Ông Trịnh Văn Quyết: Từ đỉnh cao xuống vực sâu

Hoài Anh - 30/03/2022 16:22 (GMT+7)

(VNF) - 10 năm sau khi được vinh danh là 1 trong 5 luật sư tiêu biểu, ông Trịnh Văn Quyết rơi vào vòng lao lý.

VNF
Ông Trịnh Văn Quyết

Ngày 29/3, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết về tội "Thao túng thị trường chứng khoán", theo Điều 211 Bộ luật Hình sự. Với tội danh này, ông Trịnh Văn Quyết có thể phải đối diện mức án cao nhất lên tới 7 năm tù.

Luật sư làm kinh doanh

Sau khi tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, vị doanh nhân sinh năm 1975 đã mở Công ty Cổ phần Tư vấn quản lý và Giám sát đầu tư (SMiC) chuyên tư vấn luật, quản lý đầu tư.

Sau đó, trước yêu cầu của sự chuyên nghiệp hóa và các nhu cầu tư vấn về chính sách của thị trường, bộ phận tư vấn chuyên sâu về luật của Công ty được tách ra thành Văn phòng Luật SMiC.

Ông Trịnh Văn Quyết cùng các cộng sự đã tham gia hàng loạt vụ tranh chấp nổi tiếng như: Honda Vietnam tranh chấp với Công ty GMN về khoản 2,2 triệu USD tiền đền bù đất đai ở Hưng Yên và giúp Techcombank thắng kiện một nhóm khách hàng năm 2005...

Năm 2006, Văn phòng Luật SMiC chuyển đổi thành Công ty TNHH Luật SMiC. Sự ra đời của SMiC đã đánh dấu một mô hình tiên phong lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam vào thời điểm đó: công ty kinh doanh có sự tương hỗ từ một công ty luật.

Chính công việc tư vấn luật đã mang lại cơ duyên đưa ông Trịnh Văn Quyết bước sang lĩnh vực bất động sản. Nhờ mối quan hệ quen biết các khách hàng kinh doanh bất động sản lớn tại Hà Nội, ông tích lũy kinh nghiệm tư vấn, dần dần biết rõ các thủ tục, cách làm và nhận thấy cơ hội kinh doanh ở đó.

Năm 2008, ông Quyết thành lập công ty TNHH Đầu tư Trường Phú và hàng loạt công ty đầu tư tài chính khác như Công ty TNHH SG Invest, Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính Ninh Bắc (tiền thân của Công ty Cổ phần FLC Land)…

Cùng năm đó, SMiC mở văn phòng công chứng tư nhân đầu tiên ở Hà Nội và mở tiếp chi nhánh tại TP.HCM và Singapore vào năm 2009.

Tháng 11/2010, để tập hợp sức mạnh và thống nhất về mặt quản trị, ông Trịnh Văn Quyết cùng các cộng sự đã hợp nhất các công ty thành viên dưới mô hình Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC.

Tháng 10/2011, FLC chính thức niêm yết trên sàn HNX. 1 năm sau, Công ty tiến hành sáp nhập FLC Land, tăng vốn điều lệ từ 170 tỷ lên 772 tỷ đồng. Kể từ đó, FLC mở rộng đầu tư bất động sản bằng việc thâu tóm và phát triển một loạt dự án tại Hà Nội cũng như xây dựng những khu nghỉ dưỡng có tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng tại các địa phương khác.

Đến năm 2012, SMiC nhận danh hiệu Hãng luật tiêu biểu của năm và ông Trịnh Văn Quyết là một trong 5 người được nhận danh hiệu Luật sư tiêu biểu của năm (trên tổng số hơn 7.200 luật sư đang hoạt động trên khắp cả nước).

Ông Trịnh Văn Quyết khi ấy đã chia sẻ: “Quá trình làm nghề luật cho tôi tiền bạc, kinh nghiệm, mối quan hệ, cơ hội kinh doanh và cả sự cẩn trọng. Còn làm doanh nhân giúp tôi biến những cơ hội kinh doanh ấy thành tiền và duy trì nó hoạt động trên cơ sở làm đúng và rút kinh nghiệm từ chính những vấp ngã của khách hàng mà tôi tiếp xúc khi hành nghề luật sư”.

Ông Trịnh Văn Quyết thời còn hành nghề luật sư

Từ tỷ phú số 1 sàn chứng khoán đến đại gia nhiều bê bối

Chỉ một khoảng thời gian ngắn sau khi thành lập, FLC đã trở thành một trong những cái tên “hot” nhất trong giới bất động sản lẫn giới đầu tư chứng khoán. Công ty này đã có lúc cùng với FLC Faros đưa ông Trịnh Văn Quyết lên vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2017 với giá trị vốn hóa đạt 58.852 tỷ đồng.

Hiện tại, ông Trịnh Văn Quyết là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, đồng thời gián tiếp nắm quyền tại các công ty liên quan đến Tập đoàn FLC gồm: Công ty Cổ phần Nông Dược H.A.I (HAI), Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros (ROS); Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (AMD), Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS (ART), Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (KLF), Công ty Cổ phần Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (GAB)…

Tính đến ngày 29/3, tổng giá trị cổ phiếu mà ông Quyết đang nắm giữ ở các công ty trên sàn chứng khoán là khoảng 4.664 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Trịnh Văn Quyết cũng sở hữu khối tài sản lớn ở các doanh nghiệp chưa niêm yết, đơn cử như Công ty cổ phần hàng không Tre Việt (Bamboo Airways). Tính đến ngày 1/6/2021, ông Quyết ở hữu với 56,5% cổ phần của Bamboo Airways. Nếu tiếp tục giữ nguyên tỷ lệ sở hữu trên, số vốn góp của tỷ phú Trịnh Văn Quyết có giá trị lên tới hơn 10.425 tỷ đồng.

Tuy nhiên trong hành trình dựng nghiệp, đại gia này cũng gắn liền với nhiều bê bối. Ông Trịnh Văn Quyết và FLC cũng như các công ty thuộc hệ sinh thái của tập đoàn này đã nhiều lần bị xử phạt khi bán cổ phiếu doanh nghiệp mà không minh bạch thông tin và vi phạm công bố thông tin tới các nhà đầu tư.

Hồi tháng 11/2017, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính liên quan các giao dịch cổ phiếu đối với ông Trịnh Văn Quyết vì đã có hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch bán 57 triệu cổ phiếu FLC trong khoảng thời gian 20 – 24/10/2017.

Ngày 18/1/2022, UBCKNN tiếp tục ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Trịnh Văn Quyết. Theo đó, ông Quyết bị phạt tiền 1,5 tỷ đồng vì đã có hành vi vi phạm hành chính khi thực hiện bán 74,8 cổ phiếu FLC vào ngày 10/1/2022 nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. Ông Quyết cũng bị đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng.

Gần đây nhất, ngày 24/3, UBCKNN cũng xử phạt Tập đoàn FLC 495 triệu đồng vì các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Cụ thể, công ty bị phạt 200 triệu do công bố thông tin sai lệch về báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020, bán niên 2021 và báo cáo tình hình quản trị công ty.

FLC cũng không công bố đúng hạn báo cáo tài chính 2019, bán niên 2020 và các báo cáo từ nhiệm thành viên HĐQT, nghị quyết bổ nhiệm nhân sự, góp vốn. Ngoài ra, FLC bị phạt do chưa có thành viên HĐQT độc lập theo quy định. Mức phạt cho vi phạm này là 125 triệu đồng.

Không chỉ chứng khoán, liên quan đến bất động sản, rất nhiều dự án của FLC cũng bị xử phạt do có nhiều sai phạm.

Như năm 2014, FLC triển khai dự án tổ hợp chung cư FLC Complex ở 36 Phạm Hùng, Hà Nội với tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng. Khi được đưa vào sử dụng, tại dự án này lại phát sinh hàng loạt lùm xùm như việc chủ đầu tư bị phanh phui việc đã mở bán chính thức dự án khi chưa hoàn thiện phần móng, vi phạm quy định theo Nghị định 71/2010 của Chính phủ.

Cũng trong năm 2014, FLC triển khai khu đô thị FLC Garden City tại Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Dự án này có công trình 18 tầng không phép là tòa nhà HH-01 thuộc dự án khu chức năng đô thị nói trên và được coi là vi phạm nổi bật nhất của FLC tại Hà Nội.

Năm 2017, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra nhiều sai phạm tại các dự án tại Sầm Sơn (Thanh Hóa) và Nhơn Lý (Bình Định) do FLC làm chủ đầu tư. Các sai phạm điển hình như chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ làm sân golf; cấp phép xây dựng sai quy định; xây dựng không phép; xây dựng sai quy hoạch; chính quyền địa phương hợp thức hóa sai phạm…

Năm 2021, khi thanh dự án Quần thể Trung tâm hội nghị, khu dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng FLC và dự án Sân golf Ngôi sao Hạ Long tại TP Hạ Long, thanh tra tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và chỉ ra hàng loạt vi phạm không thể khắc phục của chủ đầu tư FLC. Sau đó, Tập đoàn FLC đã bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền 440 triệu đồng...

Cùng chuyên mục
Tin khác