Tài chính quốc tế

Ông Tập Cận Bình: Kinh tế Trung Quốc 'không sụp đổ trong quá khứ' và vẫn 'chưa đạt đỉnh'

(VNF) - Bắc Kinh đang tìm cách khôi phục niềm tin của nhà đầu tư khi lo ngại về tình trạng dư cung và khả năng bán phá giá gia tăng.

Ngày 27/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có buổi làm việc với CEO của các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ. Sự kiện diễn ra bên lề Diễn đàn cao cấp Phát triển Trung Quốc (CDF) 2024.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ở giữa, gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp mỹ.

Tại buổi gặp, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết nền kinh tế Trung Quốc chưa "đạt đỉnh" và triển vọng tăng trưởng vẫn "tươi sáng" khi Bắc Kinh tìm cách khôi phục niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào quốc gia lớn thứ hai thế giới.

Gặp nhóm khoảng 20 CEO của các “ông lớn” hàng đầu nước Mỹ, trong đó có Evan Greenberg của Chubb, Stephen Schwarzman của Blackstone và Cristiano Amon của Qualcomm tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ông Tập nhấn mạnh rằng Bắc Kinh vẫn cam kết cải cách.

“Những cải cách của Trung Quốc sẽ không bị đình trệ và việc mở cửa của chúng tôi sẽ không dừng lại”, nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh các đối tác thương mại của Trung Quốc ngày càng lo ngại rằng Bắc Kinh đang đầu tư mạnh vào sản xuất để khắc phục tình trạng suy thoái bất động sản sản sâu sắc, dẫn đến tình trạng dư cung và khả năng bán phá giá trên thị trường quốc tế.

Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay, bằng với con số của năm ngoái và là mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, nhưng các nhà phân tích tin rằng sẽ khó đạt được mục tiêu này nếu không tăng nhu cầu trong nước.

“Sự phát triển của Trung Quốc, sau khi vượt qua nhiều khó khăn và thách thức, vẫn không sụp đổ trong quá khứ và bây giờ nó vẫn chưa đạt đỉnh” ông Tập nói với các giám đốc điều hành.

Về quan hệ song phương, ông Tập cho biết: “Thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và giải quyết các vấn đề nóng bỏng quốc tế và khu vực đều cần Trung Quốc và Mỹ phối hợp hợp tác”.

Ông nói thêm rằng các nước có thể không đồng ý nhưng nên “tìm kiếm điểm chung trong khi bảo lưu những khác biệt”.

Tháng 11 năm ngoái, ông Tập đã gặp các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ vào trong một bữa tối được tổ chức bên lề diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại San Francisco được tổ chức bởi Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung và Ủy ban quốc gia về quan hệ Mỹ-Trung.

Người đứng đầu của cả hai tổ chức, Craig Allen và Stephen Orlins, cũng tham gia cuộc gặp với ông Tập vào ngày 27/3. Greenberg của Chubb là chủ tịch NCUSCR và giám đốc Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung.

Nền kinh tế Trung Quốc đã sa lầy bởi cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản, trong đó các nhà xây dựng đang phải vật lộn với hàng núi nợ nần và người mua đang phải trả hết các khoản vay cho những căn hộ có thể không bao giờ được hoàn thiện.

Các vấn đề khác, chẳng hạn như dân số già và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao, đang khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc tập trung nhiều hơn vào việc thúc đẩy sản xuất xuất khẩu để bù đắp cho nhu cầu yếu trong nước.

Căng thẳng bùng phát

Quan hệ Mỹ-Trung đã phần nào ổn định kể từ khi ông Tập và Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức hội đàm song phương bên lề diễn đàn APEC.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) chụp ảnh cùng các giám đốc điều hành và lãnh đạo tập đoàn kinh doanh Mỹ tại Bắc Kinh ngày 27/3.

Nhưng căng thẳng vẫn tiếp tục bùng phát. Mỹ đã cam kết điều tra xem liệu xe điện nhập khẩu của Trung Quốc có phải là mối đe dọa an ninh hay không, trong khi Bắc Kinh đã cấm sử dụng iPhone của Apple trong các văn phòng chính phủ. Bắc Kinh ngày 26/3 cũng đã đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm phản đối trợ cấp xe điện của Mỹ.

Trung Quốc đã tìm cách thể hiện sự cở mởi hơn với hoạt động kinh doanh quốc tế trong những tháng gần đây sau khi đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm vào năm ngoái xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết căng thẳng song phương xuất phát từ việc Mỹ “hiểu sai” rằng Trung Quốc là một mối đe dọa chiến lược.

Ông Sean Stein, chủ tịch Phòng Nghiên cứu Mỹ cho biết: “Các công ty [Mỹ] đến đây để phục vụ thị trường Trung Quốc hoặc bán hàng vào Trung Quốc, tôi nghĩ họ lạc quan hơn một chút so với trước đây một năm”.

Trong khuôn khổ Diễn đàn cao cấp Phát triển Trung Quốc những năm trước đây, các lãnh đạo doanh nghiệp sẽ có buổi gặp gỡ thủ tướng trong khuôn khổ sự kiện.

Tuy nhiên, những cuộc gặp song phương với các bộ trưởng tại CDF đã diễn ra nhiều hơn và các cuộc đối thoại cũng trực tiếp hơn so với năm ngoái, những người tham dự cho biết.

Xem thêm >> Ông Tập gặp loạt CEO Mỹ: Nỗ lực giữ chân ‘đại bàng’ của Trung Quốc

Tin mới lên