Thị trường

Rủi ro suy thoái, ngân hàng tăng mua vàng nhiều nhất thời đại

(VNF) - Tính đến hôm nay, sau 2 tuần liên tiếp, giá vàng miếng SJC gần như không đổi, vẫn mua- bán quanh mức 66,6- 67,6 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới nhích nhẹ 4 USD/ounce so với cuối tuần trước.

Rủi ro suy thoái, ngân hàng tăng mua vàng nhiều nhất thời đại

Hôm nay (26/11), vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) được niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 66,6- 67,6 triệu đồng/lượng.

So với 1 tuần trước, giá vàng trong nước sau cả tuần biến động tăng giảm, đã quay về bằng với mức của cuối tuần trước ở cả chiều mua vào và bán ra. Như vậy trong 2 tuần liên tiếp, giá vàng miếng SJC gần như không đổi, còn so với mức đỉnh cao nhất 74,4 triệu đồng/lượng thiết lập ngày 8/3, giá vàng hôm nay đã giảm 6,8 triệu đồng mỗi lượng.

Biên độ giá mua và bán vàng tuần này vẫn được duy trì mức 1 triệu đồng/lượng, bằng với mức tuần trước.

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại hôm nay cũng được điều chỉnh, mua bán quanh mức 53,05- 54,05 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng so với tuần trước. Biên độ chênh lệch giá mua - bán vàng nhẫn, vàng trang sức tuần này duy trì ở mức 1 triệu đồng/lượng, bằng mức tuần trước.

Giá vàng thế giới ngày 26/11 đóng phiên giao dịch cuối tuần ở mức 1.755,8 USD/ouce, tăng thêm chỉ 4 USD/ounce so với cuối tuần trước.

Ghi nhận thị trường trong nước, hiện giá vàng nhẫn hiện đang cập nhật theo sát giá thế giới hơn vàng miếng SJC.

Những ngày qua, giá vàng trên thị trường biến động với biên độ hẹp, giao dịch trầm lắng.

Chênh lệch giá giữa vàng trong nước và thế giới tuần này giữ nguyên so với tuần trước, trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng mà vàng miếng SJC chỉ nhích rất ít. Hiện quy đổi theo tỷ giá, vàng thế giới thấp hơn giá vàng SJC còn khoảng 15 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới hôm qua tăng - giảm khá bất ngờ khi thị trường Mỹ bước vào ngày nghỉ Lễ Tạ ơn. Theo đó, giới đầu tư vàng hạn chế mua - bán khiến xu hướng của giá vàng khó dự đoán.

Có thời điểm giá vàng đã lên tới 1.760 USD/ounce nhưng chỉ vài giờ tiếp theo rơi xuống vùng 1.745 USD/ounce. Nguyên nhân được cho là vàng gánh chịu sức ép do giá trị của đồng USD hồi phục sau nhiều ngày suy yếu trên diện rộng.

Khi giá vàng xuống còn 1.745 USD/ounce, một số nhà đầu tư đã đưa vốn vào kim loại quý này. Giá vàng thế giới vì thế tăng trở lại. Đến đầu ngày 26/11, giá vàng hôm nay tạm dừng tại mức 1.756 USD/ounce.

Giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.755,3 USD/ounce. Giá vàng giao tương lai tháng 2/2023 trên sàn Comex New York ở mức 1.768,8 USD/ounce.

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên tại Mỹ ở mức 1.755,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12/2022 trên sàn Comex New York giao dịch ở mức 1.745,6 USD/ounce.

Đồng USD giảm, khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác. Chiến lược gia thị trường Yeap Jun Rong của ngân hàng IG (Thụy Sỹ) nhận định, việc đồng USD yếu đi đã hỗ trợ cho vàng.

Theo ngân hàng ANZ, rủi ro suy thoái kinh tế và địa chính trị gia tăng vào năm 2023. Nhu cầu vàng vật chất tăng ở các thị trường mới nổi. Các ngân hàng trung ương tăng mua kỷ lục, đa dạng hóa dự trữ ngoại hối. Vàng còn nhiều cơ hội tăng giá.

Công ty môi giới tài chính Reliance Securities (Ấn Độ) cho biết giá vàng có thể tăng lên mức 1.790-1.820 USD/ounce vào cuối tháng 12/2022. Nhu cầu trú ẩn an toàn và sự suy yếu của đồng USD tạo cơ hội cho vàng tăng giá.

Theo chuyên gia về vàng tại State Street Global Advisors, chỉ số USD đã tăng 10% trong năm qua khi các nhà đầu tư chuyển sang nắm giữ đồng USD như một nơi trú ẩn an toàn trong thời điểm kinh tế toàn cầu rơi vào trạng thái ‘bất ổn chưa từng có’.

Mặc dù giá vàng đã giảm 4% từ đầu năm đến nay, nhưng kim loại quý vẫn an toàn hơn so với các tài sản khác.

Số liệu mới nhất do Hội đồng vàng thế giới vừa công bố cho thấy, lượng mua vàng của Ngân hàng Trung ương đã đạt mức cao nhất mọi thời đại trong quý III/2022. Nhu cầu nắm giữ vàng của các Ngân hàng Trung ương chiếm 10-15% tổng nhu cầu vàng toàn cầu.

Tin mới lên