Tiêu điểm

Quy hoạch tổng thể quốc gia: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh sẽ là vùng động lực phía Bắc

(VNF) - Quy hoạch tổng thể quốc gia định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội bao gồm 4 vùng động lực quốc gia, 10 hành lang kinh tế, 2 khu vực lãnh thổ cần bảo tồn và vùng hạn chế phát triển và 3 ngành quan trọng cần phát triển.

Quy hoạch tổng thể quốc gia: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh sẽ là vùng động lực phía Bắc

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp

Chiều 21/12, tại phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là nội dung quan trọng nhất được trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 diễn ra vào đầu tháng 1/2023.

Trình bày tờ trình về nội dung này của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch là phải hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia. Trong đó, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng văn hóa, xã hội, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai...

Cũng theo ông Dũng, quy hoạch tổng thể quốc gia đến 2030 cũng hướng đến đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Trong đó, ông Dũng cho biết về định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành, lĩnh vực chủ yếu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đối với các ngành sản xuất, kinh doanh, tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế như công nghiệp năng lượng, cơ khí chế tạo, khai khoáng, luyện kim, hóa chất, phân bón, vật liệu...

Ngoài ra, việc ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ mới. Phát triển các ngành công nghiệp xanh, gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên.

Về phát triển các vùng động lực, ông Dũng khẳng định cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia, Quy hoạch tổng thể quốc gia hướng đến lựa chọn một số địa điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao.

Liên quan định hướng phát triển các vùng động lực quốc gia, hành lang kinh tế, ông Dũng cho biết, trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030 lựa chọn một số địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất để hình thành các vùng động lực quốc gia.

Đó là: Vùng động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); vùng động lực phía Nam (TP. HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu); vùng động lực miền Trung (khu vực ven biển Thừa Thiên-Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi) và vùng động lực Đồng bằng sông Cửu Long với các cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Phát triển các hành lang kinh tế ưu tiên trong giai đoạn đến năm 2030: Hành lang kinh tế Bắc - Nam và 2 hành lang kinh tế Đông - Tây là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Mộc Bài - TP. HCM - Vũng Tàu…

Tại phiên họp, đại diện cơ quan thẩm tra về tờ trình Quy hoạch tổng thể quốc gia kể trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Quy hoạch tổng thể quốc gia đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch cũng như nhiều định hướng phát triển, cho thấy khối lượng công việc, nhiệm vụ cần phải triển khai rất lớn. Điều này đòi hỏi nguồn lực đầu tư phải tương xứng, không chỉ về nguồn vốn mà cả về nhân lực được đào tạo phải đủ trình độ để ứng dụng tiến bộ của khoa học, công nghệ.

Chỉ ra một số tồn tại, ông Thanh cho rằng, hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia còn nhiều nội dung cần tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý, giải trình. Đồng thời, còn nhiều ý kiến khác nhau về mức độ chi tiết, do đó cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện hồ sơ, đặc biệt là dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua.

Tin mới lên