Tiêu điểm

Quốc hội tiếp tục Kỳ họp thứ 6: Quyết định đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước

(VNF) - Trong tuần làm việc đầu tiên của đợt 2 - Kỳ họp thứ 6, Quốc hội xem xét việc tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong 6 tháng đầu năm 2024; bên cạnh đó sẽ xem xét thông qua Luật Căn cước với nội dung được quan tâm là đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước.

Quốc hội tiếp tục Kỳ họp thứ 6: Quyết định đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước

Chính phủ trình Quốc hội xem xét tiếp tục giảm thuế VAT, trừ chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm.

Theo chương trình, trong ngày đầu tiên của đợt 2, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về việc giảm thuế giá trị gia tăng.

Trước đó, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong 6 tháng đầu năm 2024. Dự kiến việc giảm thuế VAT này sẽ khiến ngân sách hụt thu khoảng 25.000 tỷ đồng.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ, việc giảm thuế VAT sẽ tiếp tục được thực hiện từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024. Việc giảm 2% thuế suất thuế VAT sẽ tiếp tục được áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%).

Việc giảm thuế sẽ trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Quốc hội cũng thảo luận Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và nội dung về việc giảm thuế giá trị gia tăng cũng sẽ được Quốc hội dành thời gian bàn thảo ngay trong ngày làm việc đầu tiên của đợt 2.

Về công tác xây dựng luật, sáng 27/11, Quốc hội dự kiến thông qua Luật Căn cước, quyết định nội dung quan trọng nhận được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội trong suốt quá trình thảo luận, đó là đổi tên dự án luật từ Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước. Đi kèm việc này là đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước.

Cũng trong đợt 2 của kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua một số luật như: Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước; Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở...

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ biểu quyết thông qua các nghị quyết gồm: Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030”.

Trong khi đó, theo chương trình nghị sự, trong ngày làm việc cuối cùng (29/11), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đất đai sửa đổi - một dự án luật đã nhiều lần "lỡ hẹn".

Liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), mới đây, sau khi tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết có đến 11/22 ý kiến đề nghị rà soát kỹ lưỡng, dành thêm thời gian tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật một cách thấu đáo nhất, cân nhắc cẩn trọng việc thông qua dự án Luật khi còn quá nhiều ý kiến khác. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã đề nghị chưa thông qua dự án Luật tại kỳ họp này  dự kiến chuyển sang phiên họp bất thường tháng 1/2024

Tin mới lên