Ocean Group từ lãi thành lỗ 280 tỷ đồng sau kiểm toán

Tất Đạt - 16/06/2022 07:21 (GMT+7)

Sau kiểm toán, Ocean Group chuyển từ lãi 105 tỷ đồng xuống lỗ 280 tỷ đồng chủ yếu do trích dự phòng chi phí tổn thất và nợ khó đòi.

VNF
Ocean Group từ lãi thành lỗ 280 tỷ đồng sau kiểm toán

Theo báo cáo kiểm toán vừa công bố, Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group - OGC) lỗ sau thuế khoảng 280 tỷ đồng, trong khi báo cáo tài chính tự lập có lãi 105 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Ocean Group giảm tới 385 tỷ đồng. So với năm 2020, lợi nhuận của doanh nghiệp này đi lùi thêm 485 tỷ đồng.

Hội đồng quản trị OGC giải thích các biến động từ Công ty cổ phần One Capital Hospitality (OCH) - chủ sở hữu kem Tràng Tiền, là nguyên nhân chính tạo ra sự khác biệt cho báo cáo tài chính sau kiểm toán. Cụ thể, giá vốn bán hàng tăng hơn 100 tỷ đồng, tương đương 33%, do OCH trích lập dự phòng tổn thất hàng tồn kho với dự án Khách sạn Saigon Airport.

Trước đó, OCH dùng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất gắn liền với tài sản hình thành trong tương lai tại dự án Khách sạn Saigon Airport để đảm bảo cho khoản vay của Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Đại Dương Xanh (nay là Công ty TNHH Pegasus Thăng Long) tại Ocean Bank. Nếu Pegasus Thăng Long không thể trả được nợ, tài sản đảm bảo sẽ bị bán để thu hồi. Do đó, OCH trích lập dự phòng khoản này.

Tăng mạnh nhất là chi phí quản lý doanh nghiệp với chênh lệch 286 tỷ đồng, gấp 79 lần. Nguyên nhân chủ yếu do OCH và các công ty con của OCH trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi và bán một số khoản nợ khó đòi.

Doanh thu từ hoạt động tài chính giảm, chi phí tài chính tăng lên do chủ kem Tràng Tiền tăng trích lập dự phòng các khoản đầu tư tài chính dài hạn. Ngoài ra, biến động trên còn do việc phân loại lại giữa các chỉ tiêu này trên báo cáo tài chính.

Về phía OCH, lỗ sau thuế của công ty này sau kiểm toán khoảng 468 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức 77 tỷ đồng trong báo cáo tự lập trước đó. Điều này khiến thâm hụt lợi nhuận lũy kế của chủ kem Tràng Tiền dâng lên 830 tỷ đồng tính đến cuối năm ngoái.

Tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn khiến lỗ lũy kế của Ocean Group dâng lên cao, ở mức hơn 2.700 tỷ đồng vào cuối năm ngoái. Theo công ty kiểm toán AFC Việt Nam, điều này cho thấy tồn tại các yếu tố không chắc chắn về khả năng hoạt động liên tục của OGC.

Tuy nhiên lãnh đạo Ocean Group cho rằng báo cáo tài chính được lập trên cơ sở giả định hoạt động liên tục là phù hợp. Thời gian qua, công ty mẹ và các đơn vị thành viên của OGC thực hiện tái cơ cấu các khoản đầu tư cổ phần, cổ phiếu, các dự án bất động sản. Song song đó, công ty cũng tích cực thu hồi hoặc bán các khoản công nợ phải thu

Dẫu vậy, đơn vị kiểm toán lại cho biết không thể thu thập bằng chứng đầy đủ, thích hợp để đánh giá khả năng thu hồi, khả năng tiếp tục thực hiện và thu được lợi ích kinh tế trong tương lai cũng như điều chỉnh nợ gốc của nhiều khoản mục. Trong đó, các khoản có giá trị lớn gồm gần 1.200 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác và gần 470 tỷ đồng các khoản trả trước người bán...

Ngoài ra, điểm thay đổi lớn trong báo cáo tài chính sau kiểm toán còn nằm ở chuyển hơn 3.000 tỷ đồng nợ xấu ra ngoại bảng. Nhóm nợ này đều đã trích lập dự phòng nên sau khi điều chỉnh, các khoản phải thu ngắn hạn đã giảm hơn một nửa. Ban lãnh đạo Ocean Group từng khẳng định điều này không ảnh hưởng đến quá trình thu hồi công nợ và quyền lợi của công ty.

Sau khi công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021, Ocean Group đề nghị Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đưa cổ phiếu OGC ra khỏi diện hạn chế giao dịch. Hồi đầu tháng, HoSE đưa cổ phiếu này từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán quá 45 ngày.

Theo VnE
Cùng chuyên mục
Tin khác