Ông Trần Phương Bình và Vũ 'nhôm' kháng cáo vụ Ngân hàng Đông Á
A.Huy - Hồng Sơn -
03/01/2019 17:11 (GMT+7)
Ngày 3/1, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP. HCM) bào chữa cho Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm", 44 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần xây dựng Bắc Nam 79) tại phiên toà xét xử vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (viết tắt DAB) đã nộp đơn kháng cáo.
Trong đơn, Vũ "nhôm" kháng cáo kêu oan toàn bộ bản án liên quan đến tội danh và các khoản trách nhiệm dân sự. Theo đó, toà án cấp sơ thẩm đã không đánh giá hết toàn diện khách quan các chứng cứ tại toà.
Cụ thể, theo Vũ Nhôm, tại toà, ông Trần Phương Bình (60 tuổi, nguyên Tổng giám đốc (TGĐ), phó chủ tịch DAB), xác nhận không nói cho Vũ biết số tiền 200 tỷ đồng ở đâu mà có và cố tình che giấu tình trạng thua lỗ của DAB. Nếu biết tình trạng này, Vũ sẽ không mua cổ phiếu tại DAB. Chứng cứ tại Cơ quan điều tra và tại toà là khác nhau nhưng toà vẫn kết tội Vũ là khiên cưỡng.
Cùng với Vũ Nhôm, ông Trần Phương Bình cũng đã nộp đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xem xét lại một phần trách nhiệm dân sự.
Các bị cáo tại tòa.
Như đã đưa tin, trước đó sau gần 1 tháng đưa vụ án ra xét xử, ngày 20/12, TAND TP. HCM đã đã tuyên phạt Trần Phương Bình mức án tù chung thân, Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó TGĐ DAB) 30 năm tù cho cả hai tội danh trên.
Riêng bị cáo Phan Văn Anh Vũ bị tuyên phạt 17 năm tù, tổng hợp hình phạt bản án TAND cấp cao tại Hà Nội, bị cáo này phải chịu hình phạt chung là 25 năm tù. Liên quan đến vụ án này, 23 bị cáo còn lại cũng bị tuyên mức án từ 2 năm tù cho hưởng án treo đến 16 năm tù, trong đó có bị cáo bị tuyên hình phạt bằng thời gian tạm giam (2 năm 9 ngày tù).
Về trách nhiệm dân sự, hội đồng xét xử tuyên buộc ông Bình và một số bị cáo khác phải bồi thường toàn bộ số tiền, vàng đã chiếm đoạt và gây thất thoát cho DAB cộng thêm tiền lãi phát sinh tính đến ngày khởi tố vụ án (9-12-2016).
Để đảm bảo thi hành án, hội đồng xét xử tuyên tiếp tục kê biên toàn bộ cổ phần của ông Bình do ông Bình và những người thân đứng tên; toàn bộ cổ phần đứng tên bà Xuyến và chồng bà Xuyến; cổ phần của các bị cáo khác trong vụ án... tiếp tục kê biên các tài sản là bất động sản của các bị cáo trong vụ án để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn trong vụ án.
Ngoài ra, hội đồng xét xử còn kiến nghị tiếp tục điều tra làm rõ trách nhiệm của một số cá nhân có liên quan trong vụ án. Về số tiền 13,4 triệu USD ông Bình chuyển cho Vũ sử dụng, đến nay không biết Vũ đã sử dụng vào việc gì. Hội đồng xét xử nhận định, hành vi chuyển tiền này có dấu hiệu phạm tội khác nên kiến nghị Cơ quan điều tra tiếp tục điều tra, nếu phát hiện tội phạm xử lý theo pháp luật.
Trong phần nhận định, hội đồng xét xử cho rằng dựa vào các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, quá trình tranh tụng tại toà cũng như lời khai nhận tội của ông Bình và các bị cáo khác, đủ cơ sở xác định: trong quá trình điều hành DAB, Trần Phương Bình đã lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái Luật Kế toán, Luật Các tổ chức tín dụng và điều lệ ngân hàng... cùng các nhân viên trong DAB và những người liên quan thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho DAB 3.608 tỷ đồng.
Từ các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng nêu trên là nguyên nhân dẫn đến thực trạng DAB tại thời điểm 31/12/2015 lỗ luỹ kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng.
Theo đó, từ năm 2007 đến năm 2014, để có tiền mua cổ phần DAB, Trần Phương Bình chỉ đạo Nguyễn Thị Kim Xuyến và các nhân viên thực hiện 9 hành vi phạm tội trong việc lập phiếu thu tiền khống đứng tên Trần Phương Bình và người thân mua cổ phần DAB. Để bù đắp số tiền thu khống, Bình chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi trái pháp luật bằng cách xuất quỹ bán vàng, lập hồ sơ cho vay khống để tất toán số tiền mua cổ phần. Từ việc làm trái pháp luật trên, Trần Phương Bình đã chiếm đoạt DAB 1.160 tỷ đồng trong việc mua hơn 74,2 triệu cổ phần của chính DAB.
Để xử lý khó khăn tại DAB, trong năm 2014, Bình có chủ trương tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ lên 6.000 tỷ đồng để thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính đầu tư vào DAB. Mong muốn Vũ trở thành cổ đông lớn tại DAB, Bình đã mời Phan Văn Anh Vũ mua 60 triệu cổ phần DAB với giá 600 tỷ đồng.
Nguồn tiền mua cổ phần Vũ sử dụng 220 lô đất tại TP. Đà Nẵng vay 400 tỷ đồng của DAB. Còn 200 tỷ đồng còn lại, Bình chỉ đạo nhân viên xuất quỹ cho Vũ và Vũ ký khống chứng từ nộp tiền vào. Sau khi DAB tăng vốn điều lệ không thành công, DAB chuyển trả tiền cho các tổ chức, cá nhân đăng ký mua, trong đó có chuyển trả cho công ty Bắc Nam 79 số tiền 600 tỷ đồng và hơn 9 tỷ đồng tiền lãi.
Sau đó, Bình và Vũ thống nhất: Bình bán 50 triệu cổ phần DAB của 4 cổ đông hiện hữu cho công ty Cổ phần Bắc Nam 79 với giá 500 tỷ đồng, đồng thời Bình yêu cầu Vũ thanh toán số tiền 200 tỷ đồng. Vũ hứa sẽ bán đất ở Đà Nẵng để trả nợ cho Bình nhưng đến nay chưa thực hiện.
Tháng 8/2015, biết DAB sẽ bị kiểm soát đặc biệt, 13,6 triệu cổ phần đứng tên công ty vốn An Bình sẽ bị cấm chuyển nhượng. Do vậy, ngày 11/8/2015, Bình bán toàn bộ cổ phần trên cho Vũ với giá 136 tỷ đồng. Tuy nhiên, Vũ mới thanh toán cho công ty vốn An Bình 46 tỷ đồng và vẫn còn nợ trên 90 tỷ đồng.
Từ ngày 11/10/2012 đến 12/3/2015, Trần Phương Bình còn chỉ đạo Đỗ Thanh Hùng (nguyên thủ quỹ Hội sở DAB) xuất quỹ chi 12 khoản, tổng cộng 293 tỷ đổng để mua 13,9 triệu USD cho Bình. Sau đó, theo đề nghị của Phan Văn Anh Vũ, Bình đã chuyển 13,4 triệu USD cho Vũ sử dụng nhưng đến nay Vũ chưa trả lại.
Ngoài ra, Bình chỉ đạo cho Nguyễn Thị Kim Xuyến và các cán bộ cấp dưới xuất quỹ chi sai nguyên tắc 467 tỷ đồng cho 219 đơn vị kinh doanh để chi lãi ngoài huy động vốn. Làm theo chỉ đạo của Bình trong việc kinh doanh ngoại hối với ngân hàng UOB Singapore, DAB thiệt hại 336 tỷ đồng. Tương tự, trong việc kinh doanh ngoại hối với ngân hàng Banca Adamas Thuỵ Sỹ, DAB thiệt hại thêm 48 tỷ đồng.
Trong vụ án này, hội đồng xét xử nhận định ông Bình lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình đã thao túng toàn bộ ngân hàng, chỉ đạo các bị can khác thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, ông Bình phải chịu trách nhiệm chính về số tiền bị thiệt hại 3.568 tỷ đồng do hành vi phạm tội của bị cáo và đồng phạm gây ra. Hội đồng xét xử ghi nhận, quá trình điều tra và tại toà, ông Bình thành khẩn khai báo và nhận trách nhiệm đối với hậu quả thiệt hại gây ra... Tuy nhiên, với hậu quả gây ra đặc biệt nghiêm trọng nên cần hình phạt nghiêm khắc nhất đối với bị cáo Bình.
Đối với Phan Văn Anh Vũ, hội đồng xét xử nhận định trong vụ án này, Vũ là đồng phạm với Trần Phương Bình chiếm đoạt của DAB 203 tỷ đồng nên phải phải chịu trách nhiệm bồi thường về số tiền này. Ngoài ra, Vũ phải chịu trách nhiệm nộp lại số tiền 13,4 triệu USD mà Bình chiếm đoạt của DAB rồi cho bị cáo vay và 90,5 tỷ đồng mua cổ phần DAB để khắc phục hậu quả vụ án.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.