M&A

Qantas rút vốn khỏi Pacific Airlines, hàng không giá rẻ Việt ra sao?

Là đối thủ trực tiếp duy nhất của Vietjet Air trong cuộc đua thị phần hàng không giá rẻ, Pacific Airlines đặt tham vọng khiêm tốn trong khi ở xuất phát điểm nhiều thách thức.

Chia sẻ về kế hoạch tái cấu trúc Pacific Airlines, lãnh đạo doanh nghiệp cho hay hãng sẽ tiếp tục hoạt động dưới mô hình công ty độc lập, nhưng vẫn là một phần không thể tách rời của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines Group).

Vị này cũng khẳng định Pacific Airlines sẽ hoạt động theo mô hình hàng không chi phí thấp và phụ trách dải sản phẩm giá rẻ của tổng công ty. Điều này đồng nghĩa Pacific Airlines vẫn sẽ là đối thủ trực tiếp duy nhất của Vietjet Air.

Tham vọng khiêm tốn

Tuy nhiên, việc đe dọa vị thế thống trị của Vietjet Air ở phân khúc giá rẻ không phải là nhiệm vụ dễ dàng với Pacific Airlines.

Lãnh đạo hãng cũng đánh giá được sức ép cạnh tranh sẽ không thay đổi và đưa ra kế hoạch kinh doanh có phần khiêm tốn.

Đội bay 40 chiếc tới năm 2025 của Pacific Airlines chỉ chiếm 10,41% lượng máy bay của các hãng hàng không Việt, cho thấy tham vọng khiêm tốn.

Ông Trịnh Hồng Quang, Chủ tịch hội đồng quản trị Pacific Airlines kiêm Phó giám đốc Vietnam Airlines, cho hay Pacific Airlines dự kiến khai thác đội bay 40 chiếc máy bay vào năm 2025 nếu tình hình kinh doanh thuận lợi.

Hiện Pacific Airlines có đội bay khoảng 18 chiếc theo chia sẻ từ ông Quang. Điều này đồng nghĩa trong 5 năm tới, hãng đặt mục tiêu tăng trưởng đội bay ở mức 22 chiếc.

Tương quan so sánh, Vietjet Air muốn tăng quy mô đội bay lên 200 chiếc vào năm 2025, tương đương tăng thêm khoảng 130 chiếc so với quy mô hiện tại.

Một hãng bay mới khác là Bamboo Airways cũng đặt tham vọng cao ngay sau dịch Covid-19 khi muốn biên chế 40 chiếc máy bay vào cuối năm 2020, bao gồm cả máy bay thân rộng.

Theo quy hoạch đội bay của các hãng hàng không Việt từ Cục Hàng không, tới năm 2025, các hãng sẽ khai thác tổng cộng 384 máy bay. Lượng máy bay theo kế hoạch của Pacific Airlines nếu tình hình kinh doanh thuận lợi chỉ chiếm 10,41% tổng lượng máy bay, thấp hơn thị phần hiện tại của hãng.

Xuất phát điểm chông gai

Nếu Vietjet Air đang nắm thị phần áp đảo thì Pacific Airlines khởi đầu một thời kỳ mới với khoản lỗ 1.200 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020. Hãng cũng mất đi đối tác chiến lược là Qantas, thương hiệu Jetstar và nguồn thu từ thị trường châu Đại Dương.

Đổi lại, Vietnam Airlines sẽ có toàn quyền tái cơ cấu doanh nghiệp cũng như Pacific Airlines sẽ hưởng lợi từ chương trình đồng thương hiệu với hãng hàng không quốc gia.

Pacific Airlines cần những cải tổ mạnh mẽ ngoài một bộ nhận diện mới nếu muốn uy hiếp vị thế của Vietjet Air trong phân khúc giá rẻ.

Một yếu tố khác khiến Pacific Airlines gặp khó ngay từ vạch xuất phát là giá vé. Hãng đang khó cạnh tranh về giá với Vietjet Air khi phí quản trị hệ thống của hãng đang cao hơn đối thủ tới 110.000 đồng/chuyến bay.

Với phí quản trị hệ thống cao hơn, dù giảm giá xuống đáy để cạnh tranh, giá vé của Pacific Airlines vẫn sẽ cao hơn Vietjet Air hơn 200.000 đồng vì thuế phí, trong khi chưa có ưu thế nổi trội về trải nghiệm bay.

Giá vé là yếu tố được hành khách ưu tiên nhất khi đưa ra quyết định mua vé máy bay giá rẻ. Nếu không có điều chỉnh về phí quản trị hệ thống, Pacific Airlines sẽ thua đối thủ chính ngay từ giá vé. Tuy nhiên trong lịch sử hàng không Việt Nam chưa có hãng bay nào điều chỉnh giảm phí quản trị hệ thống.

Nếu tái cơ cấu Pacific Airlines chỉ là "bình mới, rượu cũ", vị thế của Vietjet Air tại phân khúc giá rẻ sẽ khó có thể bị uy hiếp.

Tin mới lên