Petrolimex muốn lập chuỗi cửa hàng tiện lợi, mở dịch vụ sửa chữa ô tô tại cây xăng

Phương Dung - 26/04/2019 18:50 (GMT+7)

Cùng với việc xây dựng hoạch định lại chiến lược và quy hoạch lại các cửa hàng, Petrolimex cho hay, tập đoàn đang cùng với đối tác nghiên cứu phương pháp triển khai hợp lý kết hợp các dịch vụ tại cây xăng.

VNF
Petrolimex muốn lập chuỗi cửa hàng tiện lợi, mở dịch vụ sửa chữa ô tô tại cây xăng.

Báo cáo tại Đại hội cổ đông diễn ra sáng nay (26/4), Ban lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – CTCP (Petrolimex - HoSE: PLX) cho biết, diễn biến giá xăng dầu thế giới năm 2018 hết sức “dị biệt”, nếu 9 tháng đầu năm giá dầu diễn biến theo xu hướng tăng (tăng 26-38% so với 2017) thì từ giữa tháng 10 đã giảm nhanh và sâu (giảm 42% so với mức cao nhất).

Theo Ban lãnh đạo Petrolimex, điều này ảnh hưởng rất lớn đến kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn trong quý IV cũng như cả năm 2018. Dù vậy, năm 2018 Petrolimex vẫn đạt doanh thu thuần gần 192.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 5.000 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch và bằng 105% so với cùng kỳ. Tập đoàn đủ nguồn lực để chi trả cổ tức cho cổ đông cao hơn so với số kế hoạch 12%.

Dự báo việc triển khai kế hoạch năm 2019, Petrolimex thừa nhận sẽ có nhiều khó khăn. Cụ thể, mức độ cạnh tranh trên thị trường tăng dần hàng năm trong khi tình trạng vi phạm thương hiệu, gian lận thương mại diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi khó kiểm soát và chưa được đẩy lùi.... Số lượng thương nhân phân phối tăng nhanh gây ra sự cạnh tranh về giá ngày càng khốc liệt, ảnh hưởng lớn đến hệ thống trung gian, đặc biệt đối với kênh bán lẻ.

Theo Petrolimex, các thương nhân phân phối có nhiều điều kiện để thu hút, lôi kéo hệ thống phân phối, tạo điều kiện cho cửa hàng xăng dầu áp dụng nhiều hình thức khuyến mại, giảm giá trực tiếp... cho khách hàng, nguy cơ ảnh hưởng trọng yếu đến tốc độ gia tăng sản lượng bán lẻ của Tập đoàn.

Cùng với đó nhiều yếu tố bất lợi tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn như: giá dầu thế giới diễn biến khó lường; Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vừa đưa vào hoạt động thương mại với 100% công suất đã bị sự cố, tác động nghiêm trọng đến kế hoạch tạo nguồn của Tập đoàn trong quý I/2019.

Với dự báo tình hình nêu trên, năm 2019 tập đoàn này đặt mục tiêu xuất bán gần 12,3 triệu m3, tấn xăng dầu, chỉ bằng 95% so với năm 2018. Doanh thu hợp nhất 195.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5.250 tỷ đồng. Chia cổ tức tối thiểu 12%.

Trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Phạm Đức Thắng – Tổng giám đốc Petrolimex cho biết, Tập đoàn đang nghiên cứu thành lập chuỗi cửa hàng tiện lợi với số lượng mặt hàng có thể lên tới 2.500 sản phẩm. Tuy nhiên, kế hoạch này đòi hỏi việc đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng. Thực tế, hiện nay các cửa hàng tại các cây xăng mới chỉ bán các sản phẩm trong ngành như bảo hiểm, dầu nhớt...

Về kế hoạch thoái vốn tại PIJICO, ông Phạm Văn Thanh – Chủ tịch Petrolimex cho hay, hiện Tập đoàn đã báo cáo Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước, xin ý kiến các bộ ngành liên quan để trình Chính phủ kế hoạch thoái vốn tại PIJICO. Tỷ lệ sở hữu của Petrolimex tại PIJICO hiện tại là 49%, sau khi thoái vốn, Tập đoàn mong muốn giữ lại 35,1% tại doanh nghiệp này.

Còn tại PGBank, theo ông Thanh, hồ sơ sáp nhập vào HDBank đã trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào năm 2018 đã được đồng ý về nguyên tắc. Tuy nhiên, do một số lý do khách quan khác nhau nên hiện vẫn đang chờ quyết định cuối cùng từ NHNN về sáp nhập.

Chia sẻ về kế hoạch đầu tư trong thời gian tới, Tổng giám đốc Petrolimex - Phạm Đức Thắng cho biết, Tập đoàn đang có 6 dự án lớn trong đó có đầu tư dự án khí tự nhiên LNG phối hợp với EVN để phát triển năng lượng sạch, cung cấp nhiên liệu thay thế than, diesel... Quy mô dự án khoảng 700 triệu USD, thời gian tiến hành 5 năm (2021 – 2025), nếu được thông qua triển khai và là hướng đi mới của PLX phát triển năng lượng sạch.

Đồng thời, Tập đoàn đang xây dựng hoạch định lại chiến lược và quy hoạch lại các cửa hàng, đặc biệt tại các thành phố lớn trên các đường cao tốc, nghiên cứu dự án nâng cao giá trị gia tăng cho các cửa hàng. Đây là kế hoạch dài hạn và mỗi năm tập đoàn đều dành kinh phí khoảng 1.200 - 1.500 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư.

“Năm 2018, Petrolimex phát triển hơn 100 cửa hàng và đưa vào hoạt động 70 cửa hàng để thúc đẩy kênh bán lẻ. Nếu không phát triển cửa hàng thì hoạt động kinh doanh của công ty sẽ bị chững lãi”, ông Thắng nói.

Ông Thắng cũng cho biết, tập đoàn đang cùng với JX Nippon Oil nghiên cứu phương pháp triển khai hợp lý kết hợp các dịch vụ tại cây xăng. Tại Nhật, JX đang kết hợp dịch vụ sửa chữa ôtô và đăng kiểm. Phương án thực hiện vẫn đang được nghiên cứu triển hết sức thận trọng và có bước đi chắc chắn chắn.

Bên cạnh đó, Petrolimex cũng đang triển khai là áp dụng tự động hóa và hiện đại hóa tại các kho xăng dầu toàn quốc; đầu tư các kho cảng mới phục vụ nhiên liệu hàng không. Ngoài ra, ông Thắng cũng đề cấp đến kế hoạch đầu tư xây dựng tòa nhà của doanh nghiệp và nghiên cứu phát triển lĩnh vực lọc hóa dầu.

“Hiện nay, Việt Nam đã có 2 nhà máy lọc dầu đáp ứng 80% nhu cầu. Nhưng trong tương lai nhu cầu xăng dầu sẽ gia tăng, hoạt động nghiên cứu để phát triển lọc hóa dầu sẽ là chủ đề được quan tâm. Cổ đông chiến lược JX của tập đoàn có kinh nghiệm phát triển lĩnh vực này với 11 nhà máy lọc dầu tại Nhật Bản, công ty sẽ hợp tác để nghiên cứu”, ông nói.

Theo Dân trí
Cùng chuyên mục
Tin khác