Nội bộ EU 'lục đục' về cách sử dụng hơn 200 tỷ USD bị phong tỏa của Nga

Minh Đăng - 15/07/2023 17:17 (GMT+7)

(VNF) - Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU), và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho tới nay vẫn chưa thể đạt được đồng thuận về kế hoạch sử dụng lợi nhuận từ hơn 200 tỷ euro (218 tỷ USD) tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga bị đóng băng để hỗ trợ tái thiết Ukraine.

VNF
Nội bộ EU 'lục đục' về cách sử dụng hơn 200 tỷ USD bị phong tỏa của Nga

Theo đó, tại Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels vào tháng trước, các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý tiến hành một cách thận trọng kế hoạch đánh thuế vào lợi nhuận thu được từ các tài sản của Nga bị đóng băng ở châu Âu.

Bỉ hiện đang lưu giữ 90% trong số 200 tỷ euro (218 tỷ USD) tài sản bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga. Theo một nhà ngoại giao châu Âu, EU sẽ thu giữ toàn bộ khoản lãi khoảng 3% mỗi năm từ 100 tỷ euro tiền mặt mà EU đang nắm giữ.

Nếu được áp dụng, EU sẽ thu về khoảng 3 tỷ euro (3,2 tỷ USD) mỗi năm và dùng số tiền này để hỗ trợ tái thiết Ukraine, một số ước tính cho thấy con số này có thể còn cao hơn.

Hơn một nửa tài sản đóng băng của Nga là tiền mặt và tiền gửi, trong khi "một lượng đáng kể" phần còn lại là chứng khoán sẽ được chuyển đổi thành tiền mặt khi chúng đáo hạn trong vòng hai đến ba năm tới.

Theo ông Andres Ahnlid, Tổng giám đốc Ủy ban Thương mại Quốc gia Thụy Điển, đồng thời là người đứng đầu nhóm công tác EU đang xem xét các tài sản của Nga bị đóng băng, đó là cách tốt nhất để sử dụng những tài sản này phù hợp bới luật pháp EU và quốc tế đồng thời lưu ý rằng đó cũng là quan điểm của các luật sư tại Ủy ban Châu Âu.

Cũng theo nhà lãnh đạo Bỉ, hiện đã có sự đồng thuận chính trị trong EU về vấn đề này và chỉ cần giải quyết về mặt kỹ thuật.

Tuy nhiên, các quốc gia thành viên EU đang bị chia rẽ về hai lập trường do EC và ECB vẫn chưa đạt được đồng thuận về kế hoạch này.

Trong cuộc họp của các bộ trưởng tài chính của khu vực đồng tiền chung euro, với sự tham dự của Thống đốc ECB Christine Lagarde và Phó chủ tịch EC Valdis Dombrovskis, bà Lagarde cảnh báo việc sử dụng các tài sản bị trừng phạt có thể đe dọa tình hình ổn định tài chính của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và tính thanh khoản của đồng tiền này.

Người đứng đầu ECB cho biết việc đánh thuế lãi suất đối với khối tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga đang bị đóng băng ở châu Âu có thể làm suy yếu đồng euro và khiến các ngân hàng trung ương nắm giữ dự trữ ngoại hối lớn “quay lưng” với đồng euro, đặc biệt nếu EU quyết định hành động đơn phương và không tham gia cùng các nước 7 nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7).

ECB cho rằng sự phối hợp quốc tế sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro.

Bà lưu ý rằng số tiền bị đe dọa lớn hơn nhiều so với vài tỷ mà động thái này có thể mang lại cho Ukraine.

Một số ngân hàng lớn trên toàn cầu cũng lo ngại rằng việc chiếm đoạt tài sản của Nga có thể khiến Moscow trả đũa các lợi ích còn lại của họ ở nước này. Nga có thể gây khó khăn hơn cho các ngân hàng nước ngoài và nhắm mục tiêu vào nhân viên địa phương của họ.

Một số khác thì cho rằng việc đó có thể tạo tiền lệ cho các tài sản phương Tây nắm giữ ở nước ngoài cũng bị tịch thu, và do đó tác động tiêu cực lên niềm tin của các nhà đầu tư vào hệ thống ngân hàng châu Âu.

Theo Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg, dù EU muốn dùng các tài sản đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga để hỗ trợ cho Ukraine nhưng điều này không hề dễ dàng, nếu không được thực hiện một cách kín kẽ thì có thể trở thành một thảm họa kinh tế và ngoại giao.

Xem thêm >> ‘Ông lớn’ ngân hàng Nga lãi kỷ lục bất chấp loạt lệnh cấm vận

Theo Bloomberg
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.