Phó thống đốc ngân hàng Na Uy từ chức vì có vợ người Trung Quốc

Minh Đăng - 05/12/2020 11:31 (GMT+7)

(VNF) - Phó thống đốc ngân hàng trung ương Na Uy Jon Nicolaisen đã buộc phải từ chức sau khi bị từ chối gia hạn xác minh an ninh do có vợ là người Trung Quốc.

VNF
Phó thống đốc ngân hàng trung ương Na Uy Jon Nicolaisen.

"Cơ quan Xác minh An ninh Dân sự Na Uy thông báo với tôi rằng tôi sẽ không được gia hạn xác minh lý lịch an ninh vì vợ tôi là công dân Trung Quốc và cư trú tại Trung Quốc, nơi tôi hỗ trợ cho cô ấy về mặt tài chính”, ông Nicolaisen cho biết trong thư từ chức gửi ngân hàng trung ương Na Uy ngày 4/12.

“Đồng thời, họ cũng cho biết rằng không có yếu tố nào liên quan đến cá nhân tôi khiến tôi không đủ điều kiện thông qua về mặt an ninh, nhưng điều này không có đủ trọng lượng. Bây giờ tôi đã phải nhận hậu quả của việc này”, ông Nicolaisen cho biết thêm.

Reuters dẫn thông báo của ngân hàng trung ương Na Uy cho biết việc từ chức của ông Nicolaisen sẽ có hiệu lực ngay lập tức.

Ông Nicolaisen đã đảm nhận vị trí Phó thống đốc ngân hàng Na Uy từ năm 2014 và mới được tái bổ nhiệm hồi tháng 4 vừa qua. Ông đã kết hôn với người vợ Trung Quốc năm 2010.

Với cương vị Phó thống đốc ngân hàng trung ương Na Uy, ông Nicolaisen có trọng trách đặc biệt là phụ trách giám sát quỹ tài sản hơn 1.000 tỷ euro (khoảng 1.200 nghìn tỷ USD) của Na Uy, đây là quỹ tài sản lớn nhất thế giới.

Na Uy, một nước thành viên NATO, đã siết chặt các biện pháp an ninh trong những năm gần đây, khiến việc người dân Na Uy kết hôn với những công dân ở những nước không có hợp tác an ninh với nước này trở nên khó khăn hơn.

Quan hệ chính trị và ngoại giao giữa Trung Quốc và Na Uy đã bị đóng băng từ năm 2010 khi Ủy ban giải Nobel đặt trụ sở tại Oslo trao giải Nobel Hòa bình cho ông Lưu Hiểu Ba, nhân vật đã bị tòa án Trung Quốc kết án 11 năm tù giam vào cuối năm 2009 vì tội âm mưu lật đổ chính phủ.

Trung Quốc đã phản ứng mạnh về sự việc này, nhấn mạnh rằng giải Nobel Hòa bình phải được trao cho những người đóng góp cho hòa hợp dân tộc, tình hữu nghị quốc tế, thúc đẩy giải giáp vũ khí theo đúng ý nguyện của nhà sáng lập giải thưởng Nobel Alfred Nobel.

Tới năm 2017, quan hệ giữa hai nước mới được bình thường hóa. Tuy nhiên, thời gian gần đây Na Uy vẫn thường xuyên cáo buộc Trung Quốc có âm mưu gián điệp nhắm vào quốc gia này.

Ở động thái liên quan mới nhất, ngày 3/12, cơ quan phản gián Na Uy (PST) công bố báo cáo khẳng định, Nga, Trung Quốc và các quốc gia khác đang sử dụng gián điệp để thu thập những bí mật về ngành công nghiệp dầu mỏ của Oslo.

Xem thêm >> Ông Trump gây quỹ kỷ lục hơn 200 triệu USD hậu bầu cử, tiếp tục khởi kiện tại Nevada

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác