Tiêu điểm

Quan hệ thương mại Việt - Trung: Sức nóng từ sầu riêng đến công nghiệp chế biến

(VNF) - Mối quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam – Trung Quốc đã có những bước tiến vượt bậc sau 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Từ xuất khẩu nông sản đến công nghiệp chế biến, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được những cột mốc ấn tượng.

Sức nóng của thương mại song phương Việt - Trung

Hình ảnh đoàn dài người và xe tải chở sầu riêng từ sáng sớm đã có mặt tại cầu biên giới qua sông Hồng để tiến về cửa khẩu Hà Khẩu đã trở nên quen thuộc với những người dân trong khu vực. Sau khi thông quan, sầu riêng Việt Nam sẽ bắt đầu hành trình tiến vào thị trường Trung Quốc và tỏa đi khắp nẻo đường ở quốc gia này.

Vào tháng 7/2022, Tổng Cục Hải quan Trung Quốc ra thông báo sầu riêng Việt Nam chính thức được xuất khẩu sang Trung Quốc. Kể từ đó đến nay, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng trưởng đáng kinh ngạc, mang lại cơ hội lớn cho người nông dân trồng sầu riêng ở Việt Nam.

Ngày càng có nhiều nông sản Việt Nam được xuất sang Trung Quốc.

Từ sầu riêng đến thanh long, chuối, chôm chôm, dưa hấu,… có thể thấy rằng “giỏ trái cây” thương mại Việt Nam – Trung Quốc đang ngày càng phong phú hơn. Ngày càng có nhiều nông sản Việt Nam chất lượng cao như sầu riêng, măng cụt, chanh leo được đưa lên bàn ăn của người dân Trung Quốc.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2023, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 2,75 tỷ USD, tăng 160% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đáng chú ý nhất là sản lượng sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc trong 10 tháng năm 2023 đạt gần 451.609 tấn, tăng 3.190% với giá trị đạt gần 1,941 tỷ USD, tăng hơn 3.101% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu nông sản chỉ là một trong những điểm sáng của mối quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc trong 15 năm qua. Trung Quốc nhiều năm là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất trong khối ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 4 thế giới của Trung Quốc.

Thương mại song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam bùng nổ trong thời gian qua.

Trong những năm gần đây, thương mại song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam phát triển nhanh chóng. Năm 1992, khi Trung Quốc và Việt Nam ký Hiệp định Hợp tác Kinh tế, kim ngạch thương mại giữa hai nước chỉ đạt 179 triệu USD.

Năm 2000, kim ngạch thương mại giữa hai nước vượt 2 tỷ USD, sau đó đạt 50 tỷ USD vào năm 2012, vượt 100 tỷ USD vào năm 2017 và vượt 200 tỷ USD trong hai năm liên tiếp vào năm 2021 và 2022.

Trong 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đã đạt 155,58 tỷ USD. Cụ thể, tính từ tháng 1 đến tháng 11/2023, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của nước ta với kim ngạch ước đạt 55,98 tỷ USD và chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 99,6 tỷ USD.

Trong báo cáo mới nhất của Bộ Công thương, Trung Quốc hiện là thị trường duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương (xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc đảo chiều từ mức giảm 2,2% hồi đầu năm sang mức tăng 6,2% sau 11 tháng) trong khi các thị trường lớn khác đều giảm.

Làn sóng FDI thêm sức sống

Những điểm nổi bật trong hợp tác kinh tế và thương mại Trung Quốc - Việt Nam không chỉ thể hiện ở lĩnh vực thương mại mà còn ở sự thúc đẩy nhanh chóng trong hợp tác đầu tư.

Từ chỗ không có tên trong top 10 quốc gia đầu tư vào Việt Nam những năm 2010 trở về trước, FDI của Trung Quốc vào Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể về cả quy mô lẫn hình thức và vị trí xếp hạng ngày càng cao.

Trong 11 tháng năm 2023, Trung Quốc đã đầu tư 3,96 tỷ USD vào Việt Nam, đứng thứ 4 trong số 110 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Lũy kế đến nay, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 4.161 dự án với tổng vốn đăng ký trên 27 tỷ USD, đứng thứ 6 trên tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.

Các ngành nghề và lĩnh vực đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam cũng đa dạng hơn, mở rộng từ đầu tư vào nhà hàng, khách sạn, hàng tiêu dùng,… đến công nghiệp chế biến, chế tạo như điện, điện tử, dệt may, da giày,… Ông Gu Xiao Song, chuyên gia về Việt Nam, Giám đốc Viện nghiên cứu ASEAN thuộc Đại học Hải dương Nhiệt đới Hải Nam, nhận định, Việt Nam có vị trí độc tôn trong hợp tác công nghiệp và chuỗi cung ứng giữa Trung Quốc và các nước.

Trong 11 tháng năm 2023, Trung Quốc đã đầu tư 3,96 tỷ USD vào Việt Nam.

Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, tỷ lệ doanh nghiệp có vốn đầu tư Trung Quốc tại các khu công nghiệp ở Việt Nam tăng lên đáng kể. Người phụ trách của một công ty Trung Quốc kinh doanh tư vấn đầu tư tại Việt Nam cho biết: “Tính từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, công ty chúng tôi đã cung cấp dịch vụ tư vấn cho 23 công ty Trung Quốc có ý định đầu tư vào Việt Nam.

Các công ty này hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hóa chất, sản xuất lốp xe, dược phẩm, thực phẩm và đã được cấp giấy phép hoạt động. Họ đều tin rằng đầu tư vào Việt Nam chắc chắn sẽ mang lại kết quả tốt nhất và đôi bên cùng có lợi”.

Hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc vẫn còn nhiều dư địa để phát triển và bùng nổ trong thời gian tới, đặc biệt là trong các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, 5G, kinh tế số, phát triển xanh, kinh tế xanh, năng lượng mặt trời, quang điện,…

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tại các KCN ở Việt Nam.

Ông Zhai Kun, giáo sư Trường Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, nhận định hợp tác kinh tế và thương mại Trung Quốc - Việt Nam sẽ còn thăng hoa hơn nữa nếu hai bên tận dụng hiệu quả các lợi thế và nguồn tài nguyên của hai nước. Từ đó, nâng cao khả năng cạnh tranh của cả Việt Nam và Trung Quốc trong khu vực và chuỗi cung ứng chuỗi công nghiệp toàn cầu, đồng thời thúc đẩy các ngành công nghiệp của các nước trong khu vực phát triển và chuyển đổi để hình thành mạng lưới công nghiệp khu vực chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Tin mới lên