PwC: 53% các vụ phạm tội kinh tế tại Việt Nam có thủ phạm là người nội bộ
Hoàng Lan -
14/11/2018 15:29 (GMT+7)
(VNF) - "Các cán bộ quản lý cấp trung và quản lý cấp thấp chiếm tới 61% tổng số vụ gian lận nội bộ này. Trong khi đó, tỷ lệ tội phạm kinh tế do các đối tượng bên ngoài tổ chức (như khách hàng, nhà cung cấp, đại lý, tin tặc, v.v.) gây ra là 36%", đây là kết quả Khảo sát Tội phạm Kinh tế và Gian lận 2018 do PwC thực hiện lần đầu tại Việt Nam.
Theo PwC, những người tham gia khảo sát tại Việt Nam cho biết loại hình tội phạm kinh tế thường gặp nhất là Biển thủ Tài sản (40%), Hối lộ và Tham nhũng (36%). Gian lận thực hiện bởi người tiêu dùng (33%) và vi phạm đạo đức kinh doanh (29%) cũng là những hình thức khá phổ biến.
Cuộc khảo sát do PwC thực hiện ở Việt Nam cho thấy hầu hết các vụ gian lận và tội phạm kinh tế khác được phát hiện bởi mật báo trong nội bộ hoặc do tình cờ.
Trên thế giới, kiểm toán nội bộ là một chức năng khá phổ biến trong các doanh nghiệp và góp phần phát hiện 14% số vụ gian lận. Tại Việt Nam, tỷ lệ phát hiện gian lận kinh tế thông qua kiểm toán nội bộ chỉ là 3%.
Tương tự, đường dây nóng tố giác ở Việt Nam chỉ phát hiện được 3% số vụ việc gian lận, trong khi tỷ lệ này trên thế giới và ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được ghi nhận là 7%.
“Các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể cải thiện đáng kể hơn môi trường kiểm soát và giảm thiểu gian lận bằng cách triển khai hiệu quả các chức năng kiểm toán nội bộ và đường dây nóng tố giác. Đây là một số chức năng mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác sâu hơn nhằm giúp giảm thiểu rủi ro, đồng thời đạt được các mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp. Mặt trái của một nền kinh tế phát triển nhanh chóng là các doanh nghiệp tập trung quá nhiều vào mục tiêu tăng trưởng doanh số mà không chú trọng đến các ưu tiên cải thiện chốt kiểm soát nội bộ,” ông Marcus Paciocco, Giám đốc Dịch vụ Điều tra Gian lận tại Công ty PwC Consulting Việt Nam cho biết.
Bên cạnh các loại hình tội phạm kinh tế như biển thủ tài sản, hối lộ, tham nhũng, vi phạm đạo đức kinh doanh, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam trở thành nạn nhân của tội phạm an ninh mạng.
Cụ thể, "47% số tổ chức tham gia khảo sát cho biết họ đã là nạn nhân của tội phạm an ninh mạng ở Việt Nam trong vòng 2 năm vừa qua. Các cách thức tấn công phổ biến nhất là Malware (đưa phần mềm độc hại vào thiết bị của nạn nhân) và Phishing (sử dụng email để đánh lừa người nhận cung cấp các thông tin nhạy cảm)", báo cáo của PwC chỉ ra.
Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch ứng phó với các cuộc tấn công an ninh mạng. Tuy nhiên, PwC cho biết "có tới tổng cộng 37% số người tham gia khảo sát tại Việt Nam không biết liệu rằng công ty họ đã có chương trình an ninh mạng hay chưa (16%), hay công ty họ không có chương trình an ninh mạng (13%), hoặc công ty vẫn đang trong giai đoạn đánh giá tính khả thi của việc triển khai chương trình an ninh mạng (8%)".
"Do tính chất các phương pháp tấn công của tội phạm an ninh mạng tương đối giống nhau, một trong những biện pháp phòng vệ tốt nhất là biết được các loại hình tấn công mới nhất và các lỗ hổng. Tuy nhiên, điều này yêu cầu nạn nhân chia sẻ thông tin về việc họ bị tấn công như thế nào. Trong số những người tham gia khảo sát, chỉ có một phần ba nghĩ rằng họ sẽ chia sẻ thông tin về những nguy cơ tấn công an ninh mạng với chính phủ hoặc các cơ quan chức năng", PwC thông tin thêm.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone