Ôn cố tri tân: Vua chúa nước Việt quản lý tài chính thế nào?

Lê Tiên Long - 03/01/2022 12:58 (GMT+7)

(VNF) - Đọc chuyện xưa, ai cũng nghĩ vua chúa là sướng lắm, “giàu như vua” mà. Thế các vua nước ta thời xưa đã quản lý tài chính, tài sản thế nào?

VNF

Thời xa xưa thì chưa biết thế nào, nhưng từ ngày nước ta dựng nền tự chủ, triều đình đã có nhiều vàng bạc. Đến thời Tiền Lê, năm 984, “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết, vua Lê Hoàn “dựng nhiều cung điện, làm điện Bách Bảo Thiên Tuế ở núi Đại Vân, cột điện dát vàng bạc, làm nơi coi chầu”. Sứ giả nhà Tống là Lý Nhược Chuyết và Lý Giám khi sang sách phong cho vua Lê Hoàn chức An Nam đô hộ Tĩnh Hải quân tiết độ sứ, đã thấy: “Vua hằng ngày đem những thứ châu báu kỳ dị bày chật cả sân để khoe là giàu có”.

Gần chúng ta nhất thì thời Nguyễn, vua Tự Đức là vị vua chí hiếu, ngày mùng Một Tết, sử triều đại này viết việc đầu tiên là nhà vua mặc áo cát phục, thân đến chầu cung hoàng mẫu làm lễ chúc mừng, dâng 100 lạng vàng, 1.000 lạng bạc lên thân mẫu “làm lễ người nhà”. Nhưng sau thời vua Tự Đức, thực dân Pháp đánh nước ta, áp đặt chế độ bảo hộ, từ vua đến các vương thân, quan lại, tất cả đều hưởng… lương do chính quyền bảo hộ cấp phát, triều đình không còn tự chủ về ngân khố nữa.

Ngược về triều vua Minh Mạng, có thể xem văn bản của Bộ Hộ vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826) về việc ban thưởng cho quan lại nhân Tết Nguyên đán như sau: “Tết Nguyên đán sắp tới, trẫm sẽ ăn Tết cùng các khanh. Ngày hôm đó, truyền ban yến tiệc một bữa và tùy theo thứ bậc mà ban thưởng bạc. Hoàng tử và chư công, mỗi người thưởng 20 lạng; quan văn, quan võ hàm chánh nhất phẩm, mỗi người 12 lạng; tòng nhất phẩm 10 lạng; tòng tam phẩm 4 lạng; chánh tứ phẩm 3 lạng... Thị nội, đội trưởng, suất đội, cai đội... đều được thưởng mỗi người 1 lạng và đều cho dự tiệc”.

Ngân khố thời Nguyễn được ghi lại cũng dồi dào, chỉ tiếc rằng sau sự kiện kinh thành thất thủ sau cuộc nổi dậy bất thành của vua Hàm Nghi (đêm 4/7/1885), quân Pháp vơ vét gần hết vàng bạc, châu báu, tiền của, đồ quý giá trong kinh thành. Thậm chí trước đó, khi đã mất các tỉnh Nam Bộ, triều đình Huế còn phải nai lưng đền bù chiến phí cho quân Pháp và cả quân Tây Ban Nha.

Còn trước đó, từ thời Lê về trước, triều đình luôn có cơ quan để quản lý tài chính, ngân khố. Nhưng bộ Hộ cũng chỉ mới được đặt ra dưới thời vua Lê Nghi Dân, sau đó được vua Lê Thánh Tông xếp vào lục bộ. Bộ Hộ được giao quản lý các mảng việc về ruộng đất, nhân khẩu, kho tàng, thu phát, bổng lộc, đồ cống nạp, thuế khoá, muối và sắt. Còn trước đó, sử sách không ghi chép kỹ, nên chúng ta không rõ các phép chi tiêu ngân sách (quốc dụng) từ thời Lý, Trần về trước như thế nào.

Chỉ biết rằng, từ thời Lý, Trần, Lê, bên cạnh việc cho người khai thác các nguồn lợi như mỏ vàng, bạc, đồng, khai thác lâm thổ sản quý, thì nguồn thu chủ yếu của triều đình là các loại thuế. Sách “Quốc dụng chí” trong bộ “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú cho biết, ngạch thuế thời Lý có 6 hạng, cụ thể gồm thuế đầm, ao ruộng; thuế bãi dâu; thuế sản vật núi rừng ở phiên trấn; thuế quan ải đánh vào mắm muối; thuế sừng tê ngà voi và các nguyên liệu của người dân tộc thiểu số; thuế gỗ và hoa quả nơi đầu nguồn.

“Toàn thư” cho biết, thời Lý Nhân Tông, năm 1092, triều đình “định điền tịch để thu tô, mỗi mẫu ruộng 3 thăng thóc, cấp lương cho quân lính”. Sang đến thời Trần, vào đời Trần Thái Tông, năm 1242, triều đình định lệ điền phú. Theo đó “nhân đinh nào có ruộng đất thì nộp tiền thóc, không có ruộng đất thì được miễn cả”.

Mức thuế ruộng đời Trần được quy định như sau: Ai có 1-2 mẫu ruộng thì nộp 1 quan tiền, có 3-4 mẫu ruộng thì nộp 2 quan tiền, có từ 5 mẫu ruộng trở lên thì nộp 3 quan tiền. Tô ruộng mỗi mẫu nộp 100 thăng thóc. Như vậy, từ thời Lý sang thời Trần, mức tô ruộng cho mỗi mẫu đã tăng đến cả hàng chục lần.

Việc thu tiền thuế đinh (theo đầu trai tráng) bắt đầu tiến hành từ thời Hồ. Theo đó, đời Trần Phế đế, năm 1378, quân Trần đánh nhau với Chiêm Thành, “Toàn thư” chép là “kho tàng hết kiệt”, nên Hành khiển Đỗ Tử Bình mới tâu xin phỏng theo phép đánh thuế dung (thuế thân) của nhà Đường bên Trung Quốc mà thi hành, các đinh nam mỗi hộ nộp 3 quan tiền. Vua y cho. Từ đó, thuế má bắt đầu trở thành gánh nặng của nhân dân.

Sau khi Hồ Hán Thương cướp ngôi của nhà Trần, các biểu thuế đinh điền cũng được định lại, ngoài thuế ruộng được tăng từ mức 3 thăng mỗi mẫu lên 5 thăng, thì thuế bãi dâu được chia theo đất tốt xấu khác nhau, với đất thượng đẳng thu 5 quan, trung đẳng 4 quan và hạ đẳng 3 quan. Về thuế đinh nam, trước đó mỗi năm nộp 3 quan, đến lúc này bắt đầu tính theo số ruộng để định ngạch.

Nhà Hồ bị nhà Minh đánh bại, tài sản đất nước bị chúng đem hết về phương Bắc. Sau khi cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, ngay sau khi xây dựng chính quyền triều Lê, vua Lê Thái Tổ đã có sắc chỉ bàn về vấn đề tiền tệ khá lý thú. Chúng ta đều biết thời Hồ bãi bỏ tiền đồng, ban hành tiền giấy, nên ngay năm Thuận Thiên thứ 2 (1429), nhà vua đã trao đổi với quần thần: “Tiền là mạch máu của sinh dân, không thể không có. Nước ta vốn có mỏ đồng, nhưng tiền đồng cũ đã bị nhà Hồ hủy bỏ, trăm phần chỉ còn được một. Đến nay, việc quân, việc nước thường hay bị thiếu. Muốn cho tiền được lưu thông sử dụng, để thuận lòng dân, há chẳng khó sao? Mới rồi có người dâng thư trình bày, xin lấy tiền giấy thay cho tiền thực”.

Vua Lê Thái Tổ cho rằng: “Trẫm sớm khuya nghĩ ngợi, chưa nghĩ ra các gì. Vì rằng tiền giấy là thứ vô dụng, lại được lưu hành như vật hữu dụng trong dân, thực không phải là ý nghĩa yên dân, dùng của. Nhưng đời xưa đã có người cho rằng vàng, bạc, da, lụa, tiền thực, tiền giấy đều không thể cân ngang nhau được, thế thì thứ gì là hơn? Truyền cho các đại thần trăm quan và những người hiểu việc đời ở trong, ở ngoài, đều nghị bàn quy chế đồng tiền cho thuận lòng dân, để không vì ưa thích riêng của một người mà bắt ép muôn nghìn người không muốn phải theo, để làm phép hay của một đời. Nên phải bàn định sớm rồi tâu lên, trẫm sẽ tự chọn lấy mà cho thi hành”. Sau đó, nhà Lê bắt đầu đúc lại tiền đồng, là đồng Thuận Thiên thông bảo.

Loại thuế nhân đinh cũng được duy trì ở triều Lê. Đời vua Lê Thánh Tông, năm 1470 định lệ suất thuế nhân đinh chỉ có 8 tiền. Theo Phan Huy Chú, phép thu thuế thời Lê sơ được ghi chép rất đầy đủ trong bộ sách “Thiên Nam dư hạ tập”, nhưng bộ sách ấy sau đã thất lạc, nên đời sau không khảo cứu chi tiết được.

Sang đời Lê Trung Hưng, các chúa Trịnh nắm hết quyền bính, nên ngân khố cũng nằm hết bên phủ chúa, với cơ quan quản lý là Hộ phiên. Bộ Hộ chỉ còn mỗi trách nhiệm quản lý thu chi trong cung vua, với các khoản chi dụng cho tế tự, nghi lễ sau khi được Hộ phiên duyệt chi mà thôi. Phủ chúa ngày càng xây dựng lộng lẫy, nguy nga, trong khi cung vua hoang tàn, đổ nát.

Theo bộ sử “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, năm 1730, đời vua Vĩnh Khánh (Lê đế Duy Phường), chúa Trịnh Giang mới lên cầm quyền, muốn biết rõ số tiền thuế má trong nước thu vào chi ra đủ hay thiếu, đã cho các quan Phủ liêu kiểm tra sổ sách và chi tiêu thực tế.

Năm 1738, đời vua Lê Ý Tông, các quan chấp chính cũng khải lên chúa Trịnh Giang rằng: “Tài chính là việc cần kíp của nhà nước, cho nên đời xưa tính số thu vào để liệu số chi ra. Gần đây, số thu vào chi ra không hề so tính, mà cuối năm cũng không tra xét. Nay xin chọn bề tôi tin cẩn cùng quan Hộ phiên tính gộp số thu năm trước so với số chi cả năm, xem đủ thiếu thế nào, để tùy nghi chước lượng cho vừa”. Chúa nghe theo.

Ngoài thuế thân, thời Lê thu các loại thuế về khai thác sản vật như thuế chuyên lợi về quế, thuế khai thác vàng, bạc, đồng, thiếc, thuế buôn muối, thuế buôn bán đối với các thương nhân, cả người nước ngoài đến buôn bán ở phố Hiến (Hưng Yên), Đông Kinh (Thăng Long). Ngoài ra, triều đình nhà Lê đánh thuế vào việc khai thác các loại thổ sản khác, từ đốn gỗ trên rừng, đánh cá dưới nước cho đến làm nước mắm; các vật liệu cháy như than đá, than gỗ, củi; các loại vật liệu đất như son, diêm tiêu, ngói; các loại vật dụng như rượu, mật, mía, dầu, bông, vải, tơ, lụa…

Tuy nhiên, vào những thời kỳ biến động của lịch sử, như giai đoạn năm 1724, sử sách chép “Vì sự trưng thu quá mức, vật lực kiệt không thể nộp thuế nổi khiến người ta bần cùng mà phải bỏ nghề nghiệp. Có người vì thuế sơn sống mà phải chặt cây sơn, có người vì thuế vải lụa mà phải phá cả khung cửi. Có người vì phải nộp cây gỗ mà bỏ rìu búa, vì phải nộp cá tôm mà phải xé lưới chài, vì phải nộp bông chè mà bỏ hoang vườn tược. Làng xóm náo động, dồn lại lâu năm, việc chi dùng của nước cũng vì thế mà thiếu hụt”.

Các loại thuế tương tự Đàng Ngoài cũng được chính quyền của các chúa Nguyễn áp dụng ở Đàng Trong. Ngoài ra theo nhà bác học Lê Quý Đôn chép trong “Phủ biên tạp lục”, Đàng Trong có thêm các loại thuế đầu nguồn, nhằm đánh vào những người khai thác và buôn bán tất cả các loại lâm thổ sản từ sợi mây rừng, mật ong cho đến sừng tê, ngà voi…

Đến cuối triều Nguyễn, quyền thần Trương Phúc Loan lũng đoạn triều đình, tha hồ vơ vét làm của riêng. Sử sách ghi rằng, trong nhà ông ta, “vàng, bạc, châu, ngọc, lụa chất thành núi. Ruộng vườn, nhà cửa, tôi tớ, trâu ngựa không đếm xuể. Có một năm vào mùa thu bị lụt lớn, hòm xiểng bị ngập, khi nước rút ông đem vàng ra phơi nắng, lấp lánh cả một sân”.

Vơ vét của cải về một chỗ, rồi đến sau cùng, Trương Phúc Loan phải nộp mình cho quân Trịnh, hay khi Tây Sơn ra Bắc, một mồi lửa cùng thiêu cung điện của chúa Trịnh cháy trong mấy tháng, để thấy rằng, của cải cuối cùng cũng chỉ là phù du.

Cùng chuyên mục
Tin khác