Tài chính quốc tế

Ông chủ mới của Sabeco ‘loay hoay’ xoay tiền trả nợ

(VNF) - Sau khi hoàn thành 4 thương vụ mua bán chuyển nhượng các công ty thực phẩm và đồ uống ở Thái Lan và nước ngoài, trong đó có Tổng công ty Cổ phần Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), ThaiBev đang tìm mọi cách xoay tiền để thanh toán các khoản nợ cho ngân hàng.

Ông chủ mới của Sabeco ‘loay hoay’ xoay tiền trả nợ

ThaiBev sẽ phát hành 4 đợt trái phiếu dài hạn trong năm 2018 và 2019 để xoay tiền trả nợ.

Tình hình tài chính của ThaiBev trong Quý I (giai đoạn 1/10/2017 – 31/12/2017) tỏ ra không mấy khả quan so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán hàng của ThaiBev sụt giảm 2,6% và đạt 45,6 tỷ Baht.

Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về lợi nhuận ghi nhận đà giảm lớn hơn nhiều, đặc biệt là khi bao gồm thêm cả các chi phí tài chính liên quan đến thương vụ thâu tóm Sabeco, phi vụ mua bán chuyển nhượng tốn kém nhất của tập đoàn này trong năm qua, và chi phí bất thường từ hoạt động thâu tóm khác.

Ông Thapana Siriwattanapakdee, Tổng giám đốc ThaiBev, cho biết trong năm 2017 tập đoàn này đã chi ra 200 tỷ baht để thực hiện việc thâu tóm các công ty thực phẩm - rượu bia ở Thái Lan và nước ngoài.

Được biết, để có được 53,59% cổ phần tại Sabeco, tập đoàn này đã phải huy động nguồn tài chính lên tới gần 5 tỷ USD và phải thanh toán trong vòng 24 tháng. Đa phần là các khoản vay với 5 ngân hàng có quy mô hàng đầu Thái Lan về tổng tài sản là Bangkok Bank, Bank of Ayudhya, Kasikornbank, Krung Thai Bank, và The Siam Commercial Bank.

ThaiBev phải huy động nguồn tài chính lên tới gần 5 tỷ USD để có được 53,59% cổ phần tại Sabeco.

Nguồn vốn cũng được huy động bởi BeerCo (do ThaiBev sở hữu 100%), với khoản vay 1,95 tỷ USD từ 2 ngân hàng là Mizuho Bank (chi nhánh Singapore) và Standard Chartered Bank (chi nhánh Singapore).

Bên cạnh Sabeco, ThaiBev đã thực hiện 3 thương vụ thâu tóm khác đã khiến cho tập đoàn này chịu gánh nặng tài chính lớn.

Cụ thể, ThaiBev đã mua 76% cổ phần tại công ty Spice of Asia (SOA) ngày 3/10/2017 nhằm mở 10 nhà hàng chuyên phục vụ các món lẩu và các món ăn của Thái Lan; 75% cổ phần tại công ty Myanmar Supply Chain and Marketing Services và công ty Myanmar Distillery (MSC&MDC) vào ngày 12/10/2017 để mở rộng lĩnh vực kinh doanh đồ uống có cồn (rượu) tại thị trường Myanmar và 252 cửa hàng KFC tại Thái Lan, sở hữu bởi công ty The QSR of Asia (QSA), thông qua một công ty con mà ThaiBev nắm toàn quyền sở hữu vào ngày 01/12/2017.

Ông Thapana cho hay sẽ không có chiến lược thâu tóm nào trong năm nay; thay vào đó ThaiBev tập trung phát huy hiệu quả những khoản đầu tư hiện tại, đặc biệt là kiếm tiền để trả nợ.

Để có tiền trả nợ, ThaiBev sẽ phát hành 4 đợt trái phiếu dài hạn trong năm 2018 và 2019, đợt đầu tiên vào tháng 3/2018 với mục tiêu đạt 50 tỷ baht.

ThaiBev tin tưởng giao phó cho Bangkok Bank, Bank of Ayudhya, Kasikornbank, Krungthai Bank, Phatra Securities, Siam Commercial Bank and Standard Chartered Bank chịu trách nhiệm phát hành đợt trái phiếu 5 kỳ này với thời hạn từ hai đến mười năm.

Dự kiến đợt phát hành trái phiếu này sẽ có nhiều tín hiệu khả quan bởi ThaiBev là một thương hiệu nổi tiếng và tập đoàn này chưa phát hành trái phiếu từ năm 2006.

>>> Xem thêm: Tỷ phú Thái tính đưa thêm 6 người vào HĐQT Sabeco, bầu CEO mới

Tin mới lên