Tài chính quốc tế

OPEC khẳng định nguồn cung dầu mỏ của Nga là không thể thay thế

(VNF) - Tổng thư ký Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) Mohammed Barkindo cho rằng các nước khai thác dầu mỏ hiện không có đủ năng lực thể thay thế nguồn cung dầu của Nga.

OPEC khẳng định nguồn cung dầu mỏ của Nga là không thể thay thế

OPEC khẳng định nguồn cung dầu mỏ của Nga là không thể thay thế.

Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban kỹ thuật hỗn hợp chung của OPEC và các nước đồng minh (còn được gọi là OPEC+) hôm 4/5, ông Barkindo nhấn mạnh rằng: “Đương nhiên lượng dầu xuất khẩu hơn 7 triệu thùng/ngày của Nga không thể được thay thế bằng các nguồn khác. Đơn giản là không có khả năng".

Hãng tin Reuters dẫn nguồn thạo tin cho hay các bộ trưởng OPEC+ sẽ nhóm họp vào hôm nay (5/5) và dự kiến ​​sẽ đồng ý nâng mục tiêu sản lượng lên 432.000 thùng/ngày (bpd) cho tháng 6.

Reuters cũng trích dẫn một báo cáo nội bộ cho hay OPEC+ dự kiến ​​cung sẽ vượt cầu 1,9 triệu thùng/ngày vào năm 2022, cao hơn 600.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó.

OPEC hiện dự kiến ​​nhu cầu dầu thế giới năm 2022 sẽ tăng thêm 3,67 triệu thùng/ngày, giảm 480.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó.

Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch 4/5 sau khi Liên minh châu Âu (EU) công bố kế hoạch loại bỏ dần dầu nhập khẩu từ Nga.

Theo đó, khép lại phiên 4/5, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 5,17 USD (tương đương 4,9%) lên 110,14 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 5,4 USD (tương đương 5,3%) lên 107,81 USD/thùng.

Theo kế hoạch được Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đề xuất, EU sẽ ngưng nhập khẩu hoàn toàn dầu thô từ Nga trong vòng 6 tháng và ngưng nhập các sản phẩm hóa dầu vào cuối năm 2022.

Hãng tin Reuters cho biết 4 nước hiện đang phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn cung dầu từ Nga là Hungary, Slovakia, Bulgaria và Czech nhiều khả năng sẽ được miễn trừ khỏi lệnh cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga.

Theo báo cáo, các lô hàng của Nga đáp ứng khoảng 58% nhu cầu dầu hàng năm của Hungary, với Slovakia là 96%,

Được biết Czech và Slovakia muốn có giai đoạn chuyển tiếp kéo dài từ 2-3 năm để có thể tìm kiếm các nguồn cung thay thế cho nguồn dầu thô từ Nga.

Để có hiệu lực, kế hoạch cấm vận dầu Nga cần nhận được sự nhất trí của toàn bộ các nước thành viên. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng khả năng thông qua các biện pháp này sẽ gặp nhiều khó khăn bởi khối này vốn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung năng lượng từ Nga, bao gồm dầu mỏ. Do đó, việc đưa ra lệnh cấm vận đối với dầu Nga vào thời điểm này sẽ gây ra những thiệt hại kinh tế rất lớn cho EU.

Xem thêm >> Đồng ruble lại bứt phá ngoạn mục trước nguy cơ Nga lĩnh gói trừng phạt mới

Tin mới lên