Thị trường

PV GAS và cột mốc 33 năm thành lập: Khí thế mới, vận hội mới

(VNF) - Sau hơn 3 thập kỷ nỗ lực và trưởng thành, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã vươn lên trở thành doanh nghiệp chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Năm 2023 đánh dấu tuổi 33 của PV GAS với những vận hội mở ra một thời kỳ phát triển mới.

PV GAS và cột mốc 33 năm thành lập: Khí thế mới, vận hội mới

PV GAS và cột mốc 33 năm thành lập: Khí thế mới, vận hội mới

Cột mốc 33 năm 

Qua 33 năm hình thành và phát triển, PV GAS đã xây dựng ngành công nghiệp khí hoàn chỉnh ở tất cả các khâu: thu gom – xuất, nhập khẩu – vận chuyển – chế biến - tồn trữ - dịch vụ - kinh doanh khí và sản phẩm khí, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, lương thực quốc gia, phát triển kinh tế đất nước; tham gia tích cực và khẳng định được uy tín trên thị trường kinh doanh sản phẩm khí quốc tế.

Hiện nay, mỗi năm PV GAS vận chuyển và cung cấp khoảng 8 - 10 tỷ m3 khí cho các nhà máy điện, đạm, khách hàng công nghiệp – giao thông; kinh doanh từ 2 - 2,2 triệu tấn LPG/năm; kinh doanh khoảng 90 – 100.000 tấn condensate/năm; doanh thu đạt 3,5 -  4 tỷ USD/năm và lợi nhuận trước thuế 500 - 700 triệu USD/năm; nộp ngân sách nhà nước khoảng 300 triệu USD/năm; tổng tài sản khoảng 3,8 tỷ USD.

Qua hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), PV GAS đáp ứng nguồn nguyên, nhiên liệu đầu vào để sản xuất gần 11% sản lượng điện, 70% nhu cầu đạm cả nước và chiếm lĩnh khoảng 65 - 70% thị phần LPG toàn quốc; là doanh nghiệp đầu tiên trong nước nhập khẩu và kinh doanh LNG.

Trong 33 năm qua, PV GAS cho biết đã cung cấp gần 170 tỷ m3 khí khô, trên 24,1 triệu tấn LPG, 2,1 triệu tấn condensate; đạt tổng doanh thu 1.108 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 208.000 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 97.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, PV GAS luôn có những đóng góp đáng kể cho cộng đồng, trung bình hàng năm số tiền dành cho công tác an sinh – xã hội là trên 100 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu GAS là một trong số ít những bluechip luôn giữ được mức giá cao, ổn định, tính thanh khoản cao, mang lại hiệu quả cho các cổ đông, nhà đầu tư; đặc biệt là ngay cả trong giai đoạn thị trường biến động, điều chỉnh mạnh thời gian vừa qua.

PV GAS đón tàu LNG

Theo số liệu từ Công ty Chứng khoán VNDirect, PV GAS là một trong 16 doanh nghiệp trong nhóm VN30 có tăng trưởng lợi nhuận ròng dương trong năm 2022, trong đó mã GAS có mức tăng hơn 70% về lãi ròng trong năm 2022. Năm 2022, PV GAS là một trong 7 doanh nghiệp Việt Nam có doanh thu trên 100.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, PV GAS duy trì cổ tức bằng tiền hấp dẫn, tỷ lệ cổ tức bằng tiền năm 2021 là 30%/vốn điều lệ; năm 2022 tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền là 36%. PV GAS cũng chuẩn bị phát hành gần 383 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, sau đợt phát hành này, dự kiến vốn điều lệ của PV GAS sẽ tăng từ 19.139 tỷ đồng lên 22.967 tỷ đồng.

PV GAS là thương hiệu được đánh giá cao ở thị trường trong nước và quốc tế, xác lập vị thế là nhà vận chuyển và cung cấp khí khô lớn nhất tại Việt Nam, nhà sản xuất và kinh doanh LPG số 1 tại Việt Nam, nhà nhập khẩu và kinh doanh LNG đầu tiên tại Việt Nam.

PV GAS có mặt trong top đầu hầu hết các bảng xếp hạng doanh nghiệp Việt Nam về mặt tầm vóc, quy mô, cũng như hiệu quả SXKD như: năm 2023, PV GAS lần thứ 11 liên tiếp được vinh danh trong “Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam” do Forbes Việt Nam bình chọn (trong đó PV GAS xuất sắc là một trong 9 doanh nghiệp có mặt trong tất cả 11 lần công bố Bảng xếp hạng này của Fobes Việt Nam); trong top 20 “Bảng xếp hạng Top 50 Công ty Đại chúng uy tín và hiệu quả” và “Bảng xếp hạng PROFIT 500 – Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2023” do Vietnam Report công bố; thuộc 20 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam được Tổng cục Thuế công bố...

Bản lĩnh tiên phong bước vào giai đoạn mới

Năm 2023, PV GAS đón nhận nhiều sự kiện, thành quả quan trọng, đặc biệt là tiên phong chính thức đưa LNG vào kinh doanh, xu hướng sử dụng nhiên liệu sạch của thế giới về Việt Nam. Mục tiêu đưa ra là đủ năng lực nhập khẩu khí LNG khoảng 8 tỷ m3 vào năm 2030 và 15 tỷ m3 vào năm 2045.

Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch điện VIII) đặt ra mục tiêu đến năm 2030 cơ cấu các nguồn nhiệt điện khí trong nước và LNG đến năm 2030 sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng 24,8% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện; trong đó điện khí trong nước là 14.930 MW chiếm 9,9% và nhiệt điện LNG là 22.400 MW, chiếm 14,9%.

Từ định hướng, mục tiêu của đất nước trong lĩnh vực LNG, PV GAS đã bắt đầu chuẩn bị đưa chuỗi dự án Kho cảng LNG Thị Vải tại khu vực Đông Nam bộ vào vận hành với công suất giai đoạn 1 là 1 triệu tấn/năm và đang triển khai giai đoạn 2 nâng công suất lên 3 – 5 triệu tấn/năm vào năm 2026.

Ở khu vực Nam Trung bộ, PV GAS cùng với Tập đoàn AES Mỹ đang triển khai dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ để đưa vào vận hành, khai thác từ năm 2026 với công suất giai đoạn 1 là 3,6 triệu tấn/năm và giai đoạn 2 nâng công suất lên 6 triệu tấn/năm.

Đối với khu vực Bắc bộ/ Bắc Trung bộ, PV GAS đang có kế hoạch đầu tư Kho cảng LNG phía Bắc với công suất giai đoạn 1 là 3 triệu tấn/năm và giai đoạn 2 là 6 triệu tấn/năm. Như vậy, có thể thấy, PV GAS đã và đang tiên phong xây dựng cơ sở hạ tầng và sẵn sàng cung cấp LNG cho thị trường.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT PV GAS khẳng định: “Dù khó khăn và thách thức đến đâu, PV GAS vẫn sẽ kiên định với mục tiêu phát triển tổng công ty lớn mạnh, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao, hoạt động hoàn chỉnh trong tất cả các khâu thu gom – vận chuyển – chế biến – xuất nhập khẩu – tồn trữ - dịch vụ - kinh doanh khí và sản phẩm khí, tham gia hoạt động đầu tư thượng nguồn; tiếp tục thực hiện hiệu quả vai trò chủ đạo, dẫn dắt ngành công nghiệp khí Việt Nam phát triển, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và hội nhập quốc tế”.

Tin mới lên