(VNF) – Doanh thu và lợi nhuận suy giảm, kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" bán bớt xe và cắt giảm nhân sự không mang lại tín hiệu khả quan cho tình hình kinh doanh của Vinasun. Cổ phiếu VNS "rơi tự do" và có nguy cơ gia nhập nhóm "cổ phiếu trà đá". Bài toán vực dậy Vinasun khó có lối mở.
Những chỉ số buồn
Hai bản cáo bạch tài chính liên tiếp của Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) cho thấy một biểu đồ tài chính "trượt dốc không phanh" của ông lớn ngành taxi. Sau kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm, Vinasun tiếp tục báo lãi ròng quý 3 giảm 50% so với cùng kỳ năm trước xuống mức gần 46 tỷ đồng. Doanh thu thuần trong quý 3 của Vinasun cũng chỉ đạt 547 tỷ đồng, giảm gần 54% so cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu của Vinasun đạt gần 2.451 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế giảm 39% xuống mức 146 tỷ đồng. Với kết quả này, Vinasun đã thực hiện được 61% kế hoạch doanh thu và 71% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2017 sau 9 tháng.
Điểm tích cực trong hoạt động của Vinasun là biên lãi gộp tăng mạnh trong quý III lên mức 24,5% từ mức 14,8% của cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do công ty thay đổi chính sách ghi nhận doanh thu. Khoản thu từ quảng cáo trên taxi của Vinasun tăng đột biến lên mức 26,3 tỷ đồng so với khoản gần 6 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Trong cáo bạch tài chính của Vinasun, rất dễ nhận thấy những tín hiệu khả quan le lói đều xuất phát từ việc tiếp tục "thắt lưng buộc bụng". Ví dụ số lượng nhân viên của Vinasun đến cuối quý III tiếp tục giảm 1.900 người so với quý 3 xuống còn 7.292 người. Tại thời điểm đầu năm, Vinasun có hơn 17.000 nhân viên.
Thu nhập khác đạt 118,5 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập từ thanh lý xe đạt mức 90 tỷ đồng, giảm gần 23 tỷ đồng so với cùng kỳ. Với việc bán xe và cắt giảm nhân sự, Vinasun đang dần thu hẹp hoạt động taxi. Tổng tài sản của Công ty đến thời điểm 30/9 đã giảm 12% so với thời điểm đầu năm, ghi nhận mức 2.841 tỷ đồng.
Thất thế trong cuộc chiến Uber, Grab, mảng kinh doanh "lõi" của Vinasun mất vị thế kéo theo bài toán tái cơ cấu Vinasun khó có lối ra
Phép màu nào cho Vinasun?
Áp lực nợ vay của Vinasun hiện tại cũng không hề nhỏ. Nợ vay nợ tài chính ngắn hạn hiện ở ngưỡng 418 tỷ đồng, vay nợ thuê tài chính dài hạn ở mức 443 tỷ đồng. Tình hình tài chính "bết bát" khiến cổ phiếu Vinasun (HOSE: VNS) đang "rơi tự do" trên thị trường chứng khoán. Hiện cổ phiếu này đã giảm gần 1 nửa so với thời điểm đầu năm nay.
Cổ phiếu VNS đang giao dịch quanh mốc 16-17 nghìn đồng/cổ phiếu. Lượng giao dịch khớp lệnh chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng cổ phiếu giao dịch cho thấy nổ lực "tháo chạy" của nhà đầu tư. Trong nhiều phiên giao dịch, tổng lượng cổ phiếu khớp lệnh chỉ ở mức vài trăm cổ phiếu.
Một báo cáo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán MBS cho rằng, 2017 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với Vinasun khi chịu áp lực cạnh tranh từ các đối thủ như Grab, Uber. Năm 2018, MBS dự phóng lợi nhuận của Vinasun tiếp tục sụt giảm 24% xuống 152 tỷ đồng, giá hợp lý đối với cổ phiếu VNS khoảng 14.600 đồng/cp.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia chứng khoán độc lập, đó là dự báo khá lạc quan. "Với tình hình tài chính hiện tại, nếu không có phương án khoanh nợ và tái cơ cấu tốt, VNS rất dễ gia nhập nhóm "cồ phiếu trà đá"- vị này nhận định. Niềm tin của nhà đầu tư đã cạn kiện khi lợi nhuận của Vinasun sụt giảm nghiêm trọng và không đủ bù cho các khoản lỗ lũy kế của các năm trước.
Theo vị chuyên gia này, bài toán tái cơ cấu Vinasun cũng không hề dễ dàng. Khi mảng kinh doanh "lõi" là taxi ngày càng thất thế trong cuộc chiến với Uber, Grab. Vinasun rõ ràng không thể trông cậy vào thị trường tài chính khi doanh thu từ hoạt động này trong quý III/2017 chỉ vỏn vẹn hơn 940 triệu đồng.
Trong cơ cấu kinh doanh của Vinasun, các hoạt động du lịch giải trí hoặc bất động sản cũng ghi nhận doanh thu không đáng kể. "Vấn đề của Vinasun là chọn một lĩnh vực mới đủ sức thay thế ngành kinh doanh taxi để thuyết phục nhà đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, với sức khỏe tài chính và thực lực doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại, đây gần như là một nhiệm vụ bất khả thi"- vị chuyên gia dự báo.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone