ngắn thời gian đó. GPU Nvidia là một công cụ phần mềm hoàn thiện và chúng ta gần như không có một sự lựa chọn nào khác”.

Mặc dù có thế mạnh riêng, nhưng Nvidia vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục các nhà đầu tư và người tiêu dùng khi không thể giải thích cho họ tầm quan trọng của AI.

Mọi chuyện bắt đầu xoay chuyển như vũ bão vào tháng 11/2022, khi OpenAI công bố ChatGPT, khai mở hiểu biết của toàn thế giới về tiềm lực phi thường của trí tuệ nhân tạo trong cuộc sống hàng ngày.

Trong đó, khả năng bắt chước giọng nói và cách AI thực hiện các công việc, nhiệm vụ phức tạp mà tưởng như chỉ có con người mới làm được đã làm rung chuyển cả thế giới, bao gồm Thung lũng Silicon và Phố Wall.

“Thép” của ngành AI

Lý giải về nguyên do giúp Nvidia là cổ phiếu hoạt động tốt nhất trong S&P 500 vào năm 2023, đạt mức tăng khổng lồ 239%, CNN đã viết: tưởng tượng đến một ngày, chúng ta chỉ muốn di chuyển trên đường bằng xe đạp, khiến nhu cầu sử dụng xe đạp bùng nổ chỉ sau 1 đêm.

“Cầu” cần “cung”, ở thời điểm này, tất cả các doanh nghiệp sẽ đổ dồn đi sản xuất xe đạp kiếm tiền, và thứ đầu tiên mọi công ty đều cần là rất nhiều thép. Nvidia chính là “thép” của ngành AI.

Gần như mọi đơn vị ở thời điểm hiện tại, dù có phải doanh nghiệp công nghệ hay không, cũng đang nỗ lực ứng dụng AI vào trong mọi hoạt động để không bị “tụt hậu”. Với phép so sánh như bên trên, mọi người đều đang cần rất nhiều Nvidia.

AI càng phát triển, Nvidia càng thành công

Thật vậy, không chỉ tăng trưởng ấn tượng trong năm ngoái, sang đến năm 2024, cổ phiếu Nvidia tiếp tục tăng “phi mã” lên 181%, được đánh giá là có tiềm năng trở thành doanh nghiệp hoạt động tốt nhất trong năm.

Nhu cầu về chip bùng nổ kết hợp với sự thành công vượt mong đợi của Nvidia đã tạo ra một sự cạnh tranh khốc liệt. Các đối thủ nặng ký như Meta, Amazon, IBM và Microsoft đang bắt đầu đuổi kịp, tuy nhiên, đến hiện tại, không có doanh nghiệp nào sánh được với khả năng của Nvidia trong lĩnh vực AI. Nvidia vẫn đang chiếm ngôi “vương” khi là đơn vị kiểm soát tới 70% thị trường trí tuệ nhân tạo.

Theo CNN, Fortune
Cùng chuyên mục
Tin khác