Diễn đàn VNF

Quy hoạch điện VIII: Muốn gọi vốn 'khủng' phải rõ cơ chế

(VNF) - Để tạo điều kiện phát triển Quy hoạch điện VIII, tạo cơ hội cho phát triển năng lượng tái tạo, điều quan trọng nhất lúc này là cần xây dựng cơ chế bình đẳng, công bằng, bảo đảm quyền lợi và chia sẻ rủi ro, lợi ích cho nhà đầu tư… Chỉ khi làm được như vậy, Việt Nam mới có thể huy động đủ nguồn vốn đầu tư để hiện thực hóa Quy hoạch.

Quy hoạch điện VIII: Muốn gọi vốn 'khủng' phải rõ cơ chế

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh

Ngày 15/5, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền Thủ tướng, đã ký phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII). Quy hoạch này được phê duyệt trong bối cảnh vài năm qua, một số dự án nguồn điện lớn chậm tiến độ vận hành, còn dự án mới chưa thể triển khai do chờ bổ sung quy hoạch. Như vậy, sau gần 4 năm từ lúc khởi thảo xây dựng, Quy hoạch điện VIII với mục tiêu chuyển đổi năng lượng, phát triển hệ sinh thái năng lượng tái tạo và xuất nhập khẩu điện đã được “chốt sổ”.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, khẳng định với Tạp chí Đầu tư Tài chính rằng Quy hoạch điện VIII sẽ mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam. Đây cũng là điểm đột phá, tạo ra cú hích trong chuyển dịch năng lượng của đất nước.

Tuy nhiên, ông Thịnh cũng lưu ý, với kịch bản chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, áp lực tài chính sẽ lớn hơn nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển công suất nguồn điện của Việt Nam.

- Theo ông, Quy hoạch điện VIII sẽ tác động như thế nào tới lĩnh vực năng lượng của Việt Nam?

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Việc thông qua Quy hoạch điện VIII thời điểm này là cần thiết. Đã đến lúc chúng ta cần có cái nhìn toàn diện về quy hoạch điện quốc gia, phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Theo đó, Quy hoạch điện VIII đã dẫn dắt sự thay đổi bằng cách hạn chế điện than và ưu tiên sử dụng nguồn năng lượng xanh, sạch, thoả mãn yêu cầu phát triển của đất nước, xu hướng của thế giới, cũng như cam kết quốc tế của Chính phủ về giảm phát thải khí nhà kính.

Quy hoạch điện VIII với việc chú trọng phát triển nguồn năng lượng sạch cũng giúp Việt Nam có cơ hội để tận dụng phát triển điện gió, điện mặt trời, đây là lĩnh vực Việt Nam có nhiều tiềm năng, từ đó phát huy thế mạnh vùng miền, giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường. Việc phát triển năng lượng sạch, hướng tới nền kinh tế xanh cũng tạo cơ hội để Việt Nam thu hút được nguồn vốn đầu tư, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

- Để thực hiện được Quy hoạch điện VIII, Việt Nam sẽ cần huy động một lượng vốn lớn đến mức nào từ nay đến năm 2045, thưa ông?

Để thực hiện Quy hoạch điện VIII, ước tính giai đoạn 2021-2030, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD, trung bình 13,5 tỷ USD/năm; giai đoạn 2031-2050, nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 399,2 - 523,1 tỷ USD. Đây là những khoản đầu tư rất lớn.

Quy hoạch điện VIII giảm thiểu điện than và ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, trong khi đó, đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo thì chi phí cao hơn, khả năng thu hồi vốn chậm hơn. Đây cũng là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam trong tiến trình thực hiện Quy hoạch.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, khi chúng ta bắt đầu “mở cửa” đón luồng điện gió, điện mặt trời thì lập tức khu vực kinh tế tư nhân trong và ngoài nước đã đầu tư rất lớn vào lĩnh vực này. Nhưng chúng ta vẫn chưa tận dụng được nguồn vốn, do thiếu cơ chế, chính sách phù hợp, khiến chúng ta không mua được hết điện, không sử dụng hết được năng lực phát điện, do khâu truyền tải điện không phát triển kịp với tốc độ tăng trưởng phát điện và không phát triển được nguồn điện lưu trữ.

Nói vậy để thấy rằng, không phải nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước không hào hứng với lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam, mà là do chúng ta thiếu cơ chế, chính sách để tạo ra cơ hội cho tư nhân tham gia vào, làm hạn chế cơ hội cho lĩnh vực này phát triển.

Để tạo điều kiện phát triển Quy hoạch điện VIII, tạo cơ hội cho phát triển năng lượng tái tạo, điều quan trọng nhất lúc này là cần xây dựng cơ chế bình đẳng, công bằng, bảo đảm quyền lợi và chia sẻ rủi ro, lợi ích cho nhà đầu tư… Nếu làm được như vậy, Việt Nam có thể huy động đủ nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, đồng thời tận dụng được những lợi thế về năng lượng tái tạo của Việt Nam, phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.

- Ông có đánh giá thế nào về vai trò của Quy hoạch điện VIII trong việc đóng góp vào mục tiêu đưa lượng phát thải ròng của Việt Nam về 0 vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ tại hội nghị COP26?

Việc Chính phủ thông qua Quy hoạch điện VIII là một tín hiệu rất tích cực giúp Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh, đây cũng là xu hướng mà các nền kinh tế trên thế giới đang hướng tới.

Từ nay đến năm 2050, vẫn còn gần 30 năm nữa để chúng ta thực hiện đưa phát thải ròng bằng 0, tuy nhiên, nếu không có những bước đi vững chắc, quyết liệt từ bây giờ bằng cách hạn chế chất thải, hạn chế nhiệt điện, tập trung vào phát triển năng lượng tái tạo thì chúng ta khó có thể đạt được mục tiêu đề ra vào năm 2050.

Do đó, việc thông qua dự thảo Quy hoạch điện VIII lại càng có ý nghĩa, không chỉ đối với sự phát triển của lĩnh vực năng lượng, mà còn đối với nền kinh tế Việt Nam, với những cam kết quốc tế mà Việt Nam đã đưa ra.

- Theo quan điểm của ông, những nhóm doanh nghiệp nào sẽ được hưởng lợi từ Quy hoạch điện VIII?

Nhóm doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây lắp hạ tầng điện sẽ được hưởng lợi rõ ràng nhất nhờ khối lượng công việc khá cao trong Quy hoạch điện VIII, đặc biệt trong các nhóm ngành điện khí và năng lượng tái tạo. Nhóm xây lắp điện bao gồm đường dây, trạm biến áp cũng sẽ ghi nhận mức tăng tương ứng nhằm đảm bảo khả năng hấp thụ và tính hiệu quả của hệ thống.

Một số doanh nghiệp niêm yết nổi bật trong nhóm xây lắp hạ tầng điện bao gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn PC1, Công ty Cổ phần Fecon, Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 sẽ là những doanh nghiệp được hưởng lợi sớm nhất. Trong dài hạn hơn, Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS) dự kiến sẽ gia nhập danh sách này do tham gia vào lĩnh vực xây lắp điện gió ngoài khơi, với kinh nghiệm trong những dự án gần đây như Thăng Long, La Gàn.

Các doanh nghiệp điện khí nói chung và điện khí hóa lỏng LNG nói riêng cũng sẽ có triển vọng tăng trưởng do sở hữu dự án đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII, gồm Dự án Nhơn Trạch 3, 4 của Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam, Dự án LNG Long Sơn của Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam và TV2, Dự án Ô Môn 3, 4 của Tổng công ty phát điện 2. Tổng công ty Khí Việt Nam đang thực hiện phát triển các dự án kho cảng LNG và nhờ đó sẽ được hưởng lợi trong giai đoạn này.

Quy hoạch điện VIII cũng thúc đẩy tiến độ các dự án mỏ khí tỷ USD vốn đã bị đình trệ lâu nay như Lô B, Cá Voi Xanh nhằm đảm bảo nguồn khí trong nước và giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu LNG cho phát điện tại Việt Nam.

Ngoài ra, Quy hoạch điện VIII được ban hành sau nhiều lần dự thảo sẽ có tác động tích cực tới các chủ đầu tư có kinh nghiệm phát triển các dự án năng lượng tái tạo như Công ty Cổ phần Bamboo Capital, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô, Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh, Công ty Cổ phần Điện Gia Lai. Với Điện Gia Lai, công ty này đang có các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp sẵn sàng vận hành trong năm 2023-2024 như Điện gió VPL Bến Tre giai đoạn 2 (30 MW), Điện mặt trời Đức Huệ 2 (49 MW).

Với Hà Đô, tập đoàn này đang phát triển mảng năng lượng, bao gồm 314 MW thủy điện, 50 MW điện gió và khoảng 82 MW điện mặt trời. Còn Bamboo Capital đã đưa vào vận hành 592 MW năng lượng tái tạo, gồm bốn dự án là BCG Long An 1, BCG Long An 2, Phù Mỹ 1 và BCG Vĩnh Long, cùng một số dự án điện mặt trời áp mái. Công ty đang triển khai các dự án điện gió, bao gồm Khai Long Cà Mau và Trà Vinh cùng giai đoạn 1, với tổng công suất 180 MW.

Tin mới lên