Tiêu điểm

'Ông lớn' sẵn sàng rót 7 tỷ USD vào Việt Nam, dự án giao thông 'khủng' nào được gọi tên?

Ngân hàng Thế giới xem xét dành đến 7 tỷ USD cho các dự án hạ tầng giao thông tại Việt Nam, đặc biệt là cho đường sắt, đường cao tốc, đường quốc lộ và hạ tầng giao thông đô thị lớn.

Đề nghị Ngân hàng Thế giới hỗ trợ Việt Nam phát triển hạ tầng giao thông

Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) tại Việt Nam mới đây đã có cuộc gặp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng. 

Tại buổi làm việc, bà Turk nhắc lại việc Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc gặp ngày 7/9/2023 với Chủ tịch World Bank Ajay Banga đã đề nghị cho Việt Nam vay 5-7 tỷ USD trong 3 năm tới nhằm đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường sắt, đường cao tốc, quốc lộ và hạ tầng giao thông đô thị lớn.

Vì vậy, Ngân hàng Thế giới mong muốn Bộ GTVT đề xuất cụ thể đầu tư cho dự án nào, kế hoạch có thể triển khai ra sao để có thể thực hiện được trong khung thời gian mà thủ tướng đã nêu.

Buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng và Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam Carolyn Turk. (Ảnh: Báo Giao thông)

Tiếp lời bà Carolyn Turk, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị World Bank nghiên cứu dành vốn vay cho một số dự án quan trọng của Việt Nam gồm:

Dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu cần 3,2 tỷ USD đầu tư phân kỳ đường đơn. Tư vấn trong nước hiện nay đã xong báo cáo giữa kỳ, 6 tháng đầu năm 2024 hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre-FS) và rồi Ngân hàng Thế giới có thể tiếp cận để nghiên cứu.

Dự án cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo và cao tốc Pleiku - Quy Nhơn. Cả hai dự án đang được tư vấn hoàn thành báo cáo giữa kỳ. Dự kiến đến giữa năm 2024 sẽ hoàn thành Pre-FS. WB có thể tiếp cận hồ sơ để nghiên cứu sau khi tư vấn trong nước hoàn thành Pre-FS.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đề nghị WB hỗ trợ: nghiên cứu xây dựng các bộ tiêu chuẩn liên quan đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao phù hợp với điều kiện Việt Nam; nghiên cứu, đề xuất phương án, giải pháp vận chuyển container bằng đường sắt tại các cảng biển, kho bãi; hỗ trợ trong công tác triển khai thành lập, xây dựng quản lý vận hành Trung tâm kỹ thuật và điều hành giao thông đường bộ cao tốc (trung tâm ITS quốc gia); hỗ trợ hoàn thiện, xây dựng bổ sung các tiêu chuẩn về bảo dưỡng các hệ thống thiết bị quản lý, vận hành, khai thác đường cao tốc.

Những dự án giao thông "khủng" được gọi tên nếu có 5-7 tỷ USD từ World Bank

3 dự án giao thông mà Việt Nam mong muốn World Bank hỗ trợ đều là những dự án trọng điểm, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước.

Tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu

Đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến có chiều dài khoảng 128km, đường đôi, khổ đường 1.435mm, vận tải hành khách và hàng hóa, tổng mức đầu tư khoảng 6,2 tỷ USD.

Tuyến đường sắt này có điểm đầu tại ga Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai và điểm cuối tại Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Số lượng ga và depot gồm 5 ga tuyến chính, 3 ga trong cảng, 1 ga trong Trung tâm Logistic và 3 depot.

Tuyến này đi qua địa phận các tỉnh Ðồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu giúp tăng năng lực giao thông, thương mại và kích thích thị trường bất động sản khu vực. Dự án như một phần nối dài của tuyến đường sắt Bắc - Nam để vận chuyển hàng hóa từ các vùng, miền đến cảng Cái Mép - Thị Vải. 

Ảnh minh họa. (Nguồn: VNR)

Cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo

Tuyến đường cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo dự kiến dài 70km, quy mô 4 làn xe, chạy theo hướng Đông - Tây của tỉnh Quảng Trị; điểm đầu đấu nối với cao tốc Bắc - Nam phía Đông, thuộc địa phận huyện Cam Lộ, và điểm cuối nối Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, thuộc huyện Hướng Hóa. Hướng tuyến của dự án cao tốc sẽ đi song song với Quốc lộ 9.

Theo đề xuất sơ bộ của Tập đoàn Sơn Hải, tổng mức đầu tư thực hiện dự án là 7.938 tỷ đồng, theo phương thức đối tác công tư - hợp đồng BOT, có sự tham gia hỗ trợ của nhà nước.

Tuyến cao tốc này khi hoàn thành, sẽ kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, các đầu mối giao thông quan trọng, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng quá cảnh của tỉnh Quảng Trị với bên ngoài, đồng thời kết nối các trục dọc quốc gia với cửa khẩu quốc tế và cảng biển khu vực. Đặc biệt, tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo còn góp phần phá vỡ thế độc đạo của tuyến Quốc lộ 9 để phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra thiên tai, bão lũ.

Ảnh minh họa. (Nguồn: VGP/Nhật Bắc)

Cao tốc Pleiku - Quy Nhơn

Vai trò của tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku rất quan trọng đối với các địa phương mà nó đi qua, góp phần hình thành trục cao tốc kết nối các cảng biển Nam Trung Bộ với khu vực Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia cũng như vươn xa kết nối với các nước Thái Lan, Myanmar.

Dự án dự kiến giai đoạn 2012 – 2025 sẽ xây dựng hoàn chỉnh hệ thống công trình cầu, cống và hầm qua đèo An Khê, Mang Yang, quy mô 2 làn xe, chiều rộng nền đường 17,25 m. Tổng mức đầu tư dự kiến vào khoảng 40.000 tỷ đồng, trong đó quy mô GPMB theo quy hoạch 4 làn xe. 

Giai đoạn tiếp theo 2026 – 2030 sẽ rót tiếp 16.000 tỷ đồng để hoàn chỉnh tuyến đường theo quy hoạch 4 làn xe.

Theo quy hoạch, dự án cao tốc có điểm đầu giao với Quốc lộ 1 tại huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định và tại Km10, tuyến giao tại thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định là cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Điểm cuối dự án giao với tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây tại khu vực TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, hướng tuyến đi song song với Quốc lộ 19 hiện hữu & Cao Tốc 19B nối Khu kinh tế Nhơn Hội với Sân bay Quốc tế Phù Cát.

Tin mới lên