Ông Trump: Mỹ tiếp tục phát triển kho vũ khí hạt nhân cho tới khi Nga, Trung ‘tỉnh ngộ’
Minh Đăng -
23/10/2018 08:58 (GMT+7)
(VNF) - Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn bên ngoài Nhà Trắng ngày 22/10, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục phát triển kho vũ khí hạt nhân cho đến khi các quốc gia khác “hoàn toàn tỉnh ngộ”.
"Đây là lời đe dọa gửi tới tất cả những ai bạn muốn. Và nó bao gồm cả Trung Quốc, Nga hay bất kỳ nước nào tính chạy đua vũ trang với Mỹ", ông Trump nói thêm.
Đồng thời ông Trunp cũng tuyên bố rằng, “một khi họ suy nghĩ tỉnh táo và khôn ngoan, Mỹ sẽ ngừng việc phát triển kho vũ khí hạt nhân, thậm chí còn cam kết giảm thiểu số lượng vũ khí”.
Người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định rằng "Mỹ có nhiều tiền hơn bất cứ nước nào, họ không thể chơi trò đó với tôi ", ngầm ám chỉ rằng việc chạy đua vũ trang không hề hấn gì với Mỹ và các quốc gia khó có thể cạnh tranh với Mỹ trong cuộc đua này.
Ngoài ra, ông Trump còn lưu ý rằng Trung Quốc chưa từng tham gia kí kết các thỏa thuận kiềm chế vũ khí hạt nhân tương tự, và cho rằng Bắc Kinh cần phải tham gia các thỏa thuận chung.
Phát biểu trên của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh chỉ vài ngày trước đó ông đã xác nhận rút Mỹ khỏi Hiệp ước vũ khí hạt nhân tầm trung (Intermediate-range Nuclear Forces Treaty - INF), được ký vào năm 1987 giữa Washington và Moscow.
Theo giới chuyên gia, với quyết định này của ông Donald Trump, chính quyền Washington đang tăng tốc cuộc đọ sức chiến lược dài hạn với Bắc Kinh.
Khoảng 3 thập kỷ trước đây, tổng thống Mỹ Ronald Reagan và tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô lúc bấy giờ là ông Mikhail Gorbatchev đã đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh lạnh khi ký kết hiệp ước INF năm 1987. Đôi bên cam kết ngưng phát triển nhiều loại tên lửa tầm trung có tầm bắn từ 500-5.500 km. Hiệp ước được phê chuẩn sau khi bùng nổ cuộc khủng hoảng do việc Liên Xô triển khai tên lửa SS-20 mang đầu đạn hạt nhân có thể bắn tới nhiều nước Tây Âu.
Thông báo rút ra khỏi INF được Mỹ giải thích là do phía Nga đã vi phạm hiệp ước, tiếp tục chế tạo hay thử nghiệm nhiều loại tên lửa hành trình có khả năng đạt tầm bắn trong khoảng từ 500-5.500 km, căn cứ theo một báo cáo thường niên của bộ Ngoại Giao Mỹ năm 2014. Nga đã bác bỏ cáo buộc này và khẳng định không vi phạm hiệp ước.
Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự cho rằng mục tiêu chính của Mỹ khi quyết định rút ra khỏi INF là đối phó với Trung Quốc, vào lúc quan hệ Washington – Bắc Kinhkhông chỉ căng thẳng trong vấn đề thương mại mà cả trong lĩnh vực quân sự.
Theo nhận định của tờ New York Times, quyết định này “sẽ cho phép Mỹ đối phó với việc Trung Quốc trang bị vũ khí tại Thái Bình Dương”, đặc biệt là tại vùng Biển Đông nơi Trung Quốc đã cho cải tạo, bồi đắp nhiều bãi đá ngầm tại các khu vực tranh chấp thành những đảo tiền tiêu quân sự.
Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể triển khai các loại tên lửa đạn đạo mà không sợ bị khống chế vì nước này không ký kết INF. Loạt tên lửa DF và HN của Trung Quốc có tầm bắn đến 15.000km và như vậy có thể bắn tới lãnh thổ Mỹ.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone