OPEC+ bỏ ngỏ khả năng giảm sản lượng dầu 1 triệu thùng/ngày, giá dầu bật tăng

Minh Đăng - 03/10/2022 09:48 (GMT+7)

(VNF) - Trước thông tin Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) sẽ xem xét cắt giảm sản lượng dầu ở mức hơn 1 triệu thùng/ngày tại cuộc họp vào ngày 5/10 tới, giá dầu châu Á đã quay đầu tăng hơn 3%.

VNF
OPEC+ bỏ ngỏ khả năng giảm sản lượng dầu 1 triệu thùng/ngày.

Trong phiên giao dịch sáng nay (3/10) trên thị trường châu Á, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 2,82 USD (3,3%) lên 87,96 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ tăng 2,60 USD (3,3%) lên 82,09 USD/thùng. Trước đó, trong phiên 30/9, hai mặt hàng này giảm lần lượt 0,6% và 2,1%.

Theo Reuters, trong quý III, giá dầu đã ghi nhận quý giảm mạnh nhất trong vòng 2 năm qua khi mặt hàng dầu chuẩn Brent và WTI giảm lần lượt là 23% và 25% và thị trường liên tục ghi nhận biến động nghiêm trọng.

Giá dầu quay đầu tăng trong bối cảnh hội nghị OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày 5/10 tới tại Vienna (Áo), đây là là cuộc họp trực tiếp đầu tiên của OPEC+ kể từ khi các biện pháp hạn chế về Covid-19 được áp đặt hồi năm 2020. Cuộc họp sẽ gồm 13 nước thành viên của OPEC do Arab Saudi dẫn đầu và 10 thành viên đồng minh do Nga đứng đầu.

Theo nhiều nguồn tin, các nước thành viên thuộc OPEC+ đã bắt đầu thảo luận về vấn đề cắt giảm sản lượng dự kiến được đưa ra đàm phán tại hội nghị sắp tới do lo ngại tình trạng suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ.

Dù khối lượng cắt giảm dự kiến vẫn chưa rõ ràng, một nguồn tin thân cận với Nga hồi đầu tuần này tiết lộ với báo chí rằng Nga có khả năng sẽ đề nghị OPEC+ cắt giảm sản lượng tới 1 triệu thùng/ngày.

Một nhà sản xuất hàng đầu khác trong OPEC+ là Saudi Arabia cũng từng khẳng định rằng tổ chức này có thể cắt giảm sản lượng trong tháng 10 giữa lúc giá dầu sụt giảm đáng kể trong thời gian qua.

Trước đó, OPEC+ hồi tháng 9 đã quyết định giảm sản lượng dầu 100.000 thùng/ngày vào tháng 10 nhằm hỗ trợ giá dầu đang giảm trong bối cảnh lo ngại về nguy cơ kinh tế thế giới suy thoái.

Theo ông Bjarne Schieldrop, nhà phân tích tại tổ chức nghiên cứu SEB, động thái này của OPEC+ đã thể hiện một thông điệp rõ ràng rằng tổ chức này sẽ không để giá dầu trượt dài và có thể thực hiện đợt cắt giảm tiếp nếu cần thiết.

Trước đó, hồi tháng 6, giá dầu đã vượt ngưỡng kháng cự tâm lý 120 USD/thùng lên tới 140 USD/thùng, trong bối cảnh nhu cầu tăng cao sau một thời gian dài sụt giảm vì Covid-19. Bên cạnh đó căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine kéo theo một loạt lệnh cấm vận từ phương Tây cũng tác động mạnh mẽ tới giá dầu.

Tuy nhiên, giá dầu đã quay đầu đi xuống trong 3 tháng qua do nguồn cung tăng lên. Bên cạnh đó, lo ngại việc tăng lãi suất và những hạn chế để ngăn chặn Covid-19 ở các thành phố lớn của Trung Quốc cũng có thể làm tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và giảm nhu cầu về dầu.

Xem thêm >> ‘Ông lớn’ năng lượng Nga: Châu Âu bị tước đoạt vô thời hạn nguồn khí đốt quan trọng

Theo Business Standard
Cùng chuyên mục
Tin khác