Quy định mới về thí điểm quản lý lao động, tiền lương với Viettel

Ngọc Lưu - 07/09/2021 07:53 (GMT+7)

(VNF) - Ngày 6/9, Chính phủ ban hành Nghị định 82 về kéo dài thời gian thực hiện và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 121 đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 74 của Chính phủ về thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).

VNF
Quy định mới về thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).

Nghị định 82 quy định thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với công ty mẹ - Tập đoàn Viettel; công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do công ty mẹ - Tập đoàn Viettel nắm giữ 100% vốn điều lệ; tổng công ty và công ty do công ty mẹ - Tập đoàn Viettel nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành (6/9/2021). Các quy định tại nghị định này được thực hiện từ ngày 1/1/2021 cho đến khi Chính phủ ban hành nghị định mới quy định quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước theo Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Về quản lý tiền lương đối với công ty mẹ - Tập đoàn Viettel, nghị định nêu rõ công ty mẹ - Tập đoàn Viettel được giao ổn định đơn giá tiền lương (tính theo chỉ tiêu tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có tiền lương) trong giai đoạn 2016-2020 và từ năm 2021 trở đi trên cơ sở đơn giá tiền lương thực hiện bình quân của giai đoạn 2011-2015 khi bảo đảm đầy đủ các điều kiện.

Các điều kiện này gồm: hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được Đảng và Nhà nước giao; nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; mức tăng (tính theo tỷ lệ %) tiền lương bình quân phải thấp hơn mức tăng (tính theo tỷ lệ %) năng suất lao động bình quân và lợi nhuận thực hiện hằng năm phải cao hơn lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề ít nhất 3%.

Đối với công ty TNHH một thành viên do công ty mẹ - Tập đoàn Viettel nắm giữ 100% vốn điều lệ, loại công ty này được giao ổn định đơn giá tiền lương (tính theo chỉ tiêu tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có tiền lương hoặc theo chỉ tiêu tổng sản phẩm hoặc tổng sản phẩm quy đổi) trong giai đoạn 2016-2020 và từ năm 2021 trở đi trên cơ sở đơn giá tiền lương thực hiện bình quân giai đoạn 2011-2015 khi bảo đảm đầy đủ các điều kiện.

Các điều kiện này là: hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được Đảng và Nhà nước giao; nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; mức tăng (tính theo tỷ lệ %) tiền lương bình quân phải thấp hơn mức tăng (tính theo tỷ lệ %) năng suất lao động bình quân và lợi nhuận thực hiện hằng năm không thấp hơn lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề.

Đơn giá tiền lương thực hiện bình quân giai đoạn 2011-2015 được tính trên quỹ tiền lương thực hiện và chỉ tiêu tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có tiền lương hoặc chỉ tiêu tổng sản phẩm hoặc tổng sản phẩm quy đổi thực hiện hằng năm trong giai đoạn 2011-2015.

Trong năm 2020 và từ năm 2021 trở đi, khi thực hiện mở rộng sản xuất, kinh doanh, thực hiện đề án cơ cấu lại Tập đoàn Viettel theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ mà công ty TNHH một thành viên do công ty mẹ - Tập đoàn Viettel nắm giữ 100% vốn điều lệ phải tiếp nhận nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh mới từ công ty mẹ - Tập đoàn Viettel hoặc nhận sáp nhập công ty TNHH một thành viên khác do công ty mẹ - Tập đoàn Viettel nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc phát sinh hoạt động sản xuất, kinh doanh mới thì quỹ tiền lương của người lao động thực hiện theo 3 trường hợp.

Trường hợp đầu tiên là tiếp nhận nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh mới từ công ty mẹ hoặc nhận sáp nhập công ty TNHH một thành viên do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ, từ khi tiếp nhận nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh mới hoặc nhận sáp nhập, quỹ tiền lương thực hiện của người lao động thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh này được xác định trên cơ sở số lao động thực tế sử dụng bình quân và mức tiền lương tối đa bằng mức tiền lương bình quân của người lao động đã thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh đó tại công ty chuyển giao hoặc công ty bị sáp nhập trong năm liền kề trước thời điểm chuyển giao hoặc bị sáp nhập.

Trường hợp mức tiền lương bình quân này thấp hơn so với mức tiền lương bình quân của người lao động thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh tương tự tại công ty nhận sáp nhập thì được tính tối đa bằng mức lương bình quân trong năm liền kề ở công ty nhận sáp nhập trước thời điểm sáp nhập.

Trường hợp thứ hai là phát sinh hoạt động sản xuất, kinh doanh mới, quỹ tiền lương thực hiện của người lao động thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh này được xác định trên cơ sở số lao động thực tế sử dụng bình quân và mức tiền lương bình quân do công ty quyết định bảo đảm tương quan chung nhưng tối đa bằng tiền lương của người lao động làm nghề, công việc tương tự trong tập đoàn.

Trường hợp thứ ba là khi xác định quỹ tiền lương thực hiện theo quy định tại trường hợp đầu tiên và trường hợp thứ hai, công ty phải bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được Đảng và Nhà nước giao; nộp ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật, có lợi nhuận và phải báo cáo công ty mẹ - Tập đoàn Viettel cho ý kiến trước khi thực hiện.

Cùng chuyên mục
Tin khác