Thị trường

Petrovietnam lãi hơn 13.600 tỷ trong quý I/2023, vượt 67% kế hoạch

(VNF) - Trong quý I/2023, với quyết tâm, nỗ lực cao để kiểm soát, giảm thiểu thiệt hại từ những tác động tiêu cực của kinh tế vĩ mô, biến động của thị trường, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) duy trì nhịp độ sản xuất kinh doanh (SXKD) ổn định, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được giao, nộp ngân sách nhà nước (NSNN) hơn 29.800 tỷ đồng.

Thông tin này được Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh trong cuộc họp giao ban điều hành SXKD thường kỳ tháng 4/2023 với lãnh đạo các đơn vị thành viên tập đoàn.

Cuộc họp tập trung đánh giá tổng quan kinh tế vĩ mô, thị trường, kết quả thực hiện các chỉ tiêu SXKD tháng 3, ước thực hiện quý I/2023 và kế hoạch các tháng tiếp theo; qua đó thảo luận các phương án, giải pháp quản trị, điều hành để hoàn thành các mục tiêu của tháng 4 và quý II/2023.

Các điểm cầu trực tuyến

Trong tháng 3 và quý I/2023, tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường có nhiều biến động, tác động tiêu cực đến nền kinh tế cũng như ngành dầu khí. Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, lạm phát đã qua đỉnh nhưng phục hồi sản xuất trên toàn cầu chậm và không đồng đều.

Trên bình diện chung, kinh tế thế giới vẫn hết sức khó khăn, chỉ số PMI toàn cầu ở mức dưới 50 điểm. Đặc biệt, trong tháng qua, biến động của hàng loạt các ngân hàng, cụ thể là các ngân hàng ở Mỹ, Thụy Sĩ gây ảnh hưởng chung đến thị trường tài chính toàn cầu, rủi ro tăng lên đã kéo giá dầu tháng 3 và quý I/2023 giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022; giá khí, các sản phẩm xăng dầu, phân bón… đều sụt giảm mạnh.

Ở trong nước, tổng sản phẩm (GDP) quý I/2023 ước tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn mức tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011 – 2023. Những khó khăn của tình hình thế giới đã khiến hàng loạt chỉ số như xuất khẩu giảm 11,9%; nhập khẩu giảm 14,7%, sản xuất công nghiệp (IIP) suy giảm, tăng trưởng tín dụng khó khăn, nhiều địa phương tăng trưởng âm, nhu cầu các sản phẩm thiết yếu cho sản xuất, thép, than đá… cũng sụt giảm.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh kiểm tra hoạt động trên giàn công nghệ trung tâm số 2, mỏ Bạch Hổ

Trong bối cảnh đó, với việc tiếp tục bám sát tình hình vĩ mô, thị trường, điều hành SXKD hợp lý, kịp thời, nỗ lực quản trị rủi ro, kiểm soát, giảm thiểu thiệt hại từ các tác động tiêu cực, biến động giá, sản lượng, nhu cầu thị trường… và nỗ lực tận dụng tốt các cơ hội, dư địa để tăng trưởng, Petrovietnam tiếp tục giữ vững nhịp độ SXKD ổn định, duy trì sản lượng sản xuất ở mức cao. Nhiều chỉ tiêu sản xuất vượt kế hoạch và tăng trưởng so với cùng kỳ.

Cụ thể trong quý I/2023, sản lượng khai thác dầu đạt 2,60 triệu tấn, vượt 12,6% kế hoạch quý; bằng 28% kế hoạch năm, sản lượng khai thác khí đạt 1,97 tỷ m3, vượt 17,6% kế hoạch quý, bằng 33% kế hoạch năm; sản xuất điện đạt 5,65 tỷ kWh, vượt 6,3% kế hoạch quý, bằng 23,5% kế hoạch năm, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm 2022; sản xuất đạm đạt 461 nghìn tấn, vượt 12% kế hoạch quý, bằng 29% kế hoạch năm; sản xuất xăng dầu (không bao gồm sản phẩm NSRP) đạt 1,74 triệu tấn, vượt 11,3 % kế hoạch quý, bằng 31,5% kế hoạch năm, tăng 7,0% so với cùng kỳ năm 2022.

Người lao động PVFCCo thực hiện bảo dưỡng tổng thể nhà máy Đạm Phú Mỹ

Với nỗ lực sản xuất tối đa, tối ưu và nâng cao hiệu quả SXKD, Petrovietnam đạt được các chỉ tiêu tài chính khả quan. Quý I/2023, tổng doanh thu toàn tập đoàn ước đạt 193.700 tỷ đồng, vượt 17% kế hoạch quý và đạt 29% kế hoạch năm; nộp NSNN đạt 29.800 tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch quý và đạt 38% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế ước đạt 13.600 tỷ đồng, vượt 67% kế hoạch quý, bằng 39% kế hoạch năm.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng tham dự và chỉ đạo tại điểm cầu Hà Nội

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng nhận định, tình hình kinh tế quý I và dự báo cả năm 2023 sẽ không thuận lợi như năm 2022.

Chủ tịch HĐTV tập đoàn cũng chỉ đạo một số nhiệm vụ cụ thể như tiếp tục triển khai các giải pháp để duy trì sản lượng khai thác dầu khí, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế đất nước trong bối cảnh khó khăn; tận dụng thời điểm thị trường điện mùa khô, từ nay đến tháng 6/2023 các nhà máy điện duy trì trong tập đoàn tính khả dụng cao, sẵn sàng cung ứng; nỗ lực đảm bảo các mốc tiến độ quan trọng tiếp theo của nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2; cập nhật đề án tái cấu trúc DQS, xác định vai trò của của DQS trong chiến lược phát triển kinh tế biển, kịp thời báo cáo các cơ quan chức năng, Bộ ngành, Chính phủ. 

Phó thủ tướng Lê Minh Khái thăm và làm việc tại DQS

Kết luận cuộc họp, Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị với những giải pháp kịp thời đã duy trì ổn định SXKD, đạt được nhiều chỉ tiêu tăng trưởng, khối lượng các công việc được giải quyết trong quý tăng hơn nhiều hơn so với trung bình cả năm 2022.

Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo

Tổng giám đốc tập đoàn đồng thời chỉ đạo tăng cường sự phối hợp, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ lẫn nhau trong toàn tập đoàn; phát huy và củng cố hệ sinh thái Petrovietnam và xây dựng hệ sinh thái mở với các địa phương.

Trong tháng 4, cũng như trong thời gian tới, Tổng giám đốc tập đoàn đề nghị tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm phối hợp với các cơ quan chức năng. Trong hoạt động SXKD, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chỉ đạo các đơn vị tăng cường cập nhật biến động thị trường, chính sách tài khóa, tiền tệ làm cơ sở điều hành trong các lĩnh vực; nâng cao công suất, hiệu suất, tối ưu vận hành của các nhà máy; giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại; tích cực đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ khoa học dài hạn… đảm bảo tối ưu nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động của từng khối, lĩnh vực, trong hệ sinh thái Petrovietnam. 

Tin mới lên