Bị G7 áp giá trần với dầu, Nga kiên quyết không bán
Minh Ý -
03/09/2022 08:02 (GMT+7)
(VNF) - Nhóm 7 bộ trưởng tài chính đã đồng ý áp đặt trần giá đối với dầu của Nga nhằm cắt giảm doanh thu cho mặt hàng xuất khẩu lớn của Moscow, giữ cho dầu lưu thông để tránh tăng giá. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã tuyên bố sẽ ngừng bán dầu cho các quốc gia áp đặt lệnh này.
Ngày 2/9, thông qua một cuộc họp trực tuyến, bộ trưởng Tài chính các quốc gia G7 đã xác nhận việc sẽ áp đặt giá trần với mặt hàng dầu xuất khẩu của Nga. Tuy nhiên, các chi tiết chính, bao gồm mức giá trần cho mỗi thùng sẽ được xác định sau "dựa trên một loạt các yếu tố đầu vào kỹ thuật" sẽ được liên minh các nước thực hiện.
"Hôm nay, chúng tôi xác nhận ý định chính trị chung của chúng tôi là hoàn tất và thực hiện một lệnh cấm toàn diện đối với các dịch vụ cho phép vận chuyển hàng hải dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ có xuất xứ từ Nga trên toàn cầu", các bộ trưởng nói.
Việc cung cấp các dịch vụ vận tải hàng hải do phương Tây thống trị, bao gồm bảo hiểm và tài chính, sẽ chỉ được phép nếu hàng hóa dầu của Nga được mua bằng hoặc thấp hơn mức giá "được xác định bởi liên minh rộng rãi các nước tuân thủ và thực hiện giới hạn giá", trích lời các bộ trưởng tại cuộc họp ngày 2/9.
Việc thực thi giới hạn giá sẽ chủ yếu dựa vào việc từ chối bảo hiểm vận chuyển do London làm trung gian, bảo hiểm cho khoảng 95% đội tàu chở dầu trên thế giới và tài trợ cho hàng hóa có giá cao hơn giới hạn.
Trước lo ngại về việc sẽ có những trường hợp “lách luật”, các bộ trưởng G7 cho biết họ sẽ tìm cách hạn chế hành vi gian lận thông qua "mô hình lưu giữ hồ sơ và chứng thực bao gồm tất cả các loại hợp đồng có liên quan" nhằm mục đích thực thi nhất quán giữa các khu vực tài phán.
Oleg Ustenko, cố vấn kinh tế cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, hoan nghênh sự phát triển này và cho biết ông dự kiến phạm vi giá trần với dầu Nga sẽ từ 40 - 60 USD.
"Điều này thật tuyệt vời. Đó chính xác là những gì chúng tôi cần để giảm doanh thu mà Nga đang thu", ông Oleg nói với Reuters.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, cho biết cũng nên áp đặt giới hạn đối với xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga.
Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ cho biết liên minh sẽ đặt ra 1 giới hạn giá với dầu thô của Nga và 2 giới hạn khác đối với các sản phẩm dầu mỏ, chứ không phải chiết khấu theo giá thị trường toàn cầu. Giới hạn sẽ được xem xét lại khi cần thiết.
Các bộ trưởng G7 cho biết sẽ làm việc để hoàn thiện các chi tiết trước khi ra mắt vào ngày 5/12, khi các lệnh trừng phạt cấm nhập khẩu dầu Nga của Liên minh châu Âu bắt đầu có hiệu lực.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner, chủ tịch tài chính G7 hiện nay, cho biết giới hạn giá dầu xuất khẩu của Nga được tạo ra để giảm doanh thu của Tổng thống Vladimir Putin.
"Đồng thời, chúng tôi muốn kiềm chế giá năng lượng toàn cầu tăng. Điều này sẽ giảm thiểu lạm phát trên toàn cầu", ông nói.
Trước quyết định mới từ phía G7, Điện Kremlin đáp trả bằng cách tuyên bố sẽ ngừng bán dầu cho các quốc gia thực hiện giới hạn giá, vì cho rằng điều này sẽ gây bất ổn cho thị trường dầu toàn cầu.
“Các công ty áp đặt giới hạn giá sẽ không nằm trong số những nước nhận dầu của Nga. Chúng tôi chỉ đơn giản là sẽ không hợp tác với họ theo các nguyên tắc phi thị trường", phát ngôn viên Dmitry Peskov nói với các phóng viên.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết Nga vẫn sẽ có động lực kinh tế để bán dầu ở mức bằng hoặc gần mức giới hạn, vì nếu không nước này sẽ phải ngừng sản xuất và rất khó để khởi động lại. Bà nói thêm, Trung Quốc và Ấn Độ cũng sẽ tìm cách mua dầu với giá giới hạn.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói với những người đồng cấp G7 rằng cần phải tính toán chi tiết và thuyết phục một số lượng lớn các nhà nhập khẩu quan trọng tham gia kế hoạch và duy trì sự thống nhất của châu Âu về chủ đề này.
Thông báo của G7 không ảnh hưởng nhiều đến giá dầu thô chuẩn, vốn đã tăng trong dự đoán cuộc thảo luận của OPEC + về việc cắt giảm sản lượng vào đầu tuần trong bối cảnh nhu cầu yếu hơn. Dầu thô Brent giao sau tăng 66 cent lên 93,02 USD/thùng vào ngày 2/9, sau khi tin tức về giá trần với dầu Nga được đưa ra.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, bất chấp khối lượng xuất khẩu dầu của Nga giảm trong tháng 6, doanh thu xuất khẩu của nước này đã tăng 700 triệu USD so với tháng 5 do giá dầu bị đẩy lên cao hơn do cuộc chiến ở Ukraine.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone