Sau kỳ nghỉ Tết Canh Tý 2020, thị trường chứng khoán Việt Nam có diễn biến lao dốc tương đồng với nhiều thị trường khác trên toàn cầu trước ảnh hưởng của dịch cúm Covid-19.
Chỉ số VN-Index giảm 2,5% trong tháng 1 và nhóm cổ phiếu chịu tác động mạnh nhất là nhóm vốn hóa nhỏ với mức giảm 6,4%.
Theo đó, chỉ số VNSmallcap thể hiện kém hơn hẳn so với VN-Index và VN30 khi đã giảm 8% kể từ cuối tháng 12/2019 cho tới nay.
AFC Vietnam Fund nhận định, những diễn biến gần đây có thể là “điểm ngoặt” tạo làn sóng nhà đầu tư giá trị mới đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam.
Trong 2 năm qua, các thị trường cận biên đối diện với sức ép lớn, dẫn tới việc dòng tiền tháo chạy khỏi các quỹ đầu tư tập trung đầu tư vào khu vực này, bất kể quy mô lớn hay nhỏ. Không chỉ tại Việt Nam, mọi thị trường cận biên đều chứng kiến áp lực bán ra, thậm chí có những quỹ lớn giảm tới 80% lượng tài sản nắm giữ.
Theo AFC Vietnam Fund, diễn biến này cùng với những chuyển động từ đầu năm 2020 tới nay khiến giá trị cổ phiếu Việt Nam đã rẻ tới mức khó có thể làm ngơ.
Nếu như trước đây quỹ này từng ngạc nhiên khi phân tích cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Việt Nam lần đầu tiên vào thời điểm 2012-2013, thì nay cảm xúc này một lần nữa quay lại.
Trong khi đó, đa phần doanh nghiệp niêm yết đã báo cáo kết quả hoạt động quý IV/2019 với kết quả khả quan.
Theo số liệu của Vietstock, 898 doanh nghiệp trên sàn đã tạo ra tổng cộng hơn 2,7 triệu tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 201.000 tỷ đồng lãi ròng trong năm 2019, tăng lần lượt 11% và 13% so với năm 2018.
Trước số liệu năm 2019 đã được công bố, AFC Vietnam Fund dường như đang “choáng ngợp” bởi mức định giá rất thấp của cổ phiếu Việt Nam.
Theo quỹ này, với P/E trung bình thị trường hiện chỉ khoảng 7.x và hơn 10% lượng cổ phiếu nắm giữ đang có P/E ở mức chỉ 2,5-5 lần, nhà đầu tư mới có nhiều cơ hội để sở hữu các cổ phiếu tốt với định giá rẻ.
AFC Vietnam Fund cho rằng, ngay khi các nhà đầu tư cũ bán ra cổ phiếu, thị trường sẽ chứng kiến những bước nhảy vọt với một số cổ phiếu, tương tự điều từng diễn ra giai đoạn 2012-2014, khi đà tăng của các cổ phiếu lệch pha hẳn với chỉ số chính.
Hiện tại, dù định giá của nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đang rất hấp dẫn, nhưng nhiều nhà đầu tư, bao gồm các quỹ ETF, vẫn phải theo đuổi các cổ phiếu có định giá cao vì ít có sự lựa chọn khi cơ cấu chính của VN-Index gồm nhiều cổ phiếu ngân hàng và cổ phiếu “họ Vin” vốn có thị giá đắt đỏ.
Theo AFC Vietnam Fund, trong số hơn 1.600 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường, chỉ có 31 công ty có giá trị vốn hóa hơn 1 tỷ USD và nguyên nhân chính là do giá cổ phiếu đang ở mức rất cao.
AFC Vietnam Fund hiện đầu tư vào 59 công ty và chỉ giữ 4,9% tài sản dạng tiền, tương đương tiền.
Nhóm cổ phiếu được ưa chuộng nhất thuộc lĩnh vực công nghiệp (chiếm 32,8% tỷ trọng danh mục đầu tư) và hàng tiêu dùng (29,7%).
Quỹ đang quản lý lượng tài sản giá trị 37,2 triệu USD tính tới cuối tháng 2/2020.
Ðáng chú ý, Quỹ đang để mắt tới lĩnh vực năng lượng mặt trời khi Việt Nam ngày càng thể hiện quyết tâm phát triển năng lượng tái tạo.
Năm 2019, theo ASEAN Post, Việt Nam đang là quốc gia dẫn đầu về năng lượng mặt trời tại Ðông Nam Á với công suất lắp đặt 4.450 MW, chiếm 44% tổng công suất năng lượng mặt trời tại ASEAN.
Xem thêm >> Giá cổ phiếu giảm mạnh, vốn hóa của Nissan xuống thấp hơn Subaru