Tiêu điểm

Phát triển bền vững: ‘Nhóm dân số yếu thế có nguy cơ bị gạt ra ngoài’

(VNF) - GS-TS Giang Thanh Long thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng trong các xu hướng lớn trên toàn cầu và ở Việt Nam (gồm có xanh hóa; số hóa; đô thị hóa; trung lưu hóa và già hóa dân số), luôn có những nhóm dân số yếu thế, có nguy cơ bị gạt ra ngoài lề và phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Thách thức ban hành chính sách hướng tới tăng trưởng xanh

Tại “Diễn đàn quốc gia về phát triển bền vững Việt Nam 2023” ngày 30/11, các chuyên gia cho rằng trong tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam đã xác định mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế; giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

Điều này đã được Chính phủ cụ thể hóa trong Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Đó cũng là quyết tâm của Việt Nam trong nỗ lực thực hiện cam kết tại COP26, đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu phát triển không chỉ dừng lại ở phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại mà còn phải đảm bảo không gây tổn hại đến nhu cầu của các thế hệ tương lai.

Về vấn đề này, PGS-TS Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, cho rằng phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và mục tiêu hàng đầu mà các quốc gia hướng tới. Trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu phát triển không chỉ dừng lại ở phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại mà còn phải đảm bảo không gây tổn hại đến nhu cầu của các thế hệ tương lai.

Trên cơ sở đó, ông Nguyên nhấn mạnh mục tiêu về phát triển bền vững đã được Liên Hợp Quốc xây dựng nhằm kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa vấn đề tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho hay ở điều kiện này của Việt Nam, việc ban hành và thực thi các chính sách hướng tới mục tiêu chuyển đổi xanh, bao trùm là một thách thức lớn trong ngắn hạn, do phải lựa chọn đánh đổi giữa chi phí (khả năng giảm đầu tư, thu nhập, tiêu dùng) và lợi ích (khả năng cải thiện môi trường, kinh tế và xã hội).

Nhóm dân số yếu thế có nguy cơ bị gạt ra ngoài

Ở góc nhìn của mình, GS-TS Giang Thanh Long, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng trong các xu hướng lớn trên toàn cầu và ở Việt Nam (gồm có xanh hóa; số hóa; đô thị hóa; trung lưu hóa và già hóa dân số), luôn có những nhóm dân số yếu thế, có nguy cơ bị gạt ra ngoài lề và phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Do đó, dù nền kinh tế có đi theo hướng nào, thì việc đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là an sinh thu nhập, phải là trụ cột quan trọng trong tăng trưởng và phát triển bao trùm.

PGS.TS Giang Thanh Long.

Ông Long cho biết Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã đưa ra những định hướng quan trọng cho lĩnh vực này.

“Việt Nam là một trong những nước có tốc độ dân số già hóa nhanh nếu xét theo vị thế của một nước có thu nhập trung bình. Nguy cơ “già trước khi giàu” là hiện hữu nếu như thu nhập không được cải thiện nhanh chóng”, ông Long nêu.

Theo vị chuyên gia, dù tăng trưởng và phát triển theo xu hướng lớn trên toàn cầu nào đi nữa, thì an sinh xã hội vẫn luôn là trụ cột quan trọng, hướng tới bảo vệ những nhóm dân số dễ tổn thương nhất, dễ bị gạt ra ngoài lề nhất trong các xu hướng đó.

“Cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội nói riêng và an sinh xã hội nói chung là một trong những yêu cầu cải cách quan trọng, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bao trùm ở Việt Nam trong những thập kỷ tới đây. Với hệ thống này, mục tiêu “không bỏ lại ai ở phía sau” phải là giải quyết được các vấn đề với các “nhóm ở giữa mất tích”, ông Long nhấn mạnh.

Tin mới lên