Thị trường

'Phát triển thương mại điện tử và kinh tế số thúc đẩy tăng trưởng kinh tế'

(VNF) - Cùng với xu hướng CMCN 4.0, kinh tế số là yếu tố quan trọng tác động ảnh hưởng lớn đến đời sống, xã hội và cơ cấu của nền kinh tế. Thương mại điện tử (TMĐT) là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc CMCN 4.0 được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.

'Phát triển thương mại điện tử và kinh tế số thúc đẩy tăng trưởng kinh tế'

Giải pháp nâng cao hiệu quả Dịch vụ công trực tuyến

Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã quyết liệt triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như góp phần hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp thông qua chương trình cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) tại Bộ Công Thương.

Trên thực tế, sau khi các điều kiện kinh doanh được cắt giảm, thủ tục hành chính (TTHC) được đơn giản hoá đã tạo được môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng cho tất cả các thành phần kinh tế tại Việt Nam. Bộ Công Thương đã đẩy mạnh thực hiện việc áp dụng CPĐT vào quản lý điều hành, thực hiện nhiệm vụ để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, Bộ Công Thương đã chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm đẩy mạnh áp dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tại Bộ và đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận.

Đến thời điểm này, tất cả 302 thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai áp dụng DVCTT mức độ 2 trở lên; Hiện nay, Cổng Dịch vụ công (Cổng DVC) Bộ Công Thương đang cung cấp 234 DVCTT mức độ 3, 4 tại địa chỉ https://dichvucong.moit.gov.vn (05 DVCTT mức độ 3, 229 DVCTT mức độ 4) với gần 44.000 doanh nghiệp tham gia khai báo. Tổng số hồ sơ dịch vụ công trực tuyến năm 2022 là hơn 1.7 triệu hồ sơ, tương ứng hơn 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ.

Bộ Công Thương hiện đã kết nối 16 nhóm DVCTT với Cơ chế một cửa quốc gia (VNSW). Tổng số hồ sơ thực hiện trên VNSW trong năm 2022 là 265 nghìn hồ sơ. Riêng đối với thủ tục Cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), kết nối thành công với Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và đã trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước bao gồm: Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Brunei, Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines.

Trong năm 2022, tổng số hồ sơ điện tử đã trao đổi với các nước là 233 nghìn hồ sơ. Đây là chứng từ điện tử đầu tiên của Việt Nam được gửi ra nước ngoài, tạo tiền đề, đòn bẩy để Việt Nam tiếp tục trao đổi, xử lý trực tuyến các chứng từ thương mại khác dưới dạng điện tử khác với các nước, khối - cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đến tháng 12 năm 2019, Bộ Công Thương đã đưa tổng cộng 131 DVCTT mức độ 3, 4 của Bộ Công Thương lên Cổng DVCQG. Trong năm 2022, Cổng DVC Bộ Công Thương đã trao đổi hơn 01 triệu bộ hồ sơ điện tử với Cổng DVCQG. Với kết quả đạt được, Bộ Công Thương đã được Văn phòng Chính phủ ghi nhận là một trong những đơn vị đi đầu trong cả nước đối với việc kết nối Cổng DVCQG (cả về số lượng DVCTT và số lượng hồ sơ điện tử).

Trong thời gian tới, nhằm nâng cao kỹ năng chuyển đổi số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp, Bộ Công Thương cũng đưa ra lộ trình thực hiện với từng nhiệm vụ cụ thể, gồm hoàn thiện môi trường pháp lý, phát triển hạ tầng kỹ thuật, phát triển các hệ thống nền tảng, phát triển dữ liệu, phát triển các ứng dụng dịch vụ, bảo đảm an toàn thông tin và phát triển nguồn nhân lực. Đi kèm với từng nhiệm vụ là những giải pháp cụ thể trong đó có việc nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp; ứng dụng các nền tảng đào tạo kỹ năng số cho người dân; phát triển mô hình kết hợp giữa các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế...

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng giao từng nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc Bộ để triển khai có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025. Trong đó, đối với lĩnh vực năng lượng, Bộ yêu cầu phải xây dựng kế hoạch chuyển đổi số ưu tiên tập trung cho ngành điện lực hướng đến tối đa hóa và tự động hóa các mạng lưới cho việc cung ứng điện một cách hiệu quả; kết nối các đồng hồ đo điện số để cải thiện tốc độ và sự chính xác của hóa đơn, xác định sự cố về mạng lưới nhanh hơn, góp phần hỗ trợ người dùng cách tiết kiệm năng lượng và phát hiện ra các tổn thất, mất mát điện năng.

Đối với lĩnh vực công nghiệp, yêu cầu đặt ra là cần xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp theo hướng chú trọng phát triển các trụ cột, xây dựng chiến lược, cơ cấu tổ chức thông minh, nhà máy thông minh, vận hành thông minh để tạo ra các sản phẩm thông minh...

Xây dựng và phát triển hạ tầng thanh toán đảm bảo hỗ trợ dịch vụ hành chính công

Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2014 phê duyệt Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014-2020 trong đó việc “Xây dựng hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Ngày 08 tháng 8 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 1563/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 trong đó chú trọng “Xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia, hạ tầng thanh toán đảm bảo hỗ trợ dịch vụ hành chính công”.

Căn cứ vào các quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ, ngay từ năm 2014, Bộ Công Thương giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Cục TMĐT) nhiệm vụ triển khai, phối hợp với Công ty Chuyển mạch tài chính quốc gia Việt Nam (NAPAS) triển khai Nền tảng hỗ trợ thanh toán trực tuyến KeyPay (KeyPay)

Nền tảng hỗ trợ thanh toán trực tuyến KeyPay (KeyPay) được triển khai với nhiệm vụ trọng tâm: “Xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia, hạ tầng thanh toán đảm bảo hỗ trợ dịch vụ hành chính công”. KeyPay đã và đang giúp các đơn vị, bộ ngành giải quyết các khó khăn và rào cản trong ứng dụng triển khai thanh toán trực tuyến trong dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 4 như: quy trình thu phí dịch vụ công phải tuân thủ quy định của Bộ Tài chính; đồng bộ các giải pháp, quy chuẩn khi thanh toán trực tuyến dịch vụ hành chính công; chia sẻ các kinh nghiệm triển khai các dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 4; tổ chức đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm về thanh toán trực tuyến.

KeyPay được xây dựng đảm bảo trên các tiêu chuẩn về an toàn, bảo mật, xây dựng các bộ quy trình giúp các đơn vị triển khai nhanh chóng, bố trí đảm bảo hệ thống hỗ trợ công dân và doanh nghiệp khi gặp khó khăn trong việc thanh toán. Ngoài ra, trong quá trình triển khai, KeyPay cũng cập nhật đa dạng các kênh thanh toán như cổng thanh toán web, mobile; ứng dụng thanh toán trên di động, mã QR code, máy Smart POS…

Đến nay, KeyPay đã và đang hỗ trợ 27 đơn vị thuộc các bộ, ngành triển khai cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 4 gồm: Bộ Giao thông vận tải; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tư pháp; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Y tế; Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Hậu Giang; Sở Giao thông vận tải Hà Nội. KeyPay tham gia kết nối thanh toán trên Cổng Dịch vụ công quốc gia hỗ trợ thanh toán cho các thủ tục hành chính trên cổng.

Hàng năm, KeyPay hỗ trợ các đơn vị Bộ ngành địa phương thu hộ trên 41 tỷ đồng phí/lệ phí với gần 400.000 giao dịch thanh toán được xử lý.

Thương mại điện tử - Lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số

Với mức tăng trưởng cao và đồng đều khoảng 25-30% trong 10 năm vừa qua, đến nay, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về TMĐT. Đặc biệt, trong 2 năm đại dịch, Việt Nam chứng kiến nhiều chuyển biến trong hành vi, thói quen mua sắm của người tiêu dùng, cũng như mô hình kinh doanh trực tuyến của doanh nghiệp trong cả nước. Mặc dù nhiều lĩnh vực kinh tế khác đang phải vật lộn với ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, TMĐT vẫn tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu đáng kể. TMĐT vẫn giữ mức tăng trưởng 2 con số, góp phần tháo gỡ khó khăn trong xúc tiến tiêu thụ và lưu thông hàng hoá giữa đại dịch.

Năm 2022, theo điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương, doanh thu TMĐT bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Ngay từ năm 2021, Bộ Công Thương (Cục TMĐT&KTS) xác định Thương mại điện tử sẽ là một giải pháp quan trọng trong việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá địa phương, hàng nông sản, trái cây vào vụ… trong bối cảnh nhiều khu vực, tỉnh, thành phố bị phong tỏa. Bộ Công Thương (Cục TMĐT&KTS) đã triển khai hàng loạt các chương trình kết nối thương mại điện tử trên 40 tỉnh, thành phố bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá qua Gian hàng Việt trực tuyến và qua các Sàn thương mại điện tử. Với mục tiêu chung tay của cơ quan quản lý, các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã địa phương cùng các Sàn thương mại điện tử lớn, các doanh nghiệp chuyển phát thương mại điện tử… đã tổ chức đưa hàng hóa, sản phẩm địa phương, nông sản trái cây vào vụ phân phối qua kênh thương mại điện tử.

Từ đầu năm 2022 là giai đoạn phục hồi sau Covid-19, Bộ Công Thương đã có công văn số 52/BCT-TMĐT ngày 05/01/2022 gửi 63 tỉnh, thành phố về việc tăng cường quản lý và phối hợp triển khai các hoạt động thương mại điện tử trong năm 2022 với mục tiêu xây dựng kế hoạch, định hướng và phối hợp trong việc phát triển thị trường thương mại điện tử; ngày 11/05/2022, Bộ Công Thương (Cục TMĐT&KTS) đã có công văn số 449/TMĐT-TTCNS gửi các sàn thương mại điện tử lớn về việc hướng dẫn, phối hợp và tổ chức kết nối, triển khai các phương án phân phối đặc sản địa phương, sản phẩm nông sản, trái cây vào vụ thu hoạch trên môi trường trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử lớn gồm Sendo, Voso, Postmart, Shopee, Tiki, Lazada…

Đây chính là những bước định hướng quan trọng giúp các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai phối hợp với các doanh nghiệp thương mại điện tử trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tại địa phương ứng dụng thương mại điện tử.

Năm 2022, bên cạnh đẩy mạnh kết nối thương mại điện tử theo địa phương, Bộ Công Thương (Cục TMĐT&KTS) định hướng kết nối theo vùng, thúc đẩy liên kết vùng (phân theo 6 vùng kinh tế - xã hội) theo hướng phối hợp đẩy mạnh tiêu thụ trên cả kênh truyền thống và thương mại điện tử tại thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu; tổ chức các chương trình kết nối thương mại điện tử, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm địa phương trên thương mại điện tử; đào tạo tập huấn cho doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã phân phối trên thương mại điện tử một cách hiệu quả; thúc đẩy ứng dụng các giải pháp công nghệ số giúp doanh nghiệp địa phương đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, hướng tới mô hình sản xuất kinh doanh hiện đại, đáp ứng được sự phát triển của xu thế hiện nay.

Bộ Công Thương cũng triển khai các chương trình hợp tác về TMĐT xuyên biên giới với các đối tác là Sàn thương mại điện tử quốc tế lớn như Amazon, Alibaba để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đẩy mạnh xuất khẩu. Thông qua những chương trình này, các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam (nông sản thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp tiêu dùng) sẽ có thể xuất khẩu trực tiếp từ doanh nghiệp sản xuất đến thị trường của nhiều quốc gia trên thế giới theo các kênh TMĐT B2B, B2B2C.

Bên cạnh đó, các giải pháp hỗ trợ ứng dụng TMĐT được Bộ Công Thương tập trung đẩy mạnh như: Trục hợp đồng điện tử Việt Nam chính thức ra mắt vào tháng 6/2022 đã hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong việc kiểm tra, xử lý, trao đổi thông tin hợp đồng điện tử trong thương mại; Chương trình Ngày mua sắm trực tuyến – Online Friday 2022 với sự tham gia của các nhãn hàng, thương hiệu sản xuất uy tín đã tiếp cận hàng chục triệu người tiêu dùng với trên 250 triệu lượt tương tác trên nền tảng TikTok và các mạng xã hội khác, trên 5 triệu đơn hàng được thực hiện thành công trong 60h diễn ra sự kiện; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT Go Online cung cấp các giải pháp giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, tối ưu quy trình vận hành nâng cao năng suất, thúc đẩy doanh số bán hàng (giải pháp quản lý dây chuyền sản xuất, quản lý đơn hàng, quản lý kênh bán hàng, bán hàng đa kênh, phát triển thương hiệu số. ..); Hệ sinh thái Chuyển đổi số doanh nghiệp ngành Công Thương.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về TMĐT và KTS ngành Công Thương, nhằm thúc đẩy phát triển TMĐT cũng như KTS lành mạnh bền vững, Bộ Công Thương tập trung triển khai bốn nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, nghiên cứu, rà soát hoàn thiện hạ tầng chính sách pháp luật cho TMĐT: tập trung phổ biến, hướng dẫn thương nhân, tổ chức, cá nhân liên quan các quy định pháp luật về TMĐT, bao gồm Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 52/2013/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn; tăng cường kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước cũng như cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp;

Thứ hai, tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng, nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy TMĐT phát triển.

Thứ ba, triển khai các giải pháp phát triển TMĐT cho cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm: các giải pháp về thanh toán (keypay, thẻ việt); trục hợp đồng điện tử; ngày mua sắm trực tuyến quốc gia Online Friday, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu (GoExport, ECVN, Vietnamexport); triển khai Giải pháp nâng cao năng lực dự báo TMĐT quốc gia; thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm địa phương thông qua phương thức giao dịch trực tuyến trên các sàn TMĐT, thúc đẩy tiêu thụ trong nước cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu; xây dựng và triển khai Đề án Xây dựng Hệ sinh thái chuyển đổi số cho doanh nghiệp ngành Công Thương - Hệ sinh thái này sẽ quy tụ các hệ thống, giải pháp kỹ thuật đã phát triển trong thời gian qua, trên cơ sở đó triển khai một cách đồng bộ những hoạt động, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong thời gian tới, dự kiến Hệ sinh thái sẽ ra mắt vào Quý III/2023.

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực TMĐT và KTS thông qua thúc đẩy đào tạo chính quy về TMĐT và KTS, phối hợp với các địa phương, các trường đại học trên cả nước và các đơn vị liên quan nhằm thúc đẩy công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TMĐT, cũng như ứng dụng TMĐT, chuyển đổi số vào hoạt động của doanh nghiệp.

Tin mới lên