Rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc, Nga cảnh báo tàu thuyền không còn an toàn ở Biển Đen
Thanh Tú -
18/07/2023 19:03 (GMT+7)
(VNF) - Nga cảnh báo khu vực Tây Bắc Biển Đen một lần nữa “tạm thời nguy hiểm” sau khi hành lang ngũ cốc an toàn qua khu vực này khép lại.
Trong tuyên bố đưa ra mới đây, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết “các thỏa thuận trong Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen hết hiệu lực từ ngày 17/7.
Thỏa thuận này được kí kết vào tháng 7/2022, do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian đàm phán. Cho tới nay, thỏa thuận đã 3 lần được gia hạn. Lần gia hạn gần đây nhất có hiệu lực từ ngày 18/5 và kéo dài trong 2 tháng.
Theo thỏa thuận, Nga sẽ cung cấp một “hành lang ngũ cốc” an toàn qua Biển Đen để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine. Thỏa thuận được ca ngợi là có ý nghĩa quan trọng trong việc xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và giúp các quốc gia nghèo nhất thế giới tránh khỏi nạn đói.
Tuy nhiên, sau khi rút khỏi thỏa thuận này vào ngày 17/7, Bộ Ngoại giao Nga ra thông báo cho biết việc Moscow từ chối gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đồng nghĩa với việc “rút lại các đảm bảo an toàn hàng hải, cắt giảm hành lang nhân đạo trên biển, và khôi phục chế độ của một khu vực nguy hiểm tạm thời ở Tây Bắc Biển Đen”.
Nguy cơ "đối đầu trực tiếp" với NATO
Trước động thái cứng rắn từ phía Nga, Cựu tư lệnh tối cao lực lượng đồng minh của NATO, ông James Stavridis, lo ngại rằng NATO có thể can thiệp để bảo vệ các lô hàng ngũ cốc của Ukraine nhằm ngăn chặn mối đe dọa về sự gián đoạn vận chuyển có thể xảy ra của Nga. Và nếu “Nga hành động liều lĩnh”, NATO và hạm đội hải quân của Nga ở Biển Đen có thể rơi vào tình trạng căng thẳng.
“Đây là một tin rất xấu đối với thị trường ngũ cốc quốc tế, đồng thời làm dấy lên lo ngại về việc NATO có thể phải hộ tống các tàu chở ngũ cốc này. Điều đó có thể dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp giữa hạm đội Biển Đen của Nga và các tàu chiến của NATO nếu Moscow có hành động liều lĩnh”, ông Stavridis cho hay.
Theo Liên hiệp quốc, kể từ khi được ký kết vào tháng 7 năm ngoái, Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đã cho phép hơn 32 triệu tấn lương thực được xuất khẩu từ ba cảng tển Biển Đen của Ukraine gồm Odesa, Chornomorsk và Pivdennyi xuất khẩu đến 45 quốc gia trên toàn thế giới.
Ngay sau khi Nga thông báo rút khỏi thỏa thuận, giá lúa mì, ngô, đậu tương đồng loạt tăng giá.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.