Phát triển nhà ở xã hội: Doanh nghiệp phía Nam đề nghị gỡ 'nút thắt'

Khánh Nam - 01/08/2022 19:42 (GMT+7)

(VNF) - Tại “Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp” diễn ra sáng 1/8, nhiều doanh nghiệp phía Nam đã nêu rõ những “nút thắt” cần tháo gỡ để phát triển các dự án nhà ở xã hội.

VNF
Nhiều doanh nghiệp phía Nam đang rất mong muốn tham gia đầu tư dự án nhà ở xã hội

Chính sách kém hấp dẫn, thủ tục phức tạp

Đại diện Tập đoàn Novaland chia sẻ, ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chấp thuận đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất, ký quỹ như nhà ở thương mại, các dự án nhà ở xã hội phải thực hiện thêm các thủ tục phức tạp như thẩm định giá bán nhà ở xã hội, xác nhận đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội, kiểm toán chi phí để xác định lợi nhuận định mức.

Một khó khăn nữa là chưa có quy định cụ thể hướng dẫn về việc hoàn trả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho chủ đầu tư....

Còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ cho nhà ở xã hội

Mặt khác, theo quy định, các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% số căn hộ của dự án để cho thuê, sau 5 năm mới được bán, làm chậm thu hồi vốn. Bên cạnh đó, chưa cho phép chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại có quyền lựa chọn việc dành 20% quỹ đất trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội hoặc chuyển đổi quỹ đất 20% dành cho phát triển nhà ở xã hội sang một khu vực khác thuộc sở hữu hợp pháp của chủ đầu tư để phát triển một dự án nhà ở xã hội độc lập. Việc dành quỹ đất tương đương này đảm bảo được tính đồng bộ về không gian cảnh quan, khắc phục những bất cập cho cả chủ đầu tư và người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội.

Bàn về thực trạng này, lãnh đạo Bộ Xây dựng thừa nhận các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn, không thực chất, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư. Quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục.

Cụ thể, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua bán nhà ở xã hội còn kéo dài, thậm chí phức tạp hơn các dự án nhà ở thương mại, chẳng hạn như dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất để miễn. Hơn nữa, theo quy định của pháp luật về nhà ở thì chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất trong phạm vi dự án (bao gồm cả phần kinh doanh nhà ở thương mại). Tuy nhiên, theo pháp luật về đất đai thì chủ đầu tư khi bán nhà cho khách hàng phải nộp lại số tiền sử dụng đất được miễn.

Việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở xã hội đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng kéo dài thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp.

Về nhu cầu vốn, đến ngày 5/7/2022, có 41/63 địa phương báo cáo số lượng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang triển khai là 240 dự án, dự kiến nhu cầu vay vốn là 34.552 tỷ đồng.

Ngân sách Trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Mới bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016-2020 đạt thấp, khoảng 3.163/9.000 tỷ đồng (chỉ đáp ứng khoảng 35% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội). Nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP đến nay vẫn chưa được bố trí.

Gỡ “nút thắt” cho doanh nghiệp

Đại diện tập đoàn Novaland cho biết, hiện tập đoàn đã có một số quỹ đất tại TP. HCM và các tỉnh Đồng Nai, Long An, Cần Thơ, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đà Nẵng… phù hợp đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội. Nhưng, để đảm bảo mục tiêu xây dựng được 200.000 căn nhà ở xã hội, Novaland đề nghị cơ quan quản lý địa phương sớm xác định quỹ đất do nhà nước quản lý để giao hoặc mời gọi đầu tư thực hiện dự án.

Chủ tịch Tập đoàn Bitexco Vũ Quang Hội cho rằng quan trọng nhất là Chính phủ phải có một nhóm xuống làm việc cùng với các doanh nghiệp để nghiên cứu những gì còn đang vướng, đang khó để tháo gỡ. “Chúng ta khuyến khích nhưng cũng phải để doanh nghiệp thực thi một cách dễ dàng, không để doanh nghiệp phải có quá nhiều đầu mối, đi gặp quá nhiều các cơ quan. Chính phủ nên nghiên cứu để đưa vào 1 đầu mối, chỉ 1 cơ quan đưa ra quyết định. Đã nằm ở trong khuôn đó rồi thì bất kỳ ai tham gia thực hiện cũng đều được hưởng chính sách đó”, ông Hội nói .

Mới đây, tại một hội thảo ở TP. HCM, một số doanh nghiệp phía Nam cũng đã đề xuất Chính phủ cần mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội đối với tổ chức mua nhà ở xã hội để cho cá nhân, người lao động có thu nhập thấp thuê mua hoặc thuê dài hạn hoặc bán cho người lao động của chính doanh nghiệp đó mà có nhu cầu với giá ưu đãi.

Về cơ chế đấu thầu, đề nghị cho phép chủ doanh nghiệp có đất hoặc thu mua đất làm nhà ở xã hội xin được cơ chế chỉ định thầu, chứ không đấu thầu, còn các chỉ tiêu do cơ quan nhà nước phê duyệt. Đề nghị rút ngắn thủ tục phê duyệt dự án nhà ở xã hội (hiện mất tối thiểu khoảng 600 ngày) xuống từ 90 đến 120 ngày để các địa phương công bố các đề án, dự án nhà ở xã hội, các doanh nghiệp tham gia nộp hồ sơ.

Cùng chuyên mục
Tin khác