Ô tô Trung Quốc Omoda C5 về Việt Nam: Liên tục dính lỗi nghiêm trọng, ai dám mua?
(VNF) - Mẫu xe Trung Quốc Omoda C5 sắp mở bán tại Việt Nam đang bị triệu hồi tại nhiều thị trường trên thế giới, với các lỗi khác nhau liên quan đến chất lượng của xe.
Vào tháng 4/2024, Tập đoàn Geleximco và Công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery, Trung Quốc) chính thức ký kết hợp đồng liên doanh tại Việt Nam để xây dựng nhà máy mới.
Theo đó, dự án đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp, sản xuất ô tô nằm tại Khu công nghiệp Hưng Phú (thuộc xã Nam Hưng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), có tổng mức đầu tư hơn 800 triệu USD. Tổng công suất sản xuất sau khi hoàn thành tất cả các giai đoạn đạt 200.000 xe/năm.
Trước mắt, Tập đoàn Chery Trung Quốc sẽ giới thiệu tới người tiêu dùng tại Việt Nam các mẫu xe Omoda C5, Omoda E5 và Jaecoo 7.
Trong đó, Omoda C5 và Jaecoo 7 sẽ nằm chung phân khúc và cạnh tranh với các đối thủ như: Mazda CX-5, Hyundai Tucson, Kia Sportage hay Ford Territory. Còn mẫu xe thuần điện Omoda E5 sẽ cạnh tranh với VinFast VF 6 và VF 7 ở mảng xe thuần điện.
Ở giai đoạn đầu xe sẽ được nhập khẩu từ Indonesia về nước, do đó việc định giá bán cao hơn các đối thủ cạnh tranh sẽ là rào cản lớn trong việc chinh phục khách hàng. Chưa kể các mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ có thêm một lợi thế khác đó là hưởng chính sách hỗ trợ phí trước bạ dành cho xe sản xuất trong nước từ Chính phủ nếu được thông qua.
Trong số 3 mẫu xe sắp được mở bán tại thị trường Việt Nam thì cái tên Omoda C5 đang có nhiều điều tiếng về chất lượng sản phẩm tại các thị trường nước ngoài.
Hiện Tập đoàn Chery Trung Quốc đang phải tiến hành triệu hồi hàng loạt xe SUV Omoda 5 (tên gọi khác của Omoda C5 tại thị trường nước ngoài) tại Úc và một số nước Đông Nam Á do nhiều lỗi khác nhau.
Đơn cử vào cuối tháng 4/2024, một khách hàng sử dụng xe Omoda 5 tại Malaysia đã báo cáo về sự cố gãy trục sau khi xe đang vận hành, dù đoạn đường đi qua không có ổ gà. Ngay sau đó, Tập đoàn Chery đã bắt tay vào cuộc điều tra và xác định nguyên nhân xảy ra do lỗi linh kiện ở dầm trục sau.
Để khắc phục sự cố, nhà phân phối Chery Malaysia phát đi thông báo triệu hồi khoảng 600 xe Omoda 5 để kiểm tra và sửa chữa.
Chưa dừng lại ở đó, vấn đề tương tự về chất lượng trên xe Omoda 5 cũng đã xuất hiện tại thị trường Indonesia, khiến Chery phải ra quyết định thu hồi tất cả xe đã bán tại thị trường này. Cụ thể, nhà phân phối Chery Sales Indonesia (CSI) đã thông báo triệu hồi mẫu xe Omoda 5 tại thị trường Indonesia vào ngày 14/5.
Nguyên nhân của đợt triệu hồi lần này nằm ở linh kiện lắp ráp trong hệ thống khung gầm (đặc biệt là phần nối giữa trục sau và gầm xe) có thể không đạt tiêu chuẩn và gây ra tình trạng gãy, khiến nó tách rời với khung gầm của xe. Tổng cộng có 420 chiếc Omoda 5 1.5T, gồm hai phiên bản Z và RZ bị ảnh hưởng tại thị trường Indonesia.
Trước đó, vào hồi tháng 2/2024, Chery tại Úc cũng phải thông báo triệu hồi đối với 5.901 chiếc Omoda 5 do nguy cơ bu-lông giữ liên kết ống phanh có thể không được siết chặt đủ. Điều này có thể khiến dầu phanh bị rò rỉ, làm giảm hiệu suất phanh của xe.
Tại thị trường Philippines, Chery cũng thông báo chiến dịch triệu hồi đối với Tiggo 5X, mẫu xe dùng chung khung gầm với Omoda 5 kể từ ngày 23/5. Số lượng bị triệu hồi khoảng 100 chiếc Chery Tiggo 5X Pro, sản xuất trong năm 2024 nằm trong diện phải khắc phục lỗi gây nguy cơ mất an toàn ở hệ thống treo sau của xe.
Việc Chery liên tục phải ra thông báo triệu hồi xe tại nhiều thị trường trên thế giới đang làm dấy lên lo ngại về chất lượng và độ an toàn đối với những mẫu xe của hãng, đặc biệt là mẫu xe Omoda C5 sắp bán tại Việt Nam.
Năm 2009, thương hiệu ô tô Trung Quốc Chery đặt chân vào thị trường Việt Nam và cũng chọn hình thức liên doanh với một doanh nghiệp trong nước là Liên doanh ô tô Hoà Bình (VMC) - một doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong ngành ô tô.
Trong khi đó, thời điểm hiện tại chọn liên doanh với Tập đoàn Geleximco - một tập đoàn chỉ có kinh nghiệm về sản xuất linh kiện, phụ tùng và lắp ráp xe máy; còn kinh nghiệm sản xuất, lắp ráp mặt hàng có giá trị cao như ô tô thì doanh nghiệp này gần như chỉ là con số "0".
Thời điểm lần đầu đặt chân tới thị trường Việt Nam, thương hiệu Chery mở bán QQ3 và sau 4 năm có mặt trên thị trường, thương hiệu này dần chết "yểu" và âm thầm rút lui khỏi Việt Nam.
Không chỉ riêng Chery, nhiều thương hiệu có nguồn gốc từ Trung Quốc cũng tiếp cận thị trường Việt Nam như: BYD mở bán mẫu xe F0 vào năm 2010; Haima có mặt từ năm 2011 với những cái tên Haima 2, New Haima 3, Haima 7 và Haima Freema; rồi lần lượt các hãng xe khác xuất hiện như Zotye, BAIC (giai đoạn 2012 – 2017), đều có điểm chung đó là kết cục thất bại.
Những mẫu xe Trung Quốc đổ bộ thị trường Việt Nam trong năm 2024
Geleximco bắt tay hãng xe Trung Quốc đầu tư 800 triệu USD mở nhà máy sản xuất ô tô
Xe Trung Quốc trở lại, liệu có nên chuyện?
- Mua xe BR-V tại Honda Vĩnh Phúc: Khách tố xe mới bị gỉ sét, màu sơn bất thường 13/06/2024 04:30
- Peugeot rút lui khỏi thị tường tiêu thụ ôtô lớn nhất Đông Nam Á 09/05/2024 11:37
- Hyundai Grand i10 2024 sắp bán tại Việt Nam có gì mới? 14/05/2024 07:58
Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.