Phong tỏa tài khoản nghi vấn, không dễ chặn lừa đảo 'biến hóa khôn lường'
(VNF) - Kể từ 1/7, ngân hàng có thể "mạnh tay" quyết định phong tỏa hoặc đóng tài khoản có dấu hiệu lừa đảo. Song các chủ tài khoản cũng phải nâng cao cảnh giác và tự bảo vệ mình trước các chiêu lừa đảo mạng ngày càng tinh vi, biến hóa khôn lường.
Phong tỏa, khóa tài khoản có dấu hiệu lừa đảo
Trước đây, các ngân hàng không được phép tự ý phong tỏa tài khoản của khách hàng mà phải có quyết định của cơ quan có thẩm quyền như công an, tòa án… Nhiều trường hợp chủ tài khoản ngân hàng vừa bấm nút chuyển tiền thì nhận ra mình bị lừa đảo, vội vàng báo với ngân hàng mong ngăn chặn dòng tiền không bị chuyển đi. Dù rất muốn nhưng các nhà băng cũng không thể chặn lại.
Bởi vì trước ngày 1/7/2024, ngay cả nếu nghi ngờ một tài khoản được dùng vào việc lừa đảo nhưng chưa có kết luận cũng như quyết định chính thức từ cơ quan điều tra thì ngân hàng cũng không được phép hạn chế dòng tiền ra, vào tài khoản đó. Do đó, chỉ cần đầu này chủ tài khoản bấm nút chuyển đi thì chỉ trong vòng vài giây, tiền đã được chuyển liếp qua các tài khoản ma, tài khoản rác và bốc hơi.
Tại buổi làm việc về cơ chế phối hợp trong xử lý giao dịch lừa đảo, gian lận được tổ chức gần đây, ông Nguyễn Ngọc Quý, Trưởng Tiểu ban Quản lý rủi ro, Chi hội Thẻ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), cho hay, giao dịch gian lận, lừa đảo qua dịch vụ thẻ, tài khoản... diễn ra hàng ngày, hàng giờ và gia tăng rất nhanh, với số tiền lừa đảo rất lớn.
Đại diện các ngân hàng chia sẻ, họ rất trăn trở và đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ khách hàng tránh bị lừa đảo tiền qua tài khoản. Nhiều nhà băng đã xây dựng một danh sách các tài khoản đáng ngờ thông tin và cảnh báo để khách hàng cảnh giác.
Tuy nhiên, với những quy định khi Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, tài khoản ngân hàng mà tội phạm sử dụng với mục đích lừa đảo được kỳ vọng sẽ bị “dọn dẹp”. Theo nghị định này, ngân hàng có quyền phong tỏa hoặc đóng tài khoản không chính chủ, tài khoản được dùng làm phương tiện lừa đảo mà không cần chờ cơ quan công an vào cuộc.
Điều 11 của Nghị định 52 quy định cụ thể về các trường hợp phong tỏa tài khoản. Theo đó, tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số dư nếu tổ ngân hàng phát hiện có nhầm lẫn, sai sót khi ghi “Có” nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc thực hiện theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của ngân hàng chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền sau khi ghi “Có” vào tài khoản thanh toán khách hàng.
Điều 12 Nghị định 52 quy định về việc đóng tài khoản thanh toán sẽ được thực hiện khi chủ tài khoản vi phạm hành vi bị cấm như sau: mở tài khoản mạo danh, mua, bán cho thuê, cho mượn tài khoản; lấy cắp, mua, bán thông tin tài khoản; sử dụng tài khoản thanh toán để đánh bạc, gian lận, lừa đảo, kinh doanh trái pháp luật và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho hay: Kể từ ngày 1/7, khi Nghị định 52 chính thức có hiệu lực, ngân hàng hoàn toàn có thể "mạnh tay" quyết định phong tỏa hoặc đóng tài khoản có dấu hiệu lừa đảo.
Mới đây, một số người sử dụng ứng dụng của MB đã chia sẻ về câu chuyện được cảnh báo chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo khi đang thực hiện thao tác chuyển tiền.
Đây là tính năng mới mà ứng dụng của MB triển khai từ ngày 18/6. Theo đó, khi khách hàng thực hiện thao tác chuyển tiền, hệ thống của MB sẽ tự động kiểm tra thông tin tài khoản người nhận.
Nếu khách hàng chuyển tiền trên ứng dụng ngân hàng điện tử đến một tài khoản "không an toàn", hệ thống sẽ ngay lập tức gửi cảnh báo đây là tài khoản lừa đảo, để khách hàng dừng giao dịch. Từ cảnh báo này, nhiều khách hàng đã kịp thời dừng việc chuyển tiền đến các tài khoản đang nghi do bị nhầm lẫn hoặc bị lừa.
MB cho biết do mới triển khai thử nghiệm nên chưa có thống kê con số, đánh giá hiệu quả cụ thể trong việc ngăn chặn các vụ lừa đảo.
Đại diện một số nhà băng chia sẻ họ đã và đang xây dựng "black list" các tài khoản đáng ngờ để cảnh báo kịp thời. Đã có trường hợp chuyển khoản nhưng nhận được cảnh báo từ ngân hàng rằng tài khoản thụ hưởng được xác định là lừa đảo và đề nghị chủ tài khoản không thực hiện giao dịch. Giải pháp này được nhiều người ủng hộ, cũng giống như rà soát SIM rác, SIM ảo, cảnh báo số điện thoại lừa đảo mà các nhà mạng vẫn đang thực hiện.
Tuy nhiên, hiện nay, có rất ít ngân hàng mạnh tay áp dụng quy định về phong tỏa, khóa tài khoản có dấu hiệu lừa đảo dù đã đầu tư rất nhiều nguồn lực nhằm ngăn chặn, loại bỏ các hành vi gian lận, lừa đảo.
Theo đại diện một số ngân hàng, dù tính năng này rất hữu ích trong việc bảo vệ tài sản cho khách hàng nhưng nó có thể khiến khách hàng nhầm tưởng rằng chỉ tài khoản bị cảnh báo mới là lừa đảo. Nhưng thực tế, chủ tài khoản cũng có thể mở cùng lúc nhiều tài khoản để lừa đảo nhưng chưa bị phát hiện ở ngân hàng này đã lừa nhận tiền ở ngân hàng khác.
Hơn nữa, quy định này có thể sẽ vấp phải sự phản đối từ khách hàng trong trường hợp không phải lừa đảo nhưng làm cho giao dịch chậm đi.
Chủ tài khoản phải nâng cao cảnh giác
Nhiều chuyên gia cho rằng, ngay cả khi các ngân hàng đồng loạt triển khai tính năng phát hiện và cảnh báo tài khoản lừa đảo cũng khó có thể ngăn chặn hoàn toàn các hành vi lừa đảo, bởi tài khoản lừa đảo vẫn có thể được mở bất cứ khi nào.
Nhiều người cũng băn khoăn, với các trường hợp yêu cầu phong tỏa tài khoản vì chơi xấu nhau thì tiêu chí nào để ngân hàng chặn tài khoản, chặn số tiền nghi ngờ hay chặn luôn cả tài khoản... Nếu không rõ ràng, chi tiết, cụ thể thì có lẽ, chính các ngân hàng cũng ngần ngại khi thực hiện việc chặn hay phong tỏa tài khoản nghi ngờ dính dáng đến lừa đảo.
TS. Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính - Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng, quy định trên chỉ tạo thêm công cụ để ngân hàng xử lý khi phát hiện lừa đảo chứ với thủ đoạn tinh vi như vừa qua thì sẽ khó ngăn chặn hay lấy lại được tiền ngay. Vì thông qua các thủ đoạn lừa đảo, tội phạm sẽ yêu cầu người bị hại chuyển tiền vào những tài khoản do chúng kiểm soát. Khi tiền vào tài khoản thì sẽ được chuyển đi ngay qua rất nhiều tài khoản ở các nhà băng khác nhau, các tỉnh, thành khác nhau với tốc độ "tên lửa".
Theo ông Chí, dù ngân hàng được phép phong tỏa tài khoản thì cũng khó truy vết nhanh để có thể lấy lại được tiền ngay. Vì vậy, ông Chí khuyến cáo khách hàng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng cũng cần ý thức phòng tránh rủi ro, đảm bảo cho tài khoản an toàn vẫn là biện pháp chính.
TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính nêu ý kiến, ngoài quy định trên cần kết hợp các biện pháp bảo mật khác, như xác thực đa yếu tố, giám sát giao dịch nghi ngờ, nâng cao nhận thức của người dùng về các hình thức lừa đảo phổ biến. Trong đó, các biện pháp giám sát giao dịch đáng ngờ sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc ngăn chặn lừa đảo. Ví dụ, tài khoản khách hàng đột nhiên nhận hoặc chuyển hàng loạt số tiền bất thường, ngân hàng có thể thông qua hệ thống giám sát nhắn tin thông báo cho chủ tài khoản để được xác nhận chính chủ.
Vì vậy, khi chưa có đầy đủ danh tính các tài khoản lừa đảo, để ngăn chặn và cảnh báo khách hàng khi chuyển tiền, cùng với giải pháp trên, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 2345 quy định việc xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt khi chuyển tiền số lượng lớn, được kỳ vọng có thể giảm thiểu nguy cơ lừa đảo.
Nhưng quan trọng là các chủ tài khoản phải nâng cao cảnh giác và tự bảo vệ mình trước các chiêu lừa đảo mạng ngày càng tinh vi, biến hóa khôn lường. Bởi không có giải pháp bảo mật hiệu quả hay hàng rào chặn, phong tỏa nào có thể gạt hết những chiêu trò lừa đảo nếu chúng ta cứ tự chuyển tiền cho kẻ gian.
Xác thực khuôn mặt khi chuyển tiền, hết nguy cơ mất tiền trong tài khoản?
Bên trong dự án ở Đắk Lắk từng đạt giải Quy hoạch đô thị quốc gia
(VNF) - Đây là dự án Khu đô thị Đông Nam đường Trần Hưng Đạo có vị trí nằm tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk với quy mô 19,29 ha.