Rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Nga, Mỹ chi hơn 1 tỷ USD phát triển tên lửa

Chu La - 03/05/2019 15:59 (GMT+7)

(VNF) - Chỉ trong vòng 3 tháng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga, Washington ký kết nhiều hợp đồng tên lửa mới với các nhà thầu quốc phòng.

VNF
3 tên lửa của Mỹ gồm Peacekeeper, Minuteman I và Minuteman III.

Cụ thể,  theo báo cáo công bố ngày 2/5 của tổ chức Chiến dịch quốc tế về loại bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) và tổ chức Hòa bình của Mỹ (PAX), kể từ ngày 22/10/2018 đến ngày 21/1/2019, quân đội Mỹ đã ký nhiều thỏa thuận phát triển tên lửa với các nhà thầu với tổng giá trị lên đến 1,1 tỷ USD.

Trong đó, công ty Raytheon lấy được 44 hợp đồng với số tiền 537 triệu USD, kế đến là Lockheed Martin với 36 hợp đồng tên lửa (268 triệu USD), trong khi Boeing đứng thứ ba với 4 hợp đồng (245 triệu USD).

Theo ICAN, Mỹ đang nỗ lực chế tạo thêm nhiều tên lửa, mang lại lợi ích cho các công ty Mỹ và khiến thị trường tràn ngập tên lửa bất chấp phạm vi hoạt động của chúng. Việc rút khỏi INF dường như lại là động thái khởi đầu cho cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

"Tổng thống Trump kêu gọi phi hạt nhân toàn cầu, nhưng hành động của Mỹ và các đồng minh dường không phù hợp với lời nói", báo cáo nhấn mạnh

Trước đó, hồi giữa tháng 3, một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết nước này sẽ phóng thử một tên lửa hành trình có tầm bắn khoảng 1.000 km vào tháng 8, tiếp đó là một tên lửa đạn đạo có tầm bắn 3.000-4.000 km vào tháng 11. Đây đều là loại tên lửa có tầm bắn thuộc diện bị cấm theo Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Được biết hai loại tên lửa này sẽ được Mỹ biên chế trong khoảng 2-5 năm tới và sẽ được trang bị đầu đạn thông thường chứ không phải vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, chúng nằm trong phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước INF mà Mỹ vừa rút hồi đầu tháng 2 với Nga.

Hiệp ước INF, được ký kết năm 1987, là thỏa thuận giữa chính phủ Mỹ và Liên Xô nhằm loại bỏ việc phát triển, triển khai hoạt động các loại tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Theo đó, Liên Xô và Mỹ thống nhất loại bỏ các tên lửa hạt nhân và thông thường, bệ phóng trên mặt đất có tầm bắn từ 500-1.000 km (tầm ngắn), 1.000-5.500 km (tầm trung). Hiệp ước không bao gồm các loại tên lửa đạn đạo, hành trình phóng từ biển.

Ngày 2/2, Mỹ chính thức đình chỉ tham gia hiệp ước này. Washington cho rằng Moscow đã vi phạm Hiệp ước, chế tạo tên lửa hành trình "Novator 9M729" được đặt trên mặt đất cho tổ hợp Iskander.

Cùng ngày, đáp lại quyết định của Mỹ, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga cũng quyết định đình chỉ tham gia Hiệp ước.

Không đợi thời hạn 6 tháng do Washington đặt ra để hoàn tất các thủ tục chấm dứt INF, ngày 4/3/2019, nhà lãnh đạo Nga đã đi một bước mạnh mẽ hơn nữa bằng việc ký sắc lệnh đình chỉ việc thực thi hiệp ước này.

Tổng thống Putin đã chỉ thị Bộ Quốc phòng Nga bắt tay ngay vào việc chế tạo các tên lửa đạn đạo siêu thanh phóng lên từ mặt đất. Ông Putin nhấn mạnh rằng Nga sẽ không triển khai các tên lửa tầm ngắn và tầm trung trước khi Mỹ triển khai các loại vũ khí này tại châu Âu và các quốc gia khác.

Xem thêm >> Ông Putin nói Nga và Ukraine là anh em, Tổng thống Zelensky đáp trả gay gắt

Theo Sputnik
Cùng chuyên mục
Tin khác