Tài chính

Sabeco: Quý I lãi ròng 1.113 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng giảm hơn nghìn tỷ

(VNF) – Quý I/2018, Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) lãi ròng 1.113 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,1% so với cùng kỳ năm trước.

Sabeco: Quý I lãi ròng 1.113 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng giảm hơn nghìn tỷ

Sabeco lãi ròng 1.113 tỷ đồng trong quý I/2018

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, quý I/2018, doanh thu thuần của Sabeco đạt 7.809 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cơ cấu doanh thu quý I cho thấy mảng bia vẫn chiếm chủ đạo với tỷ trọng 84% và tăng 3,2% trong quý. Tương tự, mảng bao bì vật tư cũng có mức tăng 20% (đạt 1.104 tỷ đồng).

Ngược lại, doanh thu từ nước giải khát giảm 24% (đạt 75 tỷ đồng), doanh thu cồn giảm 32% (đạt 10,8 tỷ đồng), doanh thu rượu giảm 18% (đạt 5 tỷ đồng), doanh thu khác giảm 28% (đạt 20 tỷ đồng).

Tỷ lệ giá vốn trên doanh thu thuần so với năm trước có sự gia tăng từ 71,6% lên 75,1%. Điều này khiến lợi nhuận gộp giảm 8%, chỉ đạt 1.944 tỷ đồng.

Dù ghi nhận phần lãi trong công ty liên kết tăng gấp 3 lần (đạt 89,7 tỷ đồng) và ghi nhận thêm 13 tỷ đồng lợi nhuận khác (do thanh lý phế liệu và bồi thường vỏ chai vỡ) cũng như hưởng lợi từ sự suy giảm của các loại chi phí (chi phí tài chính giảm gần một nửa, còn 5 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm 12,7%, còn 594 tỷ đồng…) nhưng lợi nhuận sau thuế quý I của Sabeco vẫn giảm 2,7% so với cùng kỳ, đạt 1.408,7 tỷ đồng.

Kết thúc quý I/2018, Sabeco lãi ròng 1.113 tỷ đồng, giảm 1,1% so với cùng kỳ.

Tại ngày 31/3/2018, tổng tài sản của Sabeco là 20.764 tỷ đồng, giảm 5,6% so với đầu kỳ. Trong đó tài sản ngắn hạn là 12.576 tỷ đồng, tài sản dài hạn là 8.188 tỷ đồng.

Điểm đáng chú ý trong cơ cấu tài sản của Sabeco là sự suy giảm của lượng tiền gửi ngân hàng. Cụ thể, tại ngày kết thúc quý I/2018, lượng tiền gửi ngân hàng của Sabeco là 9.474 tỷ đồng (gửi ngắn hạn dưới 3 tháng là 3.950 tỷ đồng, từ 3 tháng – 1 năm là 4.606 tỷ đồng). So với đầu kỳ, lượng tiền gửi đã giảm 1.347 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, tại ngày 31/3/2018, nợ phải trả của Sabeco là 5.213 tỷ đồng, giảm 31% so với đầu kỳ.

Nợ ngắn hạn giảm 32% xuống còn 5.005,8 tỷ đồng, chủ yếu do sự sụt giảm của khoản "phải trả người bán ngắn hạn" (giảm 366 tỷ đồng), "thuế và các khoản phải nộp nhà nước" (giảm 327 tỷ đồng) và "phải trả ngắn hạn khác" (giảm 1.617 tỷ đồng – là khoản cổ tức, lợi nhuận đã trả).

Tin mới lên