Quốc gia châu Âu tính chuyển hàng tỷ USD lợi nhuận từ tài sản đóng băng của Nga cho Ukraine

Đăng Phạm - 13/10/2023 00:38 (GMT+7)

(VNF) - Việc Bỉ cam kết chuyển hàng tỷ USD lợi nhuận từ tài sản đóng băng của Nga sang Ukraine là chưa có tiền lệ và được đánh giá là khá mạo hiểm.

VNF
Ảnh minh họa.

Ngày 11/10, Thủ tướng Bỉ De Croo đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhân dịp ông Zelensky thăm trụ sở của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels (Bỉ).

Tại buổi gặp, nhà lãnh đạo Bỉ cam kết sẽ gửi máy bay chiến đấu F-16 tới Ukraine vào năm 2025 và cung cấp dịch vụ bảo trì cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho Ukraine.

Ông De Croo đồng thời khẳng định khoản tiền 1,8 tỷ USD được tạo ra từ tài sản Nga bị tịch thu sẽ được bàn giao cho Kiev vào năm tới và được chi cho các hạng mục như thiết bị quân sự, hỗ trợ nhân đạo và nỗ lực tái thiết.

Theo dữ liệu do Euroclear, cơ quan thanh toán bù trừ chính của EU, công bố, ước tính cơ quan này đang nắm giữ khối tài sản Nga trị giá 196,6 tỷ USD. Phần lớn số tài sản mà Euroclear nắm giữ thuộc sở hữu của Ngân hàng Trung ương Nga.

Sau cuộc gặp với ông De Croo, Tổng thống Ukraine Zelensky viết trên kênh Telegram của mình rằng ông đã thảo luận về các cách “làm thế nào để có thể sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga ngay bây giờ mà không lãng phí thời gian để bù đắp thiệt hại” và cảm ơn nhà lãnh đạo Bỉ vì hành động đúng theo nguyên tắc với tài sản đóng băng của Nga.

Trước đó, vào tháng 7, Euroclear tiết lộ rằng trong số 2,28 tỷ euro kiếm được trong nửa đầu năm 2023, họ đã tích lũy được hơn 1,7 tỷ euro lợi nhuận từ các tài sản bị đóng băng của Nga.

Trong một thời gian, Brussels đã nghiên cứu cách sử dụng số tiền thu được từ các quỹ bị đóng băng của Nga để trang trải chi phí tái thiết Ukraine sau xung đột.

Bloomberg trước đó đưa tin rằng các quan chức EU đã lên lịch thảo luận để phác thảo kế hoạch của khối nhằm áp thuế bất ngờ đối với lợi nhuận tạo ra từ tài sản cố định. Các quỹ của ngân hàng trung ương Nga bị phong tỏa ở EU dự kiến ​​sẽ tạo ra khoảng 3 tỷ euro lợi nhuận bất ngờ.

Tuy nhiên, nhiều nhà lập pháp trong khối đã chỉ ra rằng “không có con đường pháp lý đáng tin cậy nào cho phép tịch thu tài sản bị phong tỏa hoặc tài sản cố định chỉ vì lý do duy nhất là những tài sản này đang chịu các biện pháp hạn chế của EU”. Nói cách khác, hệ thống pháp luật EU chỉ cho phép “đóng băng” tài sản chứ không được sung công.

Theo Hãng tin Reuters, mặc dù có sự đồng thuận chính trị giữa các nhà lãnh đạo châu Âu về việc sử dụng những tài sản bị đóng băng của chính quyền Nga và các tài phiệt người Nga để chi trả cho việc tái thiết Ukraine, châu Âu chưa thể hành động vì phải nghiên cứu tính hợp pháp trong cách khai thác những tài sản này.

Xem thêm >> Ông Putin: Đức từ chối khí đốt từ Dòng chảy phương Bắc là 'hành vi ngu ngốc về mặt kinh tế'

Theo RT
Cùng chuyên mục
Tin khác