Ocean Group xóa nợ cho ông Hà Văn Thắm

PV - 19/07/2020 11:13 (GMT+7)

Theo báo cáo tài chính của Công ty mẹ Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group – OGC), hiện nay các khoản phải thu của công ty mẹ xấp xỉ 3000 tỷ đồng, trong đó có những khoản phải thu đã lập dự phòng rủi ro đến 2.500 tỷ đồng.

Đây là những khoản hỗ trợ vố, tạm ứng cho các đối tác trước đây và đều không có tài sản đảm bảo. Phần lớn đây là những khoản nợ tồn đọng mang tính “lịch sử” diễn ra trước thời điểm cựu Chủ tịch Hà Văn Thắm bị bắt (tháng 10/2014). 

Tập trung thu hồi nhiều khoản nợ

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 diễn ra sáng 18/7, ông Vũ Xuân Dương – Kế toán trưởng của tập đoàn cho hay, trong thời gian qua OGC thực hiện rất nhiều các biện pháp để thu hồi nợ nhưng đều không có hiệu quả.

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 diễn ra sáng 18/7

Nguyên nhân là do những khoản phải thu này không có tài sản đảm bảo, thứ hai là sau biến cố tháng 10/2014 tình trạng hoạt động của các đối tác này cũng rất khó khăn và không có sự hợp tác với tập đoàn. Nhiều doanh nghiệp không có hoạt động thực tế, đã tạm dừng hoạt động hoặc không hoạt động tại trụ sở.

Ông Mai Hữu Đạt, Chủ tịch HĐQT OGC nói: “Có những khoản nợ như khoản nợ tại Công ty PVR chúng tôi đàm phán chỉ thu về khoảng 30% nhưng cũng không khả thi nên buộc chúng tôi phải kiện ra tòa. Việc kiện tụng nhau là giải pháp cuối cùng phải lựa chọn sau khi mọi giải pháp đưa ra đều không khả thi. 

Ban Tổng Giám đốc và HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024 thậm chí đã phải thực hiện một số biện pháp mạnh với một số đối tác còn có khả năng thu hồi một phần công nợ. 

Đáng kể nhất là năm 2019 OGC đã thu hồi 8,7 triệu cổ phiếu OCH từ công ty Mạnh Hà. Tập đoàn cũng đã khởi kiện một số đối tác, có những vụ kiện OGC đã thắng kiện nhưng không thực hiện được việc thi hành án nên cũng không thu hồi được. Có những vụ kiện kéo dài ròng rã 2-3 năm nay nhưng chưa đi đến hồi kết. Thậm chí, đã có những khoản công nợ được gửi đến cơ quan cảnh sát điều tra xem xét nhưng đến thời điểm này chưa có kết quả.

Do vậy, trong báo cáo của Ban Tổng Giám đốc đã đề xuất Đại hội đồng cổ đông xem xét việc xóa nợ đối với một số đối tác có đủ điều kiện xóa nợ theo hướng dẫn tại Thông tư 228/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính, thực hiện việc bán một số khoản nợ, tạo điều kiện công tác tái cơ cấu các khoản nợ tốt hơn. 

Đại hội đồng cổ đông chấp thuận phương án giao và ủy quyền cho HĐQT xem xét và quyết định việc xóa nợ, bán các khoản nợ xấu đã lập dự phòng và có tuổi nợ trên 3 năm. Trong đó, các khoản nợ phải thu ngắn hạn đã lập dự phòng khoảng 2.158 tỷ đồng và các khoản phải thu dài hạn đã lập dự phòng 525 tỷ đồng. 

Phương án xóa nợ cụ thể gồm: Xóa nợ đối với một số khoản nợ của các các nhân đang chấp hành hình phạt tù, đã bị khởi tố liên quan đến các khoản nợ; các khoản nợ bản chất là chi phí của công ty tài trợ xây dựng các công trình phúc lợi, xã hội và các khoản nợ đối tác đã lâm vào tình trạng dừng hoạt động hoặc phá sản, giải thể.

Trong đó bao gồm khoản nợ phải thu tạm ứng 9,75 tỷ đồng đối với cá nhân ông Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch HĐQT OGC, khoản nợ phải thu tạm ứng 18,5 tỷ đồng đối với ông Hoàng Văn Tuyến – cựu Kế toán trưởng OGC (cả ông Thắm và ông Tuyến đều đang chấp hành hình phạt tù do liên quan đến những sai phạm xảy ra tại OceanBank), và khoản kinh phí 7,69 tỷ đồng ủng hộ địa phương xây dựng một ngôi chùa tại tỉnh Bắc Giang (quê hương của ông Thắm) từ năm 2013.

OGC cũng xóa nợ các khoản phải thu đối với các tổ chức đã lập dự phòng 100% công nợ và đã quá hạn thanh toán 3 năm, đối tác không có tài sản và khả năng trả nợ với số tiền nợ gốc dự kiến xử lý trong năm 2020 khoảng 500 tỷ đồng.

Ngoài ra, OGC cũng bán nợ theo từng khoản hoặc từng nhóm với giá trị thu hồi không thấp hơn 10% giá trị gốc của khoản nợ. 

Dành phần lớn thời gian theo đuổi kiện tụng

Ngược lại, đối với những công nợ mà tập đoàn phải trả cho các đối tác, hầu như tất cả những tài sản của tập đoàn có được, từ cổ phiếu OCH, OGC đến những tài sản khác như khách sạn, resort đều đã bị cầm cố. Trong hơn 1 năm kể từ ngày HĐQT mới lên nắm quyền đã phải giải quyết khoảng 10 vụ kiện lớn nhỏ do OGC là bị đơn. 

Ông Mai Hữu Đạt cho hay, trong hơn 1 năm qua, công tác về giải quyết pháp lý, đối ngoại là những công tác khiến tập đoàn mất nhiều thời gian, công sức nhất vì trong hệ thống tập đoàn có rất nhiều vụ tranh chấp, kiện tụng mà OGC là nguyên đơn hoặc bị đơn. Thậm chí có những vụ kiện tranh chấp nhau số tiền lên đến gần 1 nghìn tỷ đồng. 

Một số vụ kiện đã được giải quyết xong, như vụ kiện của công ty IOC Quảng Nam, OGC đã bảo vệ được tài sản của tập đoàn là dự án Sunrise Hội An. Mới đây OGC cũng vừa trải qua vụ kiện do phía OceanBank khởi kiện đòi 88 tỷ đồng, trong đó có 44 tỷ đồng tiền nợ gốc. Bản án phúc thẩm đã được tuyên và OGC chỉ phải trả nợ gốc mà không phải trả tiền lãi và phạt chậm trả.

“Những vụ kiện tụng này ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của tập đoàn, đây là hậu quả của 5 năm trở về trước và giờ chúng ta phải giải quyết.” – Chủ tịch HĐQT Mai Hữu Đạt nói.

Theo ông Đạt, thời gian tới tập đoàn tập trung giải quyết những vấn đề pháp lý của các dự án để làm sao giữ được cam kết với khách hàng, coi đó là nền tảng xây dựng lại vị thế của tập đoàn trên thị trường. 

Theo ông Nguyễn Thành Trung –Phó Chủ tịch HĐQT OGC, 6 tháng đầu năm 2020 OGC cơ bản đã hoàn thành kế hoạch SXKD của cả năm do việc hoàn nhập các khoản dự phòng trước đây và thu hồi công nợ cũ. Quan trọng nhất, mặc dù dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến lĩnh vực kinh doanh khách sạn nhưng Kem Tràng Tiền đã vượt lên một tầm cao mới, khác hẳn với kem Tràng Tiền trước đây về chất lượng, dịch vụ cũng như hình ảnh trong mắt người tiêu dùng. 

Ông Trung cũng bật mí 6 tháng đầu năm Kem Tràng Tiền và Bánh Givral đã cơ bản hoàn thành kế hoạch năm 2020 về doanh thu và lợi nhuận. 

“Tôi luôn nghĩ rằng sau cơn mưa trời lại sáng, những gì xấu nhất, những gì khó khăn nhất đã phản ánh rõ trên giá trị cổ phiếu OGC khi có lúc xuống dưới 3.000 đồng/cp. Bây giờ chúng ta thu hồi được công nợ và hoàn nhập dự phòng, làm ăn có lãi thì đó là lợi nhuận trên báo cáo tài chính” – ông Trung nói.

Doanh thu mảng bánh Givral trong năm 2019 đạt 639 tỷ đồng. Năm 2020 mặc dù dịch bệnh nhưng OCH – công ty con của OGC và trực tiếp quản lý thương hiệu Givral – đặt mục tiêu doanh thu 700 tỷ đồng cho Givral.

“Khi thị trường miền Bắc dần tiếp nhận Givral, quý vị có thể nhân hai con số đấy lên theo từng năm. Điều tương tự đối với Kem Tràng Tiền, doanh thu sẽ tăng từ 150 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng rồi 300 tỷ đồng” – ông Nguyễn Thành Trung trả lời các cổ đông.

OGC hiện hoạt động tại 3 mảng chính gồm bất động sản, khách sạn, thực phẩm. Đối với các dự án bất động sản, tập đoàn sẽ chỉ tập trung vào những dự án có hiệu quả, đồng thời sẽ thoái vốn khỏi những dự án không hiệu quả hoặc có nhiều rắc rối pháp lý.

Xem thêm: Ô tô tuần qua: Subaru Forester bị khách hàng kiện lỗi động cơ, VMS 2020 nguy cơ bị huỷ

Theo Infonet
Cùng chuyên mục
Tin khác