OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng để nâng giá dầu
Thanh Tú -
06/09/2022 12:02 (GMT+7)
(VNF) - Đúng như cảnh báo trước đó của Hoàng tử Abdulaziz bin Salman kiêm Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) mới đây tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng dầu 100.000 thùng/ngày vào tháng 10 tới.
Quyết định trên được đưa ra trong cuộc họp ngày 5/9. Đây là lần đầu tiên OPEC+ cắt giảm sản lượng trong năm nay, sau khi quyết định tăng sản lượng 100.000 thùng/ngày vào tháng 9 sau chuyến công du Saudi Arabia của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Quyết định giảm sản lượng của OPEC+ được đưa ra nhằm hỗ trợ giá dầu đang giảm trong bối cảnh lo ngại về nguy cơ kinh tế thế giới suy thoái.
Các nước OPEC+ cũng nhất trí có thể nhóm họp bất cứ thời điểm nào để điều chỉnh sản lượng cho phù hợp với tình hình thực tế, trước thời điểm họp định kỳ vào ngày 5/10.
Theo ông Bjarne Schieldrop, nhà phân tích tại tổ chức nghiên cứu SEB, động thái này của OPEC+ đã thể hiện một thông điệp rõ ràng rằng tổ chức này sẽ không để giá dầu trượt dài và có thể thực hiện đợt cắt giảm tiếp nếu cần thiết.
Bình luận về động thái của OPEC+, Phó Thủ tướng Nga Alexandr Novak cho rằng quyết định giảm sản lượng khai thác dầu trong tháng 10 ở mức 100.000 thùng/ngày là gắn với tình hình hiện tại trên thị trường sau khi nghe báo cáo của Uỷ ban kỹ thuật thuộc OPEC+.
Quyết định của OPEC+ đã lập tức tác động lên giá dầu. Các hợp đồng dầu Brent giao tháng 11 chốt phiên 5/9 tăng 2,72 USD lên 95,74 USD/thùng, tương ứng tăng 2,92%. Dầu WTI của Mỹ cũng tăng 2,28 USD, tương đương tăng 2,62%, lên mức 89,15 USD/thùng.
Trước đó, hồi tháng 6, giá dầu đã vượt ngưỡng kháng cự tâm lý 120 USD/thùng lên tới 140 USD/thùng, trong bối cảnh nhu cầu tăng cao sau một thời gian dài sụt giảm vì Covid-19. Bên cạnh đó căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine kéo theo một loạt lệnh cấm vận từ phương Tây cũng tác động mạnh mẽ tới giá dầu.
Tuy nhiên, giá dầu đã quay đầu đi xuống trong 3 tháng qua do nguồn cung tăng lên. Bên cạnh đó, lo ngại việc tăng lãi suất và những hạn chế để ngăn chặn Covid-19 ở các thành phố lớn của Trung Quốc cũng có thể làm tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và giảm nhu cầu về dầu.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone