Bất động sản

Ông lớn nước ngoài đổ vốn vào nhiều dự án nhà ở

 Nhóm đầu tư ngoại đến từ Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia tìm hiểu để mua bán, sáp nhập dự án bất động sản đang tăng mạnh.

Ông lớn nước ngoài đổ vốn vào nhiều dự án nhà ở

Thị trường bất động sản kỳ vọng sớm khởi sắc khi hợp tác với nhà đầu tư ngoại (Ảnh minh họa: Q.Huy).

Trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) khó khăn, đặc biệt là về nguồn tiền thì dòng vốn ngoại từ mua bán, sáp nhập (M&A) được kỳ vọng sẽ tiếp sức, giúp các doanh nghiệp địa ốc hồi phục.

Dòng vốn ngoại vẫn đặt niềm tin

Mới đây, Tập đoàn Surbana Jurong đến từ Singapore đã ký kết hợp tác với Kim Oanh Group nhằm phát triển các dự án do tập đoàn này làm chủ đầu tư.

Theo thỏa thuận, Kim Oanh Group và Tập đoàn Surbana Jurong sẽ hợp tác phát triển một loạt dự án BĐS nhà ở, nghỉ dưỡng, tòa nhà văn phòng tại khu vực phía Nam. Đặc biệt, Tập đoàn Surbana Jurong sẽ chịu trách nhiệm trong tư vấn quy hoạch khu đô thị và tư vấn kiến trúc cho các dự án mà Kim Oanh Group triển khai.

Bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT Kim Oanh Group, cho biết tập đoàn tập trung phát triển dòng sản phẩm nhà ở xã hội mới có giá hợp lý, dễ dàng sở hữu, đảm bảo chất lượng tốt và bền vững, mang đến môi trường sống xanh, sạch, an toàn. Vì thế, việc ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Surbana Jurong giúp tập đoàn phát triển nhà ở xã hội “chuẩn Singapore” tại Việt Nam.

Tương tự, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng bắt tay với Marubeni - một trong những tập đoàn thương mại đầu tư đa ngành lớn nhất Nhật Bản. Hai bên hợp tác đầu tư phát triển dự án BĐS tại Việt Nam, trước mắt là một dự án tọa lạc tại trung tâm hành chính mới của TP Thủ Đức, tổng mức đầu tư dự kiến trên 10.000 tỷ đồng. Ông Masato Tachibana, đại diện Tập đoàn Marubeni, cho biết hai bên sẽ cùng chia sẻ, đánh giá kỹ tình hình thực tế để đưa ra các bước triển khai tiếp theo hiệu quả, nhanh chóng.

Thời gian qua, các quỹ đầu tư, tập đoàn nước ngoài cũng mua lại các dự án hoặc bơm tiền mua trái phiếu chuyển đổi tại nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam.

Như trong quý I/2023, Novaland đã hoán đổi cho đối tác Dallas Vietnam Gamma Ltd số cổ phần trị giá 1.000 tỷ đồng tại hai công ty thành viên. Giao dịch này đổi lấy việc hủy bỏ số lượng trái phiếu và chứng quyền tương ứng Dallas Vietnam Gamma Ltd đã mua của Novaland từ tháng 2/2022. Như vậy, đây là tín hiệu tích cực của Novaland trong hoạt động cơ cấu nợ trái phiếu đến hạn.

Một tập đoàn khác đến từ Singapore cũng đang đàm phán, lựa chọn mua một phần dự án có diện tích gần 300ha ở Hà Nội, Hải Phòng của một tập đoàn BĐS lớn trong nước. Tập đoàn nước ngoài này từng tham gia hợp tác làm dự án phát triển TP mới Bình Dương với quy mô khoảng 3.700 căn hộ và nhà ở, dự kiến hoàn thiện vào năm 2027. Ngoài các dự án nhà ở, tập đoàn này còn tìm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực hậu cần, trung tâm dữ liệu và khu công nghiệp.

Cơ hội hồi phục thị trường

TS Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế, cho biết các nhà đầu tư nhảy vào lĩnh vực BĐS tại Việt Nam là doanh nghiệp có quy mô lớn với hình thức ngày càng đa dạng và chất lượng hơn. Nhiều dự án FDI đầu tư vào BĐS có quy mô lên đến hàng tỷ USD. Điều này chứng tỏ BĐS Việt Nam có nhiều lợi thế so với các quốc gia trong khu vực để thu hút đầu tư. Các lý do có thể kể đến là do chính trị ổn định, an toàn, tăng trưởng kinh tế cao, hội nhập với các nền kinh tế lớn và nhu cầu nhà ở vẫn cao…

“Vốn FDI đầu tư vào BĐS Việt Nam chủ yếu đến từ khu vực Đông Á do có nhiều đặc tính tương đồng. Tuy nhiên, dòng vốn ngoại đổ vào địa ốc nước ta không chảy ồ ạt mà khá âm thầm. Đây vẫn là dòng vốn quan trọng với BĐS Việt Nam. Tuy nhiên, vốn ngoại ưu tiên phân khúc bền vững và phát triển lâu dài như nhà ở hay căn hộ trung cấp, BĐS công nghiệp” - TS Nhân chia sẻ.

Bất động sản công nghiệp cũng là một phân khúc các nhà đầu tư ngoại đang nhắm tới (Ảnh: Q.Huy).

 

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), chỉ ra số lượng nhóm đầu tư ngoại quan tâm tìm hiểu M&A về dự án BĐS đang tăng mạnh. Nổi bật là nhóm các nhà đầu tư từ Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Malaysia... Họ thường ưu tiên chọn những dự án pháp lý sạch, có vị trí đẹp, tiềm năng trong tương lai với giá bán giảm 10%-20%. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước có tài sản cũng không chấp nhận bán ra với giá rẻ sau khi đã bỏ nhiều công sức và chi phí cho việc tạo lập quỹ đất, dự án, thực hiện pháp lý…

“Để dòng vốn ngoại được thông suốt, hiệu quả thì cần cơ chế cho phép chủ đầu tư dự án không đủ nguồn lực được chuyển nhượng dự án hoặc một phần dự án tương ứng với điều kiện tối thiểu là hoàn thành giải phóng mặt bằng” - ông Đính góp ý.

Hơn 1,6 tỷ USD đổ vào bất động sản Việt Nam trong năm 2023

Theo Bộ KH&ĐT, bảy tháng đầu năm 2023, ngành kinh doanh BĐS đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 1,6 tỷ USD, chiếm gần 10% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đã có 48 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh BĐS, dẫn đầu là Singapore, tiếp theo là Hàn Quốc, Nhật Bản.

Từ đầu năm đến nay, 736 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 27% so với cùng kỳ, tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 4,2 tỷ USD, giảm 42% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, có hơn 1.600 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài; tuy giảm hơn 10% so với cùng kỳ nhưng tổng giá trị vốn góp đạt hơn 4,1 tỷ USD, tăng 61% so với cùng kỳ.

Hiện có 45 tỉnh, TP có đầu tư FDI vào lĩnh vực BĐS, trong đó TP.HCM dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 16 tỷ USD, chiếm 25% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Hà Nội, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu.

 

Tin mới lên