Phí bồi thường GPMB vành đai 4 đoạn qua Bắc Ninh có nguy cơ tăng gấp đôi
Anh Hùng -
15/05/2023 19:25 (GMT+7)
(VNF) - Dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua Bắc Ninh đã được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi với tổng mức đầu tư gần 2.480 tỷ đồng.
Liên quan đến dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội (đoạn qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh), UBND tỉnh Bắc Ninh vừa cho biết đến nay dự án thành phần 1.3 (dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc dự án) chưa được thẩm định, phê duyệt.
Đáng chú ý, theo UBND tỉnh Bắc Ninh, khái toán được lập trên cơ sở đơn giá bồi thường hỗ trợ, tái định cư GPMB theo bảng giá nhân hệ số điều chỉnh đã được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt tại Quyết định số 426/QĐ-UBND ngày 06/4/2023 với tổng kinh phí là là 2.480 tỷ đồng. Tuy nhiên, khái toán được lập trên cơ sở đơn giá bồi thường đất ở tính theo giá thị trường là 5.350 tỷ đồng, cao gấp 2 lần.
Báo cáo thêm những khó khăn, vướng mắc tại dự án này, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng cho biết trên địa bàn tỉnh có 5 vị trí đổ chất thải rắn xây dựng, bãi đổ đất canh tác, tuy nhiên có đến 4/5 vị trí xa phạm vi thi công hoặc phải vận chuyển qua khu dân cư gây ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân.
Theo đó, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét sớm tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án thành phần 1.3 dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh.
Được biết, theo Quyết định số 426/QĐ-UBND, dự án cần thu hồi khoảng 359,39ha thuộc 4 địa bàn gồm: thành phố Bắc Ninh (98,4ha), huyện Thuận Thành (185,8ha), huyện Gia Bình (6,33ha), huyện Quế Võ (67,4ha).
Tổng mức đầu tư dự án là 2.479,9 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 1.961 tỷ đồng, chi phí xây dựng hạng mục di dời điện 318,9 tỷ đồng, còn lại là các chi phí như thiết bị, quản lý, tư vấn, dự phòng và chi phí khác. Nguồn đầu tư sẽ được lấy từ ngân sách trung ương (2.110 tỷ đồng) và ngân sách địa phương (370 tỷ đồng).
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8km, bao gồm: 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Đoạn trên địa bàn Hà Nội khoảng 58,2km, đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng 19,3km và đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng 35,3km.
Dự án gồm 7 dự án thành phần, với 3 dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 28.173 tỷ đồng, ngân sách địa phương 28.193 tỷ đồng; vốn BOT 29.447 tỷ đồng. Thời gian chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Riêng đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh, dự kiến, tổng vốn đầu tư dự án này khoảng 5.210 tỷ đồng, trong đó, giải phóng mặt bằng 2.480 tỷ đồng và đầu tư đường hai bên 2.730 tỷ đồng.
Trước đó, Chính phủ cũng giao UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, quyết định phê duyệt dự án thành phần được phân cấp, hoàn thành trước ngày 31/1/2023, bảo đảm khởi công trước 30/6 tới đây.
Tuy nhiên, theo Cục Đường cao tốc Việt Nam, với tình hình triển khai dự án đến nay rất khó đáp ứng tiến độ khởi công trước 30/6 theo yêu cầu của Chính phủ. Lý do, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội là dự án có quy mô lớn, tính chất phức tạp, đi qua nhiều địa phương và liên quan đến nhiều quy hoạch.
Cục Đường cao tốc Việt Nam cho rằng việc triển khai bước nghiên cứu kỹ thuật cần được thực hiện kỹ lưỡng, bảo đảm chặt chẽ và tránh việc phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện là rất cần thiết.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.